Ban ngày Hội An cũng chỉ như những khu phố thị khác, thì về đêm Hội An bỗng lột xác. “Ngày tháng mười chưa cuời đã tối”, nên đêm Hội An về rất sớm, mới năm giờ chiều đã như là 6 – 7 giờ, phố xá lên đèn, những xanh đỏ của đèn lồng lung linh trong mưa trong gió.
Nếu đi vào ngày rằm 14 hay thứ tư, thứ bảy, khu phố cổ chỉ dành để đi bộ và cả khu phố chỉ thắp đèn lồng. Rất tiếc mình lại đi vào Chủ nhật, thế nên chỉ ngắm được ánh đèn lồng của nhà hàng khách sạn hắt ra.
Dọc phố cổ là hằng hà sa số những cửa hàng bán qua lưu niệm, những đèn lồng bằng vải hay bằng chỉ đủ màu xanh đỏ khoe sắc, những quán bán tranh nghệ thuật, đồ sành sứ giả cổ, các nhà hàng quán ăn kiểu Hoa… “Còn đó một chút tiêu sơ. Còn đó một chút mong manh…” dành cho những lữ khách muốn tìm một chút hương vị xa xưa.

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…”

Dù biết rằng bài Diễm xưa được TCS sáng tác khi đang ở thành cổ Quảng Trị, nhưng lời bài hát cứ ngân lên khi ngắm nhìn những tháp Chàm hoang phế chìm trong cơn mưa.

Từng khối gạch đổ nát vì thời gian, vì không có hơi nguời, vì chiến tranh… nhắc về một đế quốc hưng thịnh rồi cũng sẽ suy tàn, đời người rồi cũng sẽ qua mau.

Lại nhớ đến câu chuyện buồn về công chúa Huyền Trân “Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm. Một gái Huyền Trân của mấy mươi ?”. Phải chăng đây cũng là bi kịch của một tình yêu ? Bên là nàng công chúa tài sắc, bên là đấng quân vương văn võ song toàn. Quân vương si tình, năm năm liền dâng sính lễ, lại dám đổi cả hai châu Ô Lý để mong làm rể nước Nam, công chúa lại quá chung tình, không lý gì đến miệng đời, chồng mới mất đã lang thang trên biển cùng người tình xưa cả năm trời. Một sự kết hợp bi kịch, để muôn đời nghe tiếng mỉa mai “Tiếc thay cây quế giữa rừng. Để cho thằng Mọi thằng Mường nó leo.” Ai cũng hiểu nổi lòng của người tình chung, mấy ai hiểu khối tình của một kẻ si ?

“Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

Mỹ Sơn cách Hội An khoảng 45km, 1 giờ ngồi xe. Từ Hội An ra lại quốc lộ 1A, đi đến Duy Xuyên thì rẽ vào Trà Kiệu – thủ đô xưa của người Chăm, nơi đây bây giờ không còn dấu tích gì là một nơi đã từng là kinh đô phồn thịnh. Xuyên qua Trà Kiệu sẽ đến một vùng thung lũng kín gió, bao bọc xung quanh chỉ toàn núi non mà cao nhất là núi chúa được coi là nơi ở của chư thần.

Thung lũng này (gọi chung là Mỹ Sơn), với dòng suối thần từ núi chúa chảy ngang qua, là nơi xây dựng các đền tháp để thờ cúng các vị thần. Mỗi vị vua lên ngôi đều đến đây ra mắt chư thần, xây dựng đền tháp và tiến dâng lễ vật. Nơi đây cũng là nơi duy nhất có phế tích một ngôi tháp bằng đá (tất cả các đền tháp khác đều được xây bằng gạch).

Người Chăm theo Ấn Độ giáo nên thờ 3 vị thần Brahma, Vishnu và Shiva – thần Sáng tạo, thần Duy trì và thần Hủy diệt. Không biết vì sao người Chăm lại đặc biệt quan tâm đến thần Hủy diệt – Shiva, tượng thần với hóa thân là hình người nhảy múa và biểu tượng của thần, hai vật Linga – Yonni (tượng trưng cho nam – nữ, dương – âm) được thờ cúng ở những nơi trang trọng nhất. Chính điệu luân vũ của ngài làm cho cả thế gian này sinh ra, hiện hữu và mất đi, điệu luân vũ của ngài cũng thể hiện “dịch” của Khổng giáo, hay “dòng huyễn hóa” của Phật giáo…

Ngày thứ 4, ngày cuối:

“Cơn bão đi qua
Còn trơ thân tôi
Không cành
Không lá…
Xin làm thân cây
Xiêu xiêu ngã
Làm chậm bước em xa…”

Đến ngày thứ tư ở Đà Nẵng thì bão số 8 đi qua thành phố. Buổi sáng thức giấc, dù đã 8h sáng mà trời vẫn tối mịt. Thời tiết ngày càng xấu thêm kèm với các tiện nghi cũng mất. Đầu tiên là hệ thống liên lạc bị cắt, không thể sử dụng được điện thoại, sau đó là điện cũng cúp theo, rồi có thông báo là các phương tiện ra vào thành phố cũng ngưng trệ: máy bay, đường bộ đều hủy chuyến.

Các trường học đóng cửa, hàng quán cũng thế. Còn may, đối diện khách sạn là quán cà phê New Life vẫn mở cửa, đón những du khách đang kẹt lại Đà Nẵng. Những người đồng cảnh ngộ ngồi thiền trong quán cà phê ngắm mưa bão.

Cảm nhận đầu tiên về cơn bão lớn nhất trong mười năm qua là gió. Gió liên hồi và rất mạnh, gió len qua các khe cửa nhỏ rít lên từng hồi u… u… Gió giật tung các tấm bảng quảng cáo bằng tôn và quật chúng vào tường ầm ầm. Gió giật các cành khô và cuốn chúng bay khắp mặt đất. Kế tiếp là mưa, mưa rất to và liên tục. Mỗi đợt gió qua thổi giạt mưa thành những bức màn trắng xóa chạy dọc con đường. Cây cối oằn mình trong mưa gió, cành lá cũng không chịu nỗi sức tàn phá rơi tan tác xanh những con đường.

< Bình yên và nắng đẹp trở lại trên thành phố.
Đến khoảng 10h trưa thì cơn bão lên đến đỉnh điểm và cây cối bắt đầu ngã. Quán cà phê nằm ngay mũi tàu của ngã năm Hoàng Diệu – Phan Chu Trinh và xung quanh đều toàn kính nên có thể quan sát các con đường khá rõ. Những cây to gặp gió liên tục thổi về một hướng, rễ cây không đủ sức giữ lấy thân mình nên bứt ra khỏi đất, từ từ ngã theo phương gió thổi, từ từ căng những giây điện giăng mắc xung quanh, rồi từ từ gác mình lên một bức tường xây nào đó, phá hỏng mái và một mảng tường trước khi dừng hẳn. Khoảng 130 cây lớn nhỏ bật gốc khắp các đường phố, con đường nào cũng có cây gãy đổ.

Đến tối hôm đấy, cơn bão vẫn tiếp tục hoành hành ở Đà Nẵng. Mưa gió không ngớt… những tưởng bão sẽ đổ bộ vào thành phố ngay trong đêm. Vậy mà sáng hôm sau thức dậy, trời Đà Nẵng lại trong xanh, một ngày nắng thật đẹp như chưa từng có điều gì xảy ra. Chỉ có con người là phải nai lưng ra khắc phục những gì cơn bão để lại…

Crazywolfdl – Thanglongdl forum

PHẦN 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *