Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng khuôn vừa xanh vừa dẻo lại cực ngon chuẩn bị đón Tết nhé. Gạo nếp, thịt bao chỉ, đậu xanh hay lá dong là những thứ không thể thiếu khi gói bánh chưng Tết. Nhân dịp Tết đễn xuân về cùng gói chiếc bánh Chưng Tết để thắp hương tổ tiên và góp thêm món ăn truyền thống trong bữa cơm ngày Tết các bạn nhé!
Nguyên liệu bao gồm :
– 400 g nếp
– 250 g thịt ba rọi
– 100 g đậu xanh
– 6 củ hành ta
– Muối, tiêu, đường, nước mắm ngon
– 1 xấp lá dong tươi hoặc lá chuối (trường hợp không có lá dong)
– 12 dây lạt, hoặc dây nhựa trong
Trước khi tiến hành gói bánh các bạn cần lưu ý:
Lá dong: Đem rửa từng lá dong cho thật sạch hai mặt và sau đó lau thật khô. Rửa lá dong càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi gói lá dong được người tham gia gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (một loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) dùng để cắt lột bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá dong gói bánh quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói).
Gạo nếp: Các bạn nhớ nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, đem vo sạch sạch và ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng từ 12 đến 14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt gạo ra giá lớn để ráo. Có thể xóc gạo nếp với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.
Đỗ xanh: Đỗ xanh làm bánh chưng dập vỡ thành các mảnh nhỏ, ngâm đỗ xanh với nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt đỗ ra để ráo. Nhiều nơi gói bánh chưng Tết với đỗ hạt đã đãi vỏ trong khi có nhiều nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn và sau đó lại chia ra theo từng nắm vừa phái, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi thì lại nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.
Thịt lợn (heo): Thái thịt thành miếng to bản và dài, trước khi gói tẩm ướp chút muối, hạt tiêu bột (tốt nhất là hạt tiêu đã được rang thơm, tán nhỏ), hành tím, và lưu ý không dùng nước mắm khi ướp.
Cách gói bánh chưng Tết với lá dong:
– Đầu tiên là phải có khuôn gỗ chuyên dùng gói bánh chưng. Khuôn gỗ phải hình vuông, không đáy, không nắp tùy theo kích cỡ bánh bạn muốn thành phẩm.
– Bánh chưng gói khuôn quan trọng là cách xếp lá và cách bẻ mép lá cho khéo thì bánh ra rất đẹp. Gói khuôn sẽ cần 6 lá cho 1 bánh.
– Lá dong sau khi đã được lau sạch, tước bỏ sống lá dong thì cắt bỏ gốc lá và đầu lá sao cho khi gấp đôi lá lại sẽ có chiều dài bằng với chiều dài khuôn.
– Lá dong sau khi cắt, các bạn gấp đôi theo chiều dọc
– Sau đó lại tiếp tục gấp đôi theo chiều ngang
– Xếp 2 sợi lạt gói bánh thành hình chữ thập rồi cho khuôn bánh lên.Cầm lá dong cho vào 1 bên cạnh khuôn
– Mở lá ra theo chiều dọc, cho mép lá kia sát cạnh khuôn cùng bên. Lá sẽ tạo thành 1 góc vuông
– Phần mép lá nằm phía dưới thì bẻ mép 2 cạnh lá dong lại, tạo thành hình tam giác ở dưới đáy
– Dùng 1 lá dong khác lặp lại như vậy với góc khuôn đối diện
– Dùng thêm 2 lá dong cho vào hai góc còn lại, 2 lá này khi cho vào phần mép phía dưới không cần bẻ mép lá thành hình tam giác nữa mà mở hẳn ra. Mở ra để tạo thành đáy cho nếp lên trên
– Dùng thêm 1 lá dong không cần xếp cho hẳn vào trong khuôn. Mục đích là tạo nên 1 lớp đáy bánh được chắc chắn, khi nấu bánh chưng lâu, bánh sẽ không bị xì ra
– Cho gạo nếp, đậu xanh, thịt ướp lên lá
– Trên cùng là lớp gạo nếp và thêm 1 lá đậy hẳn lên trên nếp. Xếp các mép lá dong thừa lại cho gọn, xếp 2 bên rồi xếp lại lần nữa. Lấy khuôn ra khỏi bánh ( cách dễ nhất là nhấc khuôn ra và kéo khuôn đeo vào tới khuỷu tay, khi bánh cột 1 sợi lạt rồi thì mới cho khuôn ra ngoài hẳn).
– Cột 3 lạt ngang bánh
– Cột thêm 2 lạt nữa là thành bánh chưng như trong hình, về hình dáng khi gói bánh bằng khuôn lúc nào nhìn cũng đẹp hơn là không gói khuôn.
Cách xếp bánh chưng vào nồi để luộc(nấu)
Lót đáy nồi luộc bánh chưng bằng một ít lá nhỏ, cuống lá. Bánh chưng đã gói xong xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chắc, đổ ngập nước và bắt đầu luộc nồi bánh chừng 10 đến 14 giờ đồng hồ.
Cách ép bánh chưng đã chín và bảo quản:
Sau khi luộc bánh chưng xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (tục gọi là để cho rền bánh chưng) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh chưng được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.
Bánh chưng khi đã hoàn thành các công đoạn bảo quản treo ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu, tùy thời tiết có thể để được hàng tháng trời cũng không bị hỏng.
Tết sắp đến rồi cùng học:
– Cách làm mứt dừa Tết
– Cách làm thịt kho tàu ngon
Chúc các bạn thành công nhé !