1. Tôi thường “nổ” với bạn bè rằng mình quen thuộc Campuchia hơn cả đất nước mình. “Nổ” nhưng không nói dóc vì trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, tôi đến đất bạn không biết bao lần để viết báo, và từ năm 1979 đến 1989, thường xuyên theo Quân tình nguyện đưa tin về việc Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do Khmer Đỏ tiến hành, đứng đầu là hai “đồng chí” Pon Pot – Ieng Sary, dưới sự dẫn dắt của Đặng Tiểu Bình và phe cánh của ông ta.

Vậy nhưng 26 năm qua, ngoài một lần đến Angkor và Preah Vihear, bây giờ tôi mới trở lại miền Nam đất bạn, nơi có cảng Kampong Saom nằm trong thành phố Sihanouk (Sihanoukville) và Bokor ngàn mét cao so với mặt biển ngay dưới những rặng núi tạo nên cao nguyên này.

Sihanoukville thành lập năm 1964 cùng với việc mở rộng cảng Kampong Saom và quân cảng Ream, nay đã lan ra đến 868 km2, quy hoạch khá bài bản, nhưng dân số chỉ khoảng 200 ngàn người.

Dân ít, khách du lịch lại đông, do Sihanoukville có đến 20km bờ biển hình cánh cung ôm lấy thành phố với cả chục bãi tắm, như Sokha, Occheuteal, Victory, Otres,… mà mỗi bãi đều có nét đẹp riêng của vùng biển nhiệt đới. Đặc biệt bãi tắm Otres có nhiều làng chài nằm sát biển, tạo khung cảnh độc đáo hiếm thấy cho người đến thăm.

Bờ biển Sihanoukville hướng về phía Tây nên ngồi bất cứ đâu cũng chiêm ngưỡng được cảnh mặt trời dát vàng lung linh mặt nước trước khi từ từ lặn vào chân trời, nhưng đẹp nhất là ngắm hoàng hôn từ bãi tắm Victory, nơi có những quán bar nằm bên sườn đồi, trên những triền cát mịn.
NISAVA
Biển Sihanoukville có đảo Koh Rong, Koh Tang, Samloem,… khá gần bờ, xanh mướt rừng nguyên sinh, rất hấp dẫn để khám phá thiên nhiên hoang dã. Vì thế mà mươi năm trở lại đây, thành phố nhô ra vịnh Thái Lan này trở thành địa chỉ nghỉ dưỡng không chỉ của quan chức và dân giàu có Campuchia mà còn là điểm đến của du khách nhiều nơi trên thế giới.

Dịch vụ du lịch với khách sạn 3 – 4 sao kèm sòng bạc, nhà nghỉ bình dân, nhà hàng, hộp đêm san sát ở Sihanoukville cùng gái làng chơi, trong đó phần nhiều là gái hạ lưu sông Mekong nhởn nhơ chiều khách thâu đêm suốt tháng.

2. Quá trưa, trong một quán ăn nằm giữa bãi biển Sokha và Ocheuteal, nhìn ra cảng Kampong Saom, một vị khách tuổi trung niên, mang quân hàm trung tướng Quân đội Hoàng gia Campuchia đến bắt tay chúng tôi, giới thiệu mình từng học Trường Sĩ quan Lục quân 1 của Việt Nam (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn).

Có lẽ viên tướng nghe mấy nhà báo Việt Nam vừa “lai rai” vừa bàn luận về tình hình Campuchia sau khủng hoảng chính trị do phái Sam Rainsy, tức Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập gây ra, nên đến bắt chuyện. Đến cùng viên tướng có hai chàng trai sung mãn tuổi xuân, một mặc quân phục với lon thiếu tá, một mặc thường phục hàng hiệu.

Viên tướng nói ba cha con từ Phnom Penh xuống chơi biển nhân dịp cậu lớn tu nghiệp ở một trường võ bị bên Pháp về, cậu nhỏ vừa tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Viên tướng nói gì đó với cô phục vụ rồi cả ba cha con ngồi xuống cùng chúng tôi. Viên tướng vừa trò chuyện, vừa làm phiên dịch cho hai cậu con.

Cuộc gặp bất ngờ vừa xoay qua chuyện vì sao Khmer Đỏ lại tổ chức tiêu diệt dân tộc mình một cách bài bản như vậy thì nhà hàng dọn ra một bàn tôm hùm, cua hoàng đế và một chai rượu giá khoảng 1.000 Mỹ kim.

Không biết viên trung tướng này nhiều tiền đến đâu nhưng đi chiếc Audi khoảng 200 ngàn USD (nếu mua ở Việt Nam thì giá gần gấp đôi) và đãi khách từ thức uống đến món ăn đều hảo hạng thì chắc là thuộc loại quan chức giàu có.

Chuyện đông chuyện tây rồi chúng tôi lại vòng về chuyện Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt ở Campuchia. Tôi nói với viên tướng, tôi đã tham gia phản kích quân Khmer Đỏ ở Sihanoukville khi chúng huy động 10 sư đoàn (khoảng 6 vạn quân) xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát kinh hoàng, như vụ thảm sát 3.157 dân thường ở Ba Chúc (An Giang).
NISAVA
Trong bốn năm, từ 1975 đến 1978, có tới 3 vạn người Việt bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công Việt Nam. Viên tướng tỏ ra ngạc nhiên và muốn tôi kể lại những trận đánh ở Sihanoukville.

Tôi chỉ tóm lược, rằng, ngày 5/1/1979, trước khi quân đội Việt Nam tiến vào Pnom Penh bốn ngày, bốn tiểu đoàn được lệnh bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Bokor, phong tỏa đường 3 và 4, tiến chiếm cảng Kampong Saom, tiêu diệt lực lượng hải quân Pon Pot, ngăn chặn không cho tàu của chúng từ quân cảng Ream chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 và 126. Để hỗ trợ cho hai đơn vị này có Hạm đội 171 và Hải đoàn 127 với các tàu pháo, tàu đổ bộ, tàu tuần tiễu.

Các mũi tiến công đã hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch tác chiến, nhưng thương vong không hề nhỏ. Tổn thất nặng nề nhất là do nóng vội, một chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ đã chở cả tiểu đoàn trên 12 xe tăng và xe bọc thép tiến về Sihanoukville trước khi được lệnh, đã bị một trung đoàn Khmer Đỏ vây đánh hai ngày đêm, cả tiểu đoàn bị “xóa sổ”. Nhưng rồi chỉ trong vài ngày, Sihanoukville, Bokor và toàn tỉnh Kampot đã được giải phóng.

Viên trung tướng hỏi tôi về cảm nghĩ khi trở lại chiến trường xưa, tôi nói tôi cũng như bao người lính Việt Nam, vì tình nghĩa láng giềng không thể không giúp nhân dân Campuchia.

Trong lúc nhân dân Campuchia bị đập đầu và lao động khổ sai chết đến gần 2 triệu người, chẳng có ai đoái hoài thì chính nhân dân Việt Nam vừa trải qua cuộc chiến tranh giữ nước lần hai, đang thiếu ăn thiếu mặc, phải đưa con em mình sang cứu cả một dân tộc thoát khỏi họa diệt chủng thì một số nước lại hùa theo Trung Quốc – nơi nuôi dưỡng Khmer Đỏ, từ vũ khí đến lương thực, thuốc men – cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia.

Viên tướng chăm chú nghe tâm sự của tôi rồi đột nhiên nói: “Dân tộc tôi có câu “Đường thốt nốt chỉ gói được bằng lá thốt nốt”. Tôi nói với viên tướng: “Quân đội Việt Nam ở lại Campuchia đến 10 năm, quả là dài, nhưng cũng vì chờ lực lượng của bạn trưởng thành, đủ sức đánh thắng tàn quân Pon Pot lẫn khuất trong rừng, lại được Trung Quốc tiếp tục nuôi dưỡng. Trung tướng biết Việt Nam không chiếm một tấc đất nào của Campuchia. Đúng, đường thốt nốt gói trong lá thốt nốt mới không tan chảy, nhân dân Campuchia đã tự lo liệu cho đất nước mình sau khi được giải phóng”.

Chuyện trong bàn nhậu đáng lẽ còn dài nhưng vì theo kế hoạch phải lên Bokor, lại đã xế chiều, chúng tôi tạm biệt cha con viên trung tướng, ngoái lại thấy họ đã quay lưng, xăm xăm xuống biển.
NISAVA
3. Con đường lên Bokor trải nhựa phẳng lỳ, đủ cho hai xe lớn tránh nhau uốn lượn theo những triền dốc ngút ngàn rừng già, khi thì nhìn rõ vịnh Thái Lan và đảo Phú Quốc, khi thì chìm trong sương mù. Ở chân núi, tôi được một chủ khách sạn cho biết con đường trên 30km này do một người gốc Việt tên là Sáu Cò xây dựng lại từ cuối năm 2008.

Bokor là một cao nguyên bằng phẳng, rộng đến 1.580 km2, nhiệt độ quanh năm chỉ trên dưới 20oC, lý thú nhất là sương mù vừa ùa vào phòng đã chợt tan bởi nắng vàng phủ kin cao nguyên, mưa lây phây rồi tạnh ngay, nhường chỗ cho bầu trời trong xanh vời vợi…

Chỉ cách Phnom Penh hơn 2 giờ chạy xe, cách Sihanoukville một giờ rưỡi chạy xe mà trong một ngày đêm, Bokor có đến mấy lần bốn mùa, khác hẳn Bà Nà, Bạch Mã của Việt Nam cũng là cao nguyên trên đỉnh núi, nhưng một ngày đêm nhiều lắm Xuân – Hạ – Thu – Đông chỉ đến một lần.

Năm 1917, thực dân Pháp xây dựng tại Bokor một khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất Đông Dương, nhưng từ đầu năm 1925 thì bỏ phế, ngày nay chỉ còn lại Bokor Hill Station đổ nát và nhà thờ Thiên chúa rêu phong, hoang lạnh. Đến thời Khmer Đỏ, Bokor trở thành căn cứ quân sự. Từ năm 1993, Bokor là công viên quốc gia, điểm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất của Campuchia.

Tôi rất ngạc nhiên khi biết chính ông Sáu Cò là người tạo dựng Bokor ngày nay với những resort, khách sạn, những khu vila, căn hộ bán và cho thuê…, tất cả đều 4 – 5 sao, công trình nào cũng tính tiền xây dựng bằng trăm triệu, bằng tỷ USD, đặc biệt là Thansur Bokor Highland Resort đồ sộ, nổi bật giữa trung tâm cao nguyên.
Tiền đâu mà nhiều đến vậy?

Mười mấy năm trước, ông Sáu Cò trúng thầu 50 năm kinh doanh du lịch khu Angkor Wat theo tỷ lệ ăn chia với nhà nước Campuchia. Ngoài 20 USD tiền vé mỗi người vào chiêm ngưỡng Angkor Wat còn có khoản lãi không nhỏ từ những dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ du khách, mà mỗi năm trung bình có hơn một triệu du khách, trừ mọi chi phí, ông Sáu Cò dùng số tiền còn lại được hưởng đầu tư dần vào Bokor sau khi có giấy phép đầu tư trọn gói khu sinh thái – nghỉ dưỡng này. Bây giờ thì Bokor bắt đầu sinh lợi do du khách nhiều nơi trên thế giới đổ về, chỉ đứng sau Angkor Wat.

Không biết Sáu Cò đã là người giàu nhất Campuchia chưa, nhưng tôi khâm phục cách kinh doanh của người Việt ấy, mà nghe nói xuất thân từ nông thôn Nam Bộ.

Khâm phục bởi ông đã tận dụng thế mạnh của vườn quốc gia để kinh doanh du lịch kết hợp nghỉ dưỡng mà không làm tác hại đến hệ sinh thái phong phú các loài động thực vật và cảnh quan tuyệt đẹp, như thác nước hai tầng Popokvil và những cánh rừng nguyên sinh với bao thứ gỗ quý hiếm của “Ông Thần lớn” (Tà Lơn) theo cách gọi khác của Bokor.

Theo Phương Hà (Doanh Nhân Sàigòn)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *