(VNE) – Đến với Pú Đao (Lai Châu) là đến với hành trình dã ngoại vượt núi, băng rừng đầy gian nan, nhưng tất cả sẽ vụt tan biến khi bạn chinh phục được điểm cao nhất, nơi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và đẹp lạ lùng.
Pú Đao là một xã người H’mông nhỏ bé gồm bốn bản Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Hồng Tý thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay khoảng 13 km. Tên Pú Đao theo tiếng H’mông có nghĩa là “điểm cao nhất” vì xã nằm chót vót trên núi cao. Năm 2006 địa danh này được Gecko Travel (geckotravel.com) – một hãng du lịch của nước Anh chuyên đưa khách đến Đông Nam Á bầu chọn là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Còn trang web du lịch quốc tế gonomad.com, Siobhan McGeady cũng ca ngợi Pu Dau (Pú Đao) là một điểm đến đẹp bất ngờ và thân thiện.
< Dáng núi hình hổ phục.
Trước đây du khách khi ghé xã Pú Đao, huyện Sìn Hồ sẽ đến thẳng bản Nậm Đoong (điểm tập kết để chuẩn bị leo núi) mà không dừng lại ở trung tâm xã. Điểm đặc biệt hấp dẫn du khách của bản nhỏ này là những ngôi nhà được làm bằng gỗ, mái lợp bằng cỏ tranh, tập quán canh tác nương rẫy truyền thống, trang phục và bản sắc văn hóa thuần khiết không lai tạp. Nay để thuận lợi hơn cho cuộc sống, bản Nậm Đoong đã được di dời về trung tâm xã.
Trong khoảng 2 đến 3 km đi bộ đầu tiên từ đây lên điểm cao nhất của Pú Đao, bạn sẽ thấy hai bên đường mòn là bạt ngàn nương nghệ đen trổ hoa trắng hồng, xen kẽ những vạt hoa dại hình thù kỳ lạ.
< Những chú bò thân thiện trên hành trình đến điểm cao ở Pú Đao.
Những đàn bò, trâu, ngựa hàng trăm con tung tăng gặm cỏ trên một bãi chăn thả tập trung khiến nhiều người ngỡ ngàng như lạc vào xứ cao nguyên cổ tích. Nếu có thể hãy mang theo vài kg muối trắng bởi chỉ cần vãi ra bãi cỏ rộng, bạn sẽ thực sự thích thú khi thấy những chú bò Pú Đao béo mập tranh nhau gặm tới cả đất đến hết mặn thì thôi.
Càng lên cao, những góc ngắm bao quát không gian phía dưới liên tục biến đổi theo sự quanh co của cung đường, do đó đừng ngại ngần mà dừng chân chụp ảnh. Tuy nhiên, hãy nhớ đi đúng lối mòn vì chỉ có một cánh cổng duy nhất để trèo lên địa phận phía trên.
< Ngã ba sông nhìn từ điểm cao.
Khoảng 3 km cuối sẽ dễ chinh phục hơn vào mùa khô. Tuy đích đến quan trọng nhất của cuộc hành trình đã dần hiện ra trước mắt, nhưng bạn chỉ có thể cảm thấy ý nghĩa thực sự của hành trình khi đến đúng vị trí “điểm cao”, bởi khó có thể cảm nhận được gì nhiều dù cách nó chỉ vài chục mét.
Hét lên sung sướng, tĩnh lặng ngỡ ngàng, trầm ngâm không thốt lên lời hay vội vàng chuẩn bị ống kính… là những trạng thái cảm xúc khác nhau của du khách khi đến với điểm ngắm cảnh sơn thủy hữu tình như trốn bồng lai tiên cảnh này. Đến đây, bạn sẽ thấy Tổ quốc hùng vĩ biết bao, giang sơn tươi đẹp nhường nào với bốn bề núi sông hội tụ.
Nói điểm cao ở Pú Đao là nơi ngắm cảnh số một không ngoa vì từ vị trí này nhìn xuống, phía Đông và hai bên Đông Nam, Đông Bắc, dòng sông Đà chảy từ Tây Bắc nhận thêm sức mạnh từ chi lưu Nậm Na tạo nên một ngã 3 sông huyền thoại với những địa danh như Lai Hà, Hang Tôm, Đồi Cao, Mường Lay, Lê Lợi… Dòng sông cắt ngang 2 dãy núi tạo thành một chữ V lớn như ký hiệu “Việt Nam” thiêng liêng để đón mặt trời.
Theo người dân địa phương, một năm chỉ vài ngày là mặt trời mọc từ chính giữa chữ V rất đẹp. Khi đó, mặt trời thấp nhất so với những dãy núi xung quanh tạo thành một cảnh tượng kỳ thú, khi phía trên còn mờ tối mà phía dưới đã sáng lấp lánh ánh ban mai. Nhưng nếu hỏi chính xác ngày nào thì người dân khó có thể trả lời làm cho điểm cao thêm phần huyền bí.
Những ngày còn lại trong năm, bình minh nơi đây vẫn luôn hấp dẫn khi những tia nắng đầu tiên ló rạng từ lưng chừng núi, xuyên qua bảng lảng sương giăng mây phủ, chọc thẳng xuống mặt sông Đà lấp lánh, sưởi ấm những bản làng trù phú, đùa giỡn trên những sóng lúa nương ngô, tinh khôi trên những giọt sương còn ngậm trên cành lá… Một bình mình kỳ ảo ngỡ ngàng!
< Trẻ em ở Pú Đao.
Từ điểm cao nhìn chếch về phía Tây là dòng Nậm Na uốn lượn tạo nên một Chăn Nưa với ruộng đồng trù phú. Nhìn lên phía Bắc là hướng về ngọn nguồn Đà giang ẩn dấu bao điều kỳ thú gọi mời.
Thẳng xuống là Đồi Cao của thị xã Mường Lay (trước là tỉnh lỵ của Lai Châu khi chưa chia tách với Điện Biên). Đặc biệt, di tích bia Lê Lợi hào hùng bên vách đá sông Đà cách ngã 3 sông khoảng vài km là chính hướng nhìn từ điểm cao với thế “rồng cuộn hổ ngồi”, đại bàng che trở.
Có một dáng núi bắt đầu phía bên trái điểm cao thoải xuôi theo hướng sông Đà rồi bất ngờ thẳng đầu vươn dậy, nhìn thì như một cánh chim đại bàng với cái đầu dũng mãnh.
< Nhà ở bản ở Pú Đao.
Nhìn nghiêng từ bên phải quả núi, toàn cảnh lại như một chú hổ ngồi canh gác. Hướng mà cánh chim đại bàng che trở hay chú hổ ngồi canh chính là di tích khi xưa vua Lê Thái Tổ chọn khắc bia tạc vào sử sách, hội tụ linh khí đất trời, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, nhắc nhở con cháu muôn đời sau phải bảo vệ gìn giữ biên cương tổ tiên đã phân định với phương Bắc.
Các đoàn khách quốc tế sau khi đến điểm cao sẽ nối tiếp hành trình theo hướng Bắc để xuyên rừng sang phía xã Nậm Hàng, giáp xã Lê Lợi và Pú Đao để kết thúc hành trình dã ngoại mà không quay về điểm xuất phát ban đầu.
< Thung lũng nhìn từ Pú Đao.
Đây là hành trình khám phá thực sự bởi không có đường mà chỉ có những lối mòn do gia súc tạo ra và người dân qua lại rất ít. Du khách sẽ phải tự định vị hướng đi và tìm đường để đến đích. Phải chăng cái hoang sơ, những sự khám phá thực sự tạo ra sức hấp dẫn cho Pú Đao với du khách quốc tế và người Việt ưa mạo hiểm.
Pú Đao thanh bình và hiếu khách nhưng bạn nên làm quen và mở lời trước để người dân bớt e dè và ân cần đón tiếp. Những dân bản Nậm Đoong trước đây thường cho khách quốc tế ăn, ngủ tại nhà qua đêm mà chưa bao giờ thu phí. Pú Đao là vậy, rất đơn sơ mà đặc biệt, rất kỳ vĩ mà không quá cao xa để du khách khó tiếp cận. Hãy xách ba lô và lên đường, Pú Đao đang đón chào bạn!
Theo Trương Huy (NISAVA)
NISAVA TRAVEL!