(QBĐT) – Chợ đã tụ hợp từ hơn ba trăm năm nay bên bờ biển Đông. Mỗi ngày vào ba giờ sáng, người làng í ới ra mép biển đợi thuyền cá gần bờ vào bến. Vợ đợi chồng, con đợi cha, người làng đợi bạn, kẻ xóm đợi cá.

Chỉ trừ những ngày biển động, còn lại tháng ngày trong năm trời yên bể lặng, chợ cá của xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) hội họp. Chợ trải dài trên nền biển cả ba cây số. Nơi hô bán, nơi ngã giá, nơi chuyện trò, nơi ngóng đợi râm ran chuyện làng. Chợ cá bên bờ biển Đông đã bền dai như thế, dù được mùa hay không khẳm thuyền, chợ vẫn họp cho cuộc mưu sinh tiếp diễn.

Chợ cá bên chân sóng

Lão ngư Trương Lắn đã 79 tuổi, ông không còn đi biển. Nhưng sáng nào ông cũng ra ngóng đợi thuyền bơ của đứa con trai cả về xem được mớ cá bao nhiêu. Hỏi ông chợ cá có từ bao giờ, ông kể: “Từ lâu lắm rồi, từ ngày lập làng”. Mảnh đất Hải Ninh với những dòng họ Phạm, họ Mai, họ Ngô… đã khai canh làng cát này tính theo gia phả đã hơn ba trăm năm có lẻ. Biển bãi ngang, làng chẳng vận công đi xa, chỉ đánh bắt ven bờ chừng 3 hải lý. Cái chợ cá đêm cũng lặng lẽ tồn tại với bao phận người ở đây, cũng có mấy trăm năm bên sóng nước bể Đông.

Xưa Hải Ninh không có đường, ngư dân muốn ra thế giới bên ngoài phải lội qua sa mạc cát với nhiều núi cát trắng ngắt. Họ bán mớ cá từ biển để đổi gạo. Quang gánh theo đó ngàn vạn đời. Đôi dép họ đi không phải như người xứ ruộng, mà dép làm từ ván to bè, quai dép là thứ dây bện từ lưới rách. Dép ván phải to mới lội trên cát không bị lún, không bị rát bỏng chân. Nay, Hải Ninh đã có đường ô tô, nhưng làng biển bãi ngang vẫn cách mở chợ y chang mấy trăm năm trước. Có khác là xưa lấy cá đổi gạo nay buôn bán thành tiền.

Buổi sáng sớm mùa hạ, ánh bình minh dần ló rạng, phía từng trảng cát làng, tiếng người lội cát lao xao, tiếng nói cười bắt đầu hòa với sóng biển. Tiếng thương lái bắt đầu ra giá. Ngư dân đánh lộng mong con cá được giá, còn người mua sĩ muốn giá bớt đi để kiếm nhiều lời. Có nơi, việc ngã giá kéo cả tiếng, rồi mỗi bên “nhường” chút đỉnh để tránh nắng lên, cá mất tươi.

Chợ cá xôn xao cả ba cây số, người không đông lắm, nơi này một nhóm ba bốn thuyền thì cả chục người xúm vào, bến kia cả chục thuyền cùng đỗ cá thì vài ba chục người khuơ khoang mua bán. Chợ cá chỉ kéo dài đến 5 giờ sáng đã mãn họp. Cụ Lắn nói: “Chợ họp sớm để tránh nắng, nắng lên thì cá ươn, cá ươn mà chở đi bán dân làng ruộng họ chê, mất giá, không mua thì uổng. Nên chợ tan sớm là rứa”. Đã mấy trăm năm nay, chợ họp thành lệ, tan cũng thành lệ như vạt nắng vô thường.

Cuộc mưu sinh bãi ngang

Bãi ngang Hải Ninh có 400 thuyền bơ, loại thuyền cố kết từ tre cật phết hắc ín, miệng thuyền niềng lại bằng gỗ. Ngày xưa họ có cột buồm lợi dụng sức gió ra khơi, nay có thêm cái máy cóc vượt sóng. Sáng của phiên mỗi phiên chợ, người làng hỏi nhau hôm trước đi có “đủ tổn”?.

Cụ Lắn nói: “Đủ tổn là tiền dầu đèn trong đêm, một thuyền bơ đi hai hoặc ba người, có khi bốn người. Nếu may mắn thì ngoài tiền dầu đèn, tiền cơm nước trong đêm xong rồi trừ chi phí mỗi người được chia 3 trăm ngàn là may”. Mùa biển năm nay, vùng lộng ở bãi ngang này mất mùa. Cá đến mùa tháng 6 vẫn ít, mỗi đêm ra may mắn lắm được 2 ký mực nang thì đủ bù tiền dầu đèn, tiền cơm trên biển lấy sức, gói thuốc lá Chợ Lớn hay cút rượu đuổi lạnh.

Anh Mai Văn Nguyên đang phăn tay lưới nói buồn: “Răng mùa cá năm ni ít quá chú ơi. Đi thuyền bơ đánh gần bờ chỉ mong đủ tổn, đủ gạo mà cũng không xong”. Thế sao vụ cá này nhiều người nói trúng lớn, ngày mô cũng cả chục triệu?-tôi hỏi. Nghe vậy anh Nguyên nói ngay: “Đúng là họ đồn thôi, có nhà báo về viết tứng lên nói được mùa.

Thiệt với chú, cũng có chuyến trúng cả chục triệu bạc, mà trúng ba năm rồi. Trúng như rứa gọi là độc đắc, năm thì mười họa mới trúng một bữa, còn chuyến mô cả triệu hoặc hai ba triệu đã mừng hung rồi. Còn ngày mô cũng chục triệu ri thì đi gần bờ hết, mười ngày cả trăm triệu, cả tháng cũng mấy trăm triệu, rứa thì giàu to, chớ răng nghèo như làng bãi ngang được chú. Họ cứ bịa như bịa chuyện hài cho vui chú à”.

Trong phiên chợ gần 400 chiếc thuyền nan, mà dân làng gọi là thuyền bơ để đánh bắt vụng gần cập bãi làng, nhìn ngắm những chiếc thuyền nhỏ bé mới hiểu cách thức đánh bắt vẫn y hệt như xưa, thủ công như xưa, và kinh nghiệm như xưa. Ra biển chỉ ngồi câu kiểu “họa may”. Cá ăn thì được, không ăn thì về tay trắng cùng mấy con cá nóc đầy chất độc chết người.

Đánh bắt kiểu ăn may nên Hải Ninh nay vẫn nghèo, nghèo kiểu “gia truyền”. Nghèo nên cái chữ ở đây cũng khó neo lại. Anh Ngô Văn Tùy kể: “Cả vùng Hải Ninh đa số con cái đông, nhà tui có 5 đứa con, chừ cho đi học hết. Nhưng ngang lớp 9 là thôi, biết được ít trự thì ở nhà đi biển, có đứa thì đi lính, có đứa đi miền Nam kiếm việc. Không đủ tiền cho học lên nữa chú ạ”.

Nhà anh Nguyên cũng vậy, có 5 đứa con, chị Lần, vợ anh Nguyên nói: “Cơm lo rạc mặt. Bãi ngang nghèo, khó, khổ. Tui cũng chỉ lo chúng lên được lớp 9, ít nhà trong vùng cho lên cấp 3 lắm, đưa mô thiệt giỏi thì mới cắc củm vay mượn cho đi. Còn lại kiếm đường lo sống”. Chị Lần có thằng cu Huyễn mới lớp 5 đã phải ra chợ cá phăn lưới mỗi buổi sáng giúp gia đình từ sớm. Người nó nhỏ thó, ánh mắt sáng trưng.

Chị Lần khoe: “Hắn vừa đi học sinh giỏi Toán, Tiếng Việt cấp huyện được giải nhì”. “Rứa có cho hắn học lên đến đại học không?”. Chị Lần quệt lớp vảy cá trên tay: “Hắn học giỏi thì cố gắng vay mượn. Học không giỏi nữa thì đành chịu chơ biết mần răng”…

Mấy trăm năm gánh thuyền ra biển

Làng biển xã Hải Ninh lúc ba giờ sáng mỗi ngày mùa hạ, từng tốp người lao xao lội cát, lao xao nói chuyện, lao xao với chân sóng. Họ đang triềng thuyền. Triềng là thổ ngữ làng biển ở đây. Nó như một cách gánh, nhưng sức lực phải tập hợp từ 4 đến 6 người hoặc đông hơn. Cái dùi gỗ dài, to, chắc làm từ táu rừng để khỏi bị nước biển ướp mục. Họ kêu đó là đòn triêng, đòn triêng cũng là biệt ngữ của vùng quê này và các xứ lân cận. Đàn bà cũng triềng thuyền, đàn ông cũng triềng thuyền khi ra biển.

Những chiếc thuyền nan ở đây đến 400 chiếc, ngày nào vợ con của ngư phủ ở đây cũng ra triềng thuyền. Họ gánh một đầu mũi rồi xoáy tròn trên cát. Muốn cho thuyền xuống biển thì họ cố xoay cho vòng tròn chúi xuống, muốn cho thuyền lên khỏi chân sóng, họ xoay cho mũi thuyền hướng lên. Đang cùng chồng triềng thuyền xuống biển, chị Trương Thị Lần thở hắt rồi nói: “Ngày mô cũng triềng ri hết.

Làng tui nghèo nên đi biển theo cách nghèo. Chẳng có bạc đóng thuyền lớn như các làng khác có cửa sông rộng nên phải triềng thủ công. Thuyền hư hỏng thì triềng ngái hơn để sửa. Còn không thì ngày hai bận, hai vợ chồng cùng triềng với mấy đứa con. Chúng mà đi học sớm thì nhờ hàng xóm cùng triềng.

Buổi sáng nào của mùa đánh bắt cũng thế, quang cảnh gánh thuyền lên bãi hoặc xuống bãi cứ thế tiếp diễn. Họ cần cù như những con dã tràng để ra vùng gần bờ mong kiếm con cá, con tôm đắp đỗi qua ngày. Cụ Trương Lắn nói: “Gánh thuyền như rứa từ ngày lập làng chú ạ. Gánh mãi thành quen. Không gánh thì không có ăn. Tui tra rồi, con cái hắn không cho gánh cũng nhớ, nhớ nên ra coi cả làng gánh mỗi sáng cũng đỡ thèm”. Họ gánh truyền đời, truyền lớp người.

Thế nên, mỗi bận gánh thuyền ra biển, có nơi, có nhóm lại hát cho bữa gánh nhọc nhằn bớt đơn điệu, vơi chút vất vả: “Thương em eng qua gánh nốôc (thuyền)/ Mắt nhìn ưng gánh luôn phần đời của em”. Nghe rứa, con gái làng biển cũng đáp lại: “Eng gánh được, thiếp cũng chìa vai/ Gánh luôn cá biển eng đưa lên thuyền”…

Mấy trăm năm những chiếc thuyền như Hải Ninh, Thanh Bình… nhỏ bé, nhưng lòng người biết gánh hết cả lòng yêu giang san. Họ gánh thuyền như gánh đời, gánh đời như gánh nước non của làng. Cát làng vì thế mà bền dai muôn đời, gánh hết những hòn máu sinh ra phía bờ.

Theo Minh Phong (Báo Quảng Bình)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *