“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chứa nhấm đã say…”

Buổi sáng thức dậy từ 7h00, chẳng là chuyến bay đi Đà Nẵng sẽ cất cánh vào lúc 8h40, đến khi lên đến sân bay mới hay chuyến bay bị hoãn đến tận 10h50. Thế là mất toi buổi sáng thứ bảy, cũng may Pacific Airline còn nhân đạo cấp cho mỗi người một phiếu ăn sáng tại nhà hàng của sân bay Tân Sơn Nhất, vừa ăn sáng- uống cà phê chờ tới giờ bay (nói thiệt là có phiếu ăn – nếu không chắc cả đời không vào cái nhà hàng này, vừa mắc lại vừa dở).

12h10, máy bay đáp phi trường Đà Nẵng, thế là mình ngang nhiên kêu taxi, “Cho về khách sạn Phương Đông !” ra dáng rất sành điệu – như là ta đây biết rành Đà Nẵng lắm vậy (mới nghe lóm mấy sếp bảo khách sạn đấy ở cũng được) – taxi chở ngay đến một khách sạn 3 sao hoành tráng ngay trung tâm thành phố, lỡ đâm lao thì phải theo lao, mình chọn phòng rẻ nhất, vậy mà hậu quả còn kéo dài đến mấy hôm sau.

Gọi điện thoại cho đứa bạn ở Đà Nẵng, vừa thông máy hắn đã bảo “Mi lộn số rồi !”, lại hỏi “Mày rảnh không ?”, hắn lại bảo “Chắc chắn mi lộn số rồi !”, nghe phiền lòng dễ sợ :closedeyes: . Của đáng tội, cả mấy năm không gặp, không liên lạc… nghe mình gọi điện thoại mà cứ ngỡ mình nhờ vả gì  Thôi mặc xác hắn nghĩ gì, ra đây mà không có đứa nào đi chơi thì thôi ở nhà ngủ quách cho khỏe. Có được cuộc hẹn tối đi tìm hiểu “rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” như thế nào, mình ung dung mua bản đồ và thuê xe đi chơi.

Không biết mấy ông nhạc sĩ bảo “chưa mưa đã thấm” nghĩa là gì, nhưng mưa Đà Nẵng rất ngộ nghĩnh. Cơn mưa không nhỏ mà dai dẳng như Dalat, không chợt mưa chợt nắng như Saigon, không mưa trắng xóa đất trời như Huế, không mưa phùn gió bấc như Hà Nội; cơn mưa dai nhưng lại khi to khi nhỏ, mưa như trêu du khách, vừa quyết định bỏ áo mưa thì mưa to hạt như sắp trút một cây nước. Vội vã mặc áo mưa vào thì mưa lại bay bay như là mưa bụi. Sau một hồi vật lộn với áo mưa, bỏ mặc cơn mưa với cái áo mưa quái quỉ, mình kiếm ngay một nơi nổi tiếng để cái bụng thôi reo vui vậy.

Những người dọc đường rất nhiệt tình chỉ cho một loạt là “bà”, họ còn dặn, những quán đặc sản ở đây mà không có tên một bà nào đó thì không phải là đặc sản: hải sản thì có “bà Thôi”, mì Quảng “bà Ngân”, bánh mì “bà Lan”, chả bò “bà Hường”, tré “bà Lộc”, bánh ướt cuốn thịt heo “bà Mậu”, bánh xèo “bà Tường”(?)… làm mình cũng thắc mắc, không biết “bà bầu” thì có đặc sản gì  Chọn ngay “bà” đầu danh sách, mình quyết định ghé vào. Quán nằm mặt tiền, khá dễ kiếm, chuyên bán hải sản tươi sống, đặc biệt có một món mà mình mới nghe tên phải phì cười “cháo cá cu”. Cá cu sống ở biển, khá lớn (1-2kg một con), thịt cá mềm (không dai), ngọt nước, thơm và lại mang hơi huớm cá hồ. Trời mưa mà thưởng thức một tô cháo nghi ngút khói ăn với loại ớt xanh đặc biệt Quảng Nam: thơm, ít cay, dòn, quả thật là “thấm” cái “mưa Quảng Nam”.

< Từ bãi biển Mỹ Khê nhìn về phương Bắc là núi Sơn Trà – tương truyền có ngọc, “đêm đến thường chiếu sáng xuống biển”.
Thưởng thức xong các món hải sản (trong bụng thầm tâm niệm ăn gì bổ đó), mình lại tiếp tục lang thang khắp phố phường. Đường Đà Nẵng rộng, vắng và sạch. Thành phố rất ít những người bán vé số, ăn xin, đánh gìay (về điều này thì Saigon hay Dalat chắc còn lâu lắm mới làm được). Đường phố rất dễ đi, chỉ việc xác định hướng chính Đông, khi nào lạc cứ theo hướng này sẽ gặp đường Bạch Đằng chạy dọc bờ sông Hàn thì không thể lạc được.

< Cũng từ bãi biển Mỹ Khê nhìn về phương Nam là Ngũ Hành Sơn (trong hình là Thủy Sơn).

Mình phải ghen tị với cảnh quan Đà Nẵng, vị trí thật đẹp, phía Bắc thành phố là vịnh Đà Nẵng, sóng lặn biển êm, từ đây có thể ngắm cảnh mặt trời lặn về phía dãy núi mây phủ xa xa. Phía Đông là bờ biển kéo dài qua nhiều bãi tắm nỗi tiếng: bãi Bụt, Mỹ Khê, Non Nuớc…, bờ biển sạch, nước trong, cát vàng thoai thoải không qúa dốc. Xuôi về phương Nam là cụm Ngũ Hành Sơn – một biểu tượng của Đà Nẵng với 5 trái núi giữa đồng bằng bố trí theo phương vị ngũ hành. Chạy theo chiều từ Bắc Nam là con sông Hàn hiền hòa chia đôi Đà Nẵng thành 2 phần, thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Đà Nẵng hội đủ cả núi non, biển cả, sông rạch, đồng bằng… thật lý tưởng (nhưng dù sao lại không có hồ như Dalat.

< Đà Nẳng về đêm, nhìn từ núi Bà Nà.

Buổi tối, cùng đứa bạn nhâm nhi rượu Hồng Đào, một loại rượu gạo nước trong thoang thỏang hương lúa, hương trái cây… rượu nặng, đầm, dễ uống, có màu đỏ nhẹ. Nhâm nhi với món lưỡi heo cháy tỏi, quấn lá cải xanh chấm muối ớt xanh đâm nhuyễn, vị rượu, ớt, tỏi, lá cải nồng nồng quyện vào nhau thật ấm. Bây giờ chỉ còn tiếc chưa được nếm thứ rượu chuồn (mà cũng không biết là thực – không) cho trọn câu ca:

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Rượu chuồn
Này
Chén trăng bơi
Uống cùng Huế với
Cuộc chơi sang ngày”

Sau khi mềm môi với rượu, lại lang thang đi ngắm cầu quay, tên bình dân của cầu sông Hàn, bắc ngang dòng sông cùng tên nối hai bờ Đà Nẵng – Sơn Trà.

Cả cây cầu đặt trên một bệ xoay và treo bằng hệ thống dây văng (tương tự như cầu Mỹ Thuận). Hàng đêm, vào lúc 01h30, cầu sẽ xoay từ từ đến khi dọc theo dòng xong, tránh đường cho những ghe tàu lớn đi qua. Đến 4h00 sáng, cầu quay lại vị trí bình thường cho phép xe cộ qua lại. Ngắm cả cây cầu từ từ xoay mới thấy được sức mạnh của con người.

“Phố xưa vuốt mặt về giữa mưa chiều
Có em gái nhỏ tựa đóa hoa sen…
Nhớ nhung bỗng về làm chút mây hồng
Vẽ lên phố thị thời tuổi thơ tôi…”

Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là nhìn trời, bão số 8 ngày càng gần thành phố, trời xám xịt đầy mây nhưng mưa không to. Vội vã đi Hội an, mong rằng còn chuyến tàu nào ra Cù lao Chàm.

Hội An cách Đà Nẵng khoảng 30km nhưng cũng phải mất cả 50 ngàn tiền xe khách, nếu đi 2 người thì nên đi bằng xe taxi, hợp đồng đi một chuyến chỉ tốn tám đô nhưng muốn đi khi nào thì đi. Cũng vì đi xe khách, chỉ 30km mà mất đến hai giờ, một giờ ngồi chờ xe đến trễ, lại mất thêm nửa tiếng để xe dừng cho mấy khách nước ngoài ngắm cảnh Ngũ Hành Sơn “.

“Một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa…”, phố phường vắng lặng, chỉ còn lưa thưa khách du lịch lang thang trên phố. Đặc biệt là toàn khách nước ngoài, nhiều đến nỗi các anh xích lô cũng chỉ có toàn tờ 1 đô để trả tiền thối.

Hội An rất nhỏ, chỉ cần đi bộ khoảng hai giờ là đã hết mọi con đường. Những địa điểm cần tham quan lại tập trung trên một vài con đường trung tâm. Nhiều nhất là đường Trần Phú – chính là phố cổ nổi tiếng, nơi những người Trung Hoa sinh sống. Ở đây có thể thấy rất nhiều nhà có kiến trúc của người Hoa, các hội quán Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Triệu… nơi gặp gỡ, họp mặt của những người Hoa đồng hương xa xứ.

Hội An có sáu món ăn đặc sản, trong đó có bốn món nổi tiếng lại chỉ duy nhất của một quán có lịch sử cả trăm năm, quán Vạn Lộc. Đầu tiên là món bánh vạc, còn có tên tiếng Anh là White rose, bánh làm từ bột gạo trong vắt, ở giữa điểm một miếng nhân thịt nho nhỏ, tròn tròn trông như một bông hoa hồng trắng (nhiều người bảo rằng bánh vạc có hình bán nguyệt – hình như không phải kiểu của Hội An), chấm bằng nước mắm ngọt với hành phi. Món này sẽ ngon hơn khi dùng kèm với chả vì bảng thân bánh chỉ là một miếng bột – mà nhân thịt lại rất khiêm tốn.

Hoành thánh của quán làm rất vừa miệng, đây là món đặc trưng của người Hoa, nhưng không như ở các địa phương khác. Hoành thánh ở đây được gấp thành miếng tam giác chứ không túm lại, chiên giòn xếp lên dĩa và tưới nước sốt cà chua – cật. Miếng bánh giòn, ngấm một nữa nước sốt vừa giòn lại vừa dai.

Một món không thể thiếu nếu đến Hội An: cao lầu. Quả thật dù đã ăn ở nhiều nơi tại Saigon, mỗi quán đều trưng bảng chính gốc Hội An. Nhưng không đâu ngon bằng ở đây, cũng như là đã nói thịt chó thì phải là Nhật Tân, rắn phải là Lệ Mật vậy…

Thịt heo được ướp một vị thuốc bắc nào đó không thể lẫn được, sợi mì màu vàng hoe (không giống như sợi mì quảng), ăn với đủ 12 vị rau: thơm, quế, răm, đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải con, bắp chuối, dưa leo, khế chua. Nuớc chan cũng có vị đặc biệt và phải ăn thật khô mới ngon.

Một món khác cũng tạo nên hương vị riêng của Hội An – cơm gà. Dù cho cả thế giới đang họp bàn vì đại dịch cúm H5N1, cũng không ngăn mọi người thưởng thức một dĩa cơm gà hấp dẫn như thế này đâu.
Ngược với những món có phần cầu kỳ trên, Hội An còn có một món dân dã. Đi về phía tây phố cổ rồi băng qua cầu Cầm Nam để vào huyện đảo cùng tên. Vừa băng qua khỏi cầu là gặp ngay một loạt quán bán món bánh đập. Bánh là sự kết hợp giữa một bánh tráng nuớng giòn và một miếng bánh uớt mềm – mát chồng lên nhau, khi ăn đập cho bánh tráng vỡ ra, xé từng miếng một chấm với mắn nêm tỏi ớt. Món ăn mộc mạc như những người xứ Quảng và mang hương vị cứu đói hơn là thưởng thức.

Tiếp phần 2

Crazywolfdl – Thanglongdl forum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *