(VNE) – Lo cho sức khỏe của người vợ ham mê du lịch, ông Đinh Xuân Toàn (Đội Cấn, Hà Nội) hộ tống bà mỗi chuyến đi. Nhiều năm qua, ông bà đã đạp xe vòng quanh đất nước.

< Vợ chồng bà Xuân ông Toàn trong chuyến đạp xe xuyên Việt năm 2010. Họ dừng chân nghỉ ngơi ở đèo Lò Xo dài 20 km thuộc địa phận huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.

Ngôi nhà bốn tầng rợp rau xanh trên phố Đội Cấn là nơi ở của vợ chồng ông Đinh Xuân Toàn (72 tuổi) và bà Lê Thị Xuân (66 tuổi). Ông bà thích trồng rau xanh nên mọi nơi trong nhà đều được tận dụng. Những luống rau mùa đông như bắp cải, su hào, cà chua xanh mơn mởn.

< Ngoài tập thể dục, thể thao, tham gia các câu lạc bộ, ông Toàn bà Xuân còn có thú vui trồng rau xanh trên ban công, sân thượng.

Một ngày của đôi vợ chồng nghỉ hưu thường bắt đầu từ 5h sáng. Ông bà dậy sớm, đạp xe vòng quanh hồ Tây, hít không khí trong lành. Về nhà hơn 6h, họ ra vườn rau ngắm thỏa thích rồi mới trở vào dọn dẹp, ăn sáng. Từ khoảng 9h là thời gian cho hai vợ chồng cùng luyện khí công. Buổi chiều, họ dành thời gian nghỉ ngơi, đi thăm bạn bè, con cái. Sau bữa cơm tối, ông bà cùng nhau đi dạo khoảng một tiếng trước khi trở về xem tivi, đi ngủ.

< Trong quan niệm của các cụ cao tuổi CLB đạp xe, đi vòng quanh đất nước phải xuất phát từ km số 0 quốc lộ 1A, tại cửa khẩu Hữu nghị quan ở Bảo Lâm (Cao Lộc, Lạng Sơn) đến điểm cuối cùng ở km 2301 + 340 m tại thị trấn Năm Căn, Cà Mau. Vì thế lần nào đi vòng quanh đất nước, đoàn xe cũng xuất phát từ Hà Nội lên Lạng Sơn, sau đó mới đi từ km số 0 vào miền Nam.

Trước đây, bà Xuân làm kế toán, ông Toàn là bộ đội. Sau khi nghỉ hưu năm 1992, bà Xuân mở một lớp trông trẻ, đồng thời tham gia các hoạt động ở địa phương. Nhiều năm liền, bà giữ các cương vị như tổ trưởng tổ dân phố, bí thư, tham gia vào hội phụ nữ, vận động cai nghiện ma túy, phòng chống lao…

< Vợ chồng bà Xuân, ông Toàn tại khu di tích Bắc Sơn. Đây là chuyến đi vòng quanh đất nước thứ hai của bà Xuân sau chuyến năm 2005 và là hành trình đầu tiên của ông Toàn.

Bà Xuân năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt các công tác tập thể cũng như việc gia đình. Năm 2004, tình cờ biết đến câu lạc bộ người cao tuổi đạp xe xuyên Việt, bà xin gia nhập. Sinh hoạt đến năm 2005, bà tham gia các chuyến đi vòng quanh đất nước đầu tiên.

< Trước mỗi chuyến đi, đoàn xe đều gửi giấy thông báo đến các cấp chính quyền các tỉnh, xin được tạo điều kiện cho chỗ nghỉ. Mỗi ngày các cụ đạp xe khoảng 70-100 km.

Chuyến đi đầu có nhiều bỡ ngỡ, ban đầu bà Xuân không biết vì sao mình còn trẻ, khỏe nhất đoàn mà luôn bị thụt lùi phía sau. Nhiều ngày để ý bà phát hiện ra vấn đề nằm ở chiếc xe đạp. Nếu xe bà đạp hai vòng thì xe các thành viên khác chỉ cần một vòng, đỡ mất sức, lại đi nhanh hơn.

< Bà Xuân chia sẻ CLB người cao tuổi đạp xe xuyên Việt do cụ Ngô Vi Thọ lên ý tưởng thành lập năm 1997. Đến nay, đoàn xe đã đi được 514 chuyến, tính ra mỗi thành viên đã đi 35,5 vòng trái đất. Mục đích đi của các cụ cao tuổi là thăm cội nguồn, các lão thành cách mạng, chiến trường xưa, viếng danh nhân và anh hùng liệt sĩ, tặng quà cho gia đình liệt sĩ, hoàn cảnh khó khăn…

“Ngay lập tức tôi gọi về cho chồng nhờ tìm mua loại xe Nhật bãi, vành to. Đến khi đoàn từ Lạng Sơn về Sơn Tây (Hà Nội) để vào miền Nam thì ông nhà tôi gửi xe lên. Từ khi có cái xe vành to, tôi cứ đi băng băng, nhàn lắm”, bà Xuân chia sẻ.

< Đi đến đâu các cụ cao tuổi cũng được chào đón. Họ được chính quyền các nơi tạo điều kiện bố trí nơi nghỉ ngơi, ăn uống, giao lưu văn nghệ…

Cách đây gần chục năm, dọc đường từ Bắc vào Nam nhiều nơi còn rất nghèo. Đi qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, mọi người không cầm được nước mắt khi gặp những cháu bé có áo không quần, có quần không áo, nhem nhuốc và đói khổ. Họ đem cho quần áo, chăn màn, thuốc thang, mì tôm… đồng thời lưu lại một số địa điểm quá khó khăn, sau chuyến đi sẽ gom góp ủng hộ.

< Ông bà nghỉ ngơi sau hành trình leo đèo Hải Vân dài trên 20 km, đỉnh cao nhất gần 500 m.

Bà Xuân kể, đến nay bà đã đi cùng đoàn khoảng 100 chuyến, có cả những chuyến xuyên Đông Dương nhưng khó quên nhất là lần đi lạc năm 2005. Một buổi sáng, đoàn xe xuất phát từ Cai Lậy (Tiền Giang) đến địa điểm tiếp theo. Bà Xuân lấy hộ găng tay cho một thành viên trong đoàn, lúc quay ra thì không thấy đồng đội đâu nữa. Bà đạp xe qua 7-8 cây cầu vẫn không gặp đoàn của mình.

< Vợ chồng ông Toàn, bà Xuân cùng bạn đồng hành tại nghĩa trang Trường Sơn.

“Thời đó không có điện thoại để liên lạc. Tôi đành quay về nơi nghỉ ban đầu, hỏi ra mới biết các cụ đi hướng ngược lại. Giữa trưa nắng tôi vừa đạp vừa sợ. Khi tìm đến địa chỉ mới thì mọi người nghỉ trưa rồi. Bác trưởng đoàn đang ngồi uống nước, lúc đó nước mắt tôi cứ chảy ròng như đứa trẻ”, bà Xuân cười kể.

< Đôi vợ chồng già rất ấn tượng khi đến thăm Tây Nguyên, khám phá văn hóa các dân tộc nơi đây.

Ngồi cạnh vợ, ông Toàn cười trêu chọc: “Tối hôm đó, bà nhà tôi gọi về khóc như mưa, làm tôi cũng thấy lo. Chuyến đó bà ấy xa nhà hơn 3 tháng cơ mà”. Năm 2009, ông Toàn nghỉ hưu cũng tham gia vào đoàn đạp xe để “hộ tống vợ”. Từ đó đến nay, ông tham gia tất cả các lần đạp xe của hội, trong đó có các chuyến như đạp xe vòng quanh đất nước kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2010), dâng hương viếng Bác (19/5 hàng năm), đạp xe kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2014)…

< Nghỉ ngơi khi đi qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum).

“Trong chuyến đi vòng quanh đất nước năm 2010, tôi nhớ nhất lần đi từ A Lưới đến Đông Giang (Thừa Thiên Huế) suốt 90 km không có nhà dân trừ hai trạm kiểm lâm mà nắng tháng 5 khủng khiếp. Đoàn xe bảo nhau ai khỏe thì đi trước, gặp nhau ở điểm dừng chân. Một số cụ phải tạt vào các lán làm đường xin nước nghỉ nhờ. Tôi và bà nhà leo được hai đèo đành phải trải nilon nằm giữa trời nắng nghỉ”, ông kể.

< Bà Xuân cho biết trong lịch trình vòng quanh đất nước năm 2010 không ghé qua Đà Lạt nhưng vì hai vợ chồng chưa lần nào được đến nên họ đã xin phép trưởng đoàn cho đi. Họ được phép tách đoàn 2 ngày, 3 đêm đi Đà Lạt, trước khi hội ngộ ở địa điểm tiếp theo.

Đúng theo tinh thần hỗ trợ, cụ ông 72 tuổi này luôn đi sau xe vợ, đẩy xe giúp bà lúc lên dốc. Sau mỗi ngày đi, ông lại bóp chân, bóp tay cho bà. Thành viên đoàn xe ai cũng ấn tượng tình cảm ông bà dành cho nhau.

< Chiếc xe đạp nhỏ gọn đồng hành các chuyến đi của đôi vợ chồng già, hiếm khi xảy ra trục trặc giữa đường.

Theo ông Ngô Vi Thọ, trưởng câu lạc bộ, ông Toàn – bà Xuân là cặp vợ chồng duy nhất tham gia đạp xe cùng CLB từ năm thành lập 1997 đến nay. “Từ khi nghỉ hưu, chuyến nào ông Toàn cũng song hành với vợ nhiệt tình. Song ông ấy không đăng ký làm thành viên chính thức mà chỉ muốn đi để hộ tống vợ”, ông Thọ cho biết.

< Chụp ảnh lưu niệm tại điểm mốc cuối cùng của đất nước ở mũi Cà Mau. Đôi vợ chồng già cùng các cụ cao tuổi khác còn nhảy xuống nước, chạm tay vào bờ để cảm nhận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước.

Ông Toàn, bà Xuân quen nhau năm 1966, khi ông là bộ đội đóng quân tại Văn Lâm (Hưng Yên), còn bà đang là sinh viên trường Tài chính kế toán đặt ở đây. Thời trẻ bà Xuân đã rất năng động, ngoài học hành còn hoạt động đoàn thể sôi nổi. Chàng trai gốc Nghệ An để ý bà Xuân một thời gian rồi mới bắt chuyện làm quen. Tình yêu của họ bắt đầu trong trẻo và yên bình. Năm 1970, bà Xuân ra trường về quê Thái Bình công tác, họ mới tính chuyện kết hôn.

“Ngày đó, đám cưới đơn giản lắm, chỉ có một chút bánh kẹo mời bà con. Vợ chồng trẻ không có hoa, có nhẫn. Dù nghèo tôi vẫn quyết rủ vợ đi chụp một bức ảnh kỷ niệm, mỗi người giữ một tấm. Sau 45 năm, giờ cũng chỉ còn tôi giữ được ảnh ngày cưới”, anh Toàn nói.

Ông bà có 3 người con đã lập gia đình và sống riêng. Những ngày cuối tuần, lễ, Tết, nghỉ hè, các con, các cháu mới quy tụ về chơi với ông bà.

Theo Phan Dương (NISAVA)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *