(TPO) – Quần đảo có 21 hòn lớn nhỏ, nằm phía đông nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Theo truyền thuyết, tên gọi Nam Du xuất phát từ thời Gia Long – Nguyễn Ánh chạy quân Tây Sơn. Nghìn xưa xa xôi diệu vợi, nay hút khách du lịch cuối tuần ở đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM…

Buổi tối Nam Du, có một đoàn hát từ đất liền ra diễn. Réo rắt hòn đảo bản cải lương của Viễn Châu về mối tình Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm: “Mộng Cầm ơi đừng chờ đơi nữa (…) Run run tôi viết tên nàng, ai mua trăng vàng tôi bán trăng cho”. Chị cán bộ xã Lê Thị Lệ Quyên cho biết: “Khoảng năm nay khách du lịch đông lắm, chỉ ấp Củ Tron gần bến cảng đã có 11 nhà nghỉ và nhà trọ với cả trăm phòng mà đôi lúc vẫn thiếu”.

Bốn biển chung nhà

Anh xe ôm Nguyễn Văn Hậu nhỏ nhắn mà lanh lẹ vừa chạy vừa kể: “Khách ra trăm người cũng có đủ xe ôm phục vụ”. Con đường bê tông rộng 3-5 m, dài hơn 11 km vòng quanh đảo, vừa hoàn thành, thênh thang đưa đón du khách. Cái anh Hậu nom đơn giản mà mới 25 tuổi đã chứa bí ẩn như quần đảo hoang sơ, khi kể: “Tôi cũng không biết tổ tiên là họ Nguyễn hay Hà nữa, bởi chú ruột lại mang họ Hà”.

< Tàu cao tốc cập cảng Nam Du.

Cha của Hậu từ đất liền ra Phú Quốc làm nghề chữa đèn măng-sông rồi bị cuộc sống điện đóm hiện đại xô đẩy sang Nam Du, lại quay về đất liền để chị em Hậu ở đây. Bây giờ, ngày ngày, cha mẹ Hậu trong đất liền lấy rau, thịt, trái cây gửi theo tàu ra cho chị em Hậu chuyển đến mối mang, mỗi ngày hàng chục triệu đồng. Anh rể của Hậu thì vẫn đánh cá. Khi dừng xe trên đỉnh dốc, khách ngắm biển trời, Hậu táy máy điện thoại: “Tôi chơi facebook”.

Đảo có một trạm viễn thông và một trạm tiếp sóng đài truyền hình. Phụ trách trạm tiếp sóng là nguyên bí thư xã đảo, người gốc tỉnh Thái Bình, đi bộ đội chuyển ngành rồi lấy vợ Nam Du. Bà vợ của ông nay kinh doanh nhà trọ, đã đưa thông tin lên mạng cho du khách đặt phòng trước.

Giá thuê trọ một người một ngày đêm 60.000 đồng. Ở đảo còn phát triển cho thuê cả căn nhà. Gia đình bà Nguyễn Thị Hải từ Cần Thơ ra thuê căn nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách và bếp, một ngày 300.000 đồng. NISAVA

Người cho thuê nhà là vợ chồng anh Huỳnh Văn Cường, chị Thái Kim Tiên. Sáng ngồi quán cà phê bờ biển lộng gió, anh Cường kể, quê Châu Đốc (An Giang) 15 tuổi theo người lớn ra đây làm ăn rồi lấy vợ có con. “Làm gì?”, chúng tôi hỏi. Anh Cường: “Bơm quẹt gas, được lắm. Hồi đó đánh cá còn bằng đèn măng-sông, dùng quẹt gas nhiều, bơm quẹt gas cứ hai ngày kiếm được một chỉ vàng”. Hai mươi mốt năm trôi qua, bây giờ anh làm nghề chỉnh âm thanh ca nhạc cho một đội phục vụ tiệc tùng, lễ hội trên quần đảo. Anh kể, năm trước có hai đội nhưng đội kia tay nghề yếu nên đã nghỉ. “Hồi trước, có sức làm gì cũng ra tiền. Bây giờ người bốn biển về đông, phải qua tính toán bằng cái đầu mới sống được”, anh Cường nhấp một ngụm cà phê rồi thơ thới nhìn biển.

Chu du các hòn

Đến Nam Du khó cưỡng lời mời một vòng các hòn. Đi trọn ngày, mỗi người 250.000 đồng. Chúng tôi xuống tàu anh Trần Ngọc Sỹ, người gầy đen có nụ cười cởi mở. Lúc ngồi câu cá gần hòn Hai Bờ Đập, giữa biển trời khoáng đạt, anh Sỹ kể, năm nay 29 tuổi, theo cha mẹ rời quê Rạch Giá ra Nam Du lúc 4 tuổi. Cuộc sống lớn lên trên sóng biển đánh cá thuê rồi lấy vợ sinh 2 con, đứa 6 tuổi đứa 8 tháng. Khi khách du lịch có nhu cầu thăm các hòn, anh dùng xuồng chở dăm ba người. Giữa năm 2013, khách đông, anh vay mượn tiền đóng tàu gỗ hơn 300 triệu đồng. “Ai cũng bảo tôi liều mạng nhưng nay đã có thêm hai người đóng tàu du ngoạn lớn gấp đôi tàu của tôi. Còn tôi, thu gần đủ vốn đóng tàu rồi”, anh Sỹ cười. NISAVA

Quần đảo Nam Du có 21 hòn trước kia là một xã thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang), nay tách thành hai, xã An Sơn gồm hòn Củ Tron lớn nhất và 10 hòn kế cận, các hòn còn lại là xã Nam Du. Cầu cảng bê tông xây ở hòn Củ Tron, tàu của anh Sỹ xuất phát từ đó đi các hòn không phân biệt xã nào, hòn nọ sang hòn kia mất từ vài chục phút đến gần tiếng đồng hồ.

< Anh Trần Ngọc Sỹ, người đầu tiên ở Nam Du đóng tàu chở khách vòng quanh các hòn.

Đi giữa biển khơi, dù trời yên lặng nhưng sóng cũng ì oạp nâng mũi con tàu lên buông xuống làm vài du khách nôn nao. Hòn Mấu có hơn trăm hộ dân với nghề chế biến tôm khô thơm lừng lan tận bè nuôi hải sản giăng giăng; còn hòn Hai Bờ Đập chỉ có hai hộ dân sống hai đầu. Hai Bờ Đập vốn là hai hòn tách biệt, vài chục năm nay được nối liền bởi một bờ đá nổi lên từ biển. Nước biển quanh Hai Bờ Đập trong xanh tận đáy sâu, chỗ rạn đá thì nhiều hải sản, còn bờ cát trắng ngỡ như không đâu nước trong cát trong cho bằng.

Chúng tôi lên hòn thăm thú rồi tắm biển, câu cá, đục hàu, bắt nhum. Anh Sỹ bảo, trước đây quanh hòn có cá mập con, nay không còn. Trọn ngày với thiên nhiên hoang sơ, cảm nhận được khá đầy đủ vẻ đẹp thơ mộng, ấy là vẻ đẹp bền vững của sự cân đối hài hòa giữa những đối lập. Vách đá sừng sững lung linh, sóng biển biếc mềm mại vờn quanh, hàng cây hồn nhiên trong gió, nhà cửa ở chân hòn tựa lưng vào rừng lặng lẽ mà êm đềm đối diện sóng biển ầm ào, và tàu thuyền hoạt bát làm nên sức sống vĩnh hằng một vùng quê.

Con người trên hòn trong lành thơ mộng như thiên nhiên. Anh chủ quán nước võng mắc gốc dừa mát rượi ở hòn Mấu, bán dừa một trái 20.000 đồng. Khách kêu “cho ly nước đá” thì anh cho thật vì “chỉ bán dừa không bán nước đá”. Cô chủ quán ở bãi Ngự hòn Củ Tron, một bãi biển cát trắng tuyệt đẹp tương truyền Nguyễn Ánh đã nghỉ chân, cũng chỉ bán dừa và giải thích việc không bán hải sản là “khách có người chê đắt rẻ nên nghỉ luôn”. Trở về bến cảng, quán cơm bán một phần 40.000 đồng có lẩu hải sản. Chúng tôi mới ăn hải sản trên biển nên không gọi lẩu, bà chủ tươi cười hạ xuống 25.000 đồng, sau thấy chúng tôi ăn ít chỉ tính 13.000 đồng.

Mê nước mắm hòn

Phó chủ tịch UBND xã An Sơn, anh Nguyễn Tất Linh, quê ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao, Kiên Giang), mới 34 tuổi mà ra đảo đã 11 năm. Anh kể, học xong làm việc ở Cần Thơ nhưng nghe lời ông cậu bên ngành công an khuyên trai tráng nên ra hòn thử sức, thế rồi lấy vợ sinh con ở hòn. Chúng tôi vui vẻ: “Xem ra trai cả nước mê gái xứ hòn?”. Anh Linh cười: “Con cá cơm ngon hơn con cá bẹ/Bởi mê nước mắm hòn anh trốn mẹ theo em”.

< Theo tàu câu cá trên biển.

Nước mắm ở quần đảo Nam Du cũng như bên Phú Quốc, làm bằng cá cơm nổi tiếng gần xa. Vui chuyện, anh Linh kể, Phó bí thư xã Hà Hữu Chắc cũng “mê nước mắm hòn”. Chỉ như Bí thư xã Đào Hữu Hiền và Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Quân đã có vợ con trong đất liền thì mới không dám “mê nước mắm hòn”. Còn anh cán bộ địa chính xã Lương Phi Khanh gốc gác ở hòn, đi học trong thành phố Rạch Giá khiến cô Trần Thị Lai trong đó “mê nước mắm hòn” mà rước ra làm vợ.

Chuyện ở quán cà phê bến cảng với anh “mê nước mắm hòn” Huỳnh Văn Cường chỉnh âm thanh ca nhạc, nhắc đến một kỷ niệm khủng khiếp: Cơn bão số 5 đầu tháng 11/1997. “Tan nát hết cả, con tàu chở khách lớn mà bị ném lên chân núi như chiếc lá”, anh Cường rùng mình.

Qua đau thương mất mát cũng hiện rõ hơn vị trí vành đai hải đảo che chắn Tổ quốc phía biển, nên cầu cảng bê tông đã ra đời liền đó. Nay riêng xã An Sơn đã có 420 chiếc tàu thuyền, 84 lồng nuôi hải sản, 168 cửa hàng buôn bán; 20 cơ sở đóng tàu, cơ khí, chế biến hải sản; trong lúc chỉ có 1.169 hộ, 5.013 nhân khẩu. Xã chỉ còn 4 hộ nghèo và cận nghèo, trường học đủ cho trẻ mầm non và phổ thông.

Đi lại với đất liền, trước đây tàu gỗ chạy mất ngày trời, khi có tàu vỏ sắt cũng hơn buổi, bây giờ tàu cao tốc chỉ 2 giờ 30 phút. Du lịch phát triển từ đó. “Còn mới mẻ nên tổng kết năm 2014, chúng tôi chưa thống kê giá trị dịch vụ du lịch. Năm nay đã có kế hoạch phát triển du lịch và sẽ thống kê”, Phó Chủ tịch Linh nói.

Quần đảo Nam Du có 2 xã cùng với 2 xã đảo khác làm nên huyện đảo Kiên Hải rộng khoảng 30 cây số vuông, dân số gần 25.000 người. Huyện Kiên Hải là một phần của Khu Dự trữ Sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới vào năm 2006.

Theo Sáu Nghệ (Báo Tiền Phong)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *