(TNO) – Mỗi chuyến ra Hoàng Sa cứu nạn, bên cạnh nỗ lực bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, những con tàu SAR còn mang theo sứ mệnh khẳng định chủ quyền Tổ quốc ở quần đảo đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

< Ngày 22.10.2015: Tàu cá KH 96977 (11 ngư dân) trôi dạt, tàu SAR 412 đến thả xuồng ứng cứu thì bị 2 tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản.

Luôn sẵn sàng lên đường

Sáng 18.1, đôi tàu cứu nạn SAR 412 và SAR 274 neo ở cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) được vệ sinh, kiểm tra buồng máy sau chuyến cứu nạn liên tiếp 2 tàu cá và 1 tàu hàng, với 13 thuyền viên (1 thuyền viên Philippines) trong hai ngày 16 – 17.1.

Giám đốc Đà Nẵng MRCC Bùi Tân Nguyên chia sẻ rằng phải luôn chuẩn bị để sẵn sàng lên đường cứu nạn, bởi chỉ trong nửa đầu tháng 1.2018, vùng biển cả nước có đến 20 thuyền viên tử nạn do thiên tai, tai nạn trên biển. Đà Nẵng MRCC với 2 tàu phụ trách vùng biển 7 tỉnh thành từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa (H.Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng).
NISAVA
Thuyền trưởng SAR 412 Phan Xuân Sơn lật giở nhật ký hải trình, nhẩm đếm, 4 năm qua (2014 – 2018) Đà Nẵng MRCC có 47 chuyến Hoàng Sa, cứu 14 tàu, 148 ngư dân, trong đó hầu hết SAR 412 thực hiện. Với khoảng cách 200 – 300 hải lý, SAR 412 mất cả chục tiếng mới đến hiện trường, nên xuất phát càng sớm càng thêm hy vọng sống của ngư dân.

Dẫn chứng cho phóng viên, thuyền trưởng Sơn kể hôm 27.10.2018, ngư dân Trần Linh (52 tuổi, ngụ xã Phổ An, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) hành nghề trên tàu cá ĐNa 90469 ở khu vực đông bắc đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thì bị tai nạn lao động, đa chấn thương, vỡ nát xương hàm, gãy xương cẳng tay, rách sâu đùi, mất nhiều máu, nguy kịch. SAR 412 chạy hết tốc lực 15 tiếng liền, vượt hơn 300 hải lý, đưa 2 bác sĩ Trung tâm 115 Đà Nẵng cấp cứu giữa biển, kịp giữ được tính mạng nạn nhân.

Cột cờ chủ quyền giữa biển

Nhưng không chỉ phải đối phó với sóng gió, rất nhiều lần trên đường cứu hộ ở Hoàng Sa, SAR 412 còn bị tàu Trung Quốc cản trở, thậm chí đe dọa, uy hiếp. Như ngày 1.6.2015, SAR 412 chạy về bờ, ngang qua đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải quân Trung Quốc số hiệu 841 đe dọa bằng cách đột ngột tăng tốc lao thẳng vào, đến gần sát SAR 412 mới đổi hướng. Trong khi đó, bác sĩ trên tàu SAR 412 đang giành giật từng hy vọng sống cho ngư dân Phạm Thanh Ngọc (47 tuổi) của tàu câu mực QNa 90927 bị suy tim nặng.
NISAVA

Chuyến cứu nạn hôm 11.2.2015 mới thực sự bão táp mà thuyền trưởng Sơn không thể nào quên. Khuya 10.2.2015, tàu cá BĐ 95427 do ông Trần Kim Chung làm chủ đâm vào một bãi ngầm ở ngoài rìa Hoàng Sa (cách đá Chim Én 60 hải lý), bị phá nước và chìm, 5 ngư dân xuống thúng chai trôi dạt và được tàu cá ĐNa 90307 của ông Nguyễn Phú Hùng (ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cứu vớt. Cùng thời gian, tàu cá BĐ 95569 (6 ngư dân) do ông Trần Văn Quốc (ngụ Bình Định) làm chủ kiêm thuyền trưởng, hành nghề ở đá Chim Én (cách Đà Nẵng 220 hải lý) thì bị tàu không rõ số hiệu rượt đuổi. Do phải tắt đèn để chạy tránh nên tàu ông Quốc đâm vào bãi cạn, vỡ mạn, sóng đánh tràn vào khiến ngư dân thay nhau tát nước cầm cự. Sáng 11.2, máy bay, tàu hải giám, tàu hải quân Trung Quốc kéo đến nhưng bãi Chim Én nhiều đá ngầm nên không vào được.

Tàu SAR 412 vượt biển 13 tiếng, đón 5 ngư dân từ tàu ĐNa 90307, rồi vào tận Chim Én cứu 6 ngư dân tàu ông Quốc. Kèm sát SAR 412 là tàu hải cảnh 46101, tàu chiến Trung Quốc đã tháo bạt che súng với lính ngồi trong mâm theo dõi, cùng 1 máy bay quần thảo trên trời. “Tàu Trung Quốc chỉ cách chúng tôi chưa đầy 100 m và phát loa xua đuổi. Tôi đáp bằng tiếng Anh qua máy liên lạc với nội dung chúng tôi là tàu cứu nạn đang cứu ngư dân, yêu cầu không được cản trở, rồi tiếp tục nhiệm vụ”, thuyền trưởng Sơn kể.
NISAVA
Ngư dân Phan Văn Toại, tàu BĐ 95569, nhớ lại lúc đó biết không thể giữ tàu, anh em lấy cờ Tổ quốc cắm lên nóc tàu rồi nhảy xuống thúng, bơi ra xuồng cao su của tàu SAR 412. Đại phó Trần Quang Thanh của tàu SAR 412, người trực tiếp lái xuồng lại gần đá Chim Én đón ngư dân, xúc động: “Chứng kiến cờ Tổ quốc bay phấp phới trên con tàu nằm nghiêng, nửa chìm nửa nổi giữa bãi cạn, lực lượng cứu nạn ai cũng lặng người, cảm phục ý chí kiên cường của ngư dân: bỏ tàu chứ không bỏ chủ quyền Tổ quốc”.

Thuyền trưởng Sơn tiếp lời: “Hình ảnh đó là minh chứng cho quyết tâm bám biển, giữ ngư trường, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của ngư dân. Chúng tôi dặn lòng quyết tâm luôn hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn ở Hoàng Sa để xứng đáng với sự kỳ vọng”.

Con tàu đặc biệt

Không phụ lòng lực lượng cứu nạn, vùng biển Hoàng Sa hằng ngày vẫn cấp tập tàu vào ra. Ghé âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng sáng 18.1, trong đoàn tàu ra Hoàng Sa cho chuyến cuối năm để kịp về ăn tết, có con tàu đặc biệt ĐNa 90657. Cả hai vợ chồng chủ tàu là Trần Văn Vốn và Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đều có mặt ở cảng, chuẩn bị từng cây đá, thùng mì… cho bạn chài xuất phát.

Bà Hoa là chủ tàu ĐNa 90152 bị tàu thép Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm chiều 26.5.2014 ngay trên vùng biển Hoàng Sa của VN. Tàu ĐNa 90152 sau đó được lai dắt về bờ và bà Hoa đã hiến tặng UBND H.Hoàng Sa để trưng bày làm bằng chứng tố cáo hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc. Đồng thời, gia đình tiếp tục vay vốn đóng mới tàu ĐNa 90657 để trở lại Hoàng Sa.
NISAVA
Còn ngư dân là còn biển, còn nghề là còn gắn bó với Hoàng Sa, vì lẽ đó, theo ông Bùi Tân Nguyên, mỗi sứ mệnh cứu nạn ở Hoàng Sa đều được thực thi với tinh thần cao nhất. Bởi sự có mặt của lực lượng cứu nạn giúp bà con yên tâm vươn khơi, khẳng định chủ quyền quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Từng chuyến cứu hộ, anh em không nề hà khó khăn gian khổ, mà chung suy nghĩ hướng về vùng biển cha ông đã bỏ máu xương bảo vệ, sát cánh cùng ngư dân”, ông Nguyên nói.

Theo Nguyễn Tú (Thanh Niên)
NISAVA TRAVEL!

Thông tin về đảo Hoàng Sa có rất nhiều trong NISAVA TRAVEL! bạn hãy dùng công cụ search với từ khóa ‘Hoàng Sa’.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *