(BBĐ) – Trong hành trình dọc sông Côn, chúng tôi đã gặp biết bao người dân kiếm sống dựa vào dòng sông. Họ là người đánh lưới bình thường, cũng có thể là người làm những nghề đặc biệt. Đó là một tay bắt rắn chuyên nghiệp. Một người chuyên làm sõng. Và, lại có những xóm làng người dân chuyên làm một nghề nhất định, như xóm lặn hàu, xóm lưới gõ…

< Trước căn chòi lụp xụp, ông Đỗ Điểu sửa lại mành lưới sau chuyến bắt cá sông Côn.

Kỳ 13: Mưu sinh bên dòng sông

1. Trong chuyến công tác lên xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), dọc đường đi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy bên sườn núi cheo leo có những căn chòi lụp xụp. Dừng xe hỏi thăm, mới biết đó là nơi ở của những người dân từ dưới xuôi lên đây làm nghề đánh lưới.

Trong một căn chòi thấp, rộng chưa đầy 15m2  dựng bằng tre và bạt nhựa, có ba người đàn ông trú ngụ: ông Nguyễn Thạnh (67 tuổi) ở thị trấn Vĩnh Thạnh; hai ông Trần Quang Diệu (40 tuổi) và Đỗ Điểu (61 tuổi), đều ở xã Vĩnh Hảo. Ngày ngày, họ thả bò bên sườn đồi, rồi mang lưới ra thả ven bờ sông Côn. Ông Diệu nói: “Ở dưới xuôi không có ruộng để làm, đành lên đây cất chòi ở tạm kiếm sống”. Nhìn căn chòi của họ, chúng tôi cứ tự hỏi, không biết những con người này sẽ chống chọi như thế nào khi mưa lụt bất ngờ ập tới.

Cách đó không xa là căn nhà tôn của ông Lê Văn Hùng. Ông Hùng sống ở đây đã gần ba mươi năm, không điện, không nước, không phương tiện liên lạc. Cứ mỗi lần nước sông Côn dâng lên, những người bạn của ông Hùng lại tập trung lên đây để bắt cá. Đó là Bảy Sanh ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), Sáu Lẹ cùng người con trai Nguyễn Hữu Chiến ở chợ Định Bình (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), là chàng trai tên Phú ở tận Phước Thuận (Tuy Phước)… Những người này sống chủ yếu nhờ những mành lưới thả trên dòng sông…

2. Trong những nghề mưu sinh trên sông Côn, có lẽ không có nghề nào đặc biệt bằng nghề bắt rắn – cái nghề mà mỗi khi nhắc đến đã thấy rờn rợn. Sinh nghề tử nghiệp, đã không ít người vì mưu sinh mà đánh đổi cả mạng sống.
Đến thôn Lương Quang, xã Phước Quang, ai cũng biết danh Năm Phúc. Ông là tay bắt rắn kỳ cựu. Năm Phúc bảo, đồ nghề của dân bắt rắn rất đơn giản. Một cây sào tre dài chừng 4m, đầu buộc cọng sắt uốn cong. Một cái bao để đựng rắn bằng lưới mùng. Đêm nào cũng vậy, cứ khoảng 19 giờ là ông Phúc cất sõng ra đi, đến sau nửa đêm mới về.

< Một cậu bé ở thôn Lương Quang với những con rắn bắt được trong mùa lũ.

Bơi sõng dọc bờ sông, ven cánh đồng ngập nước, người bắt rắn dán mắt lên những cành cây, bụi cỏ. Phát hiện ra rắn, người bắt phải cực kỳ nhẹ nhàng đưa sào tiếp cận. Khi mũi sào đã đặt vừa với thân rắn, người bắt giật mạnh sào. Rắn bị kẹp giữa đoạn sắt uốn cong, quấn chặt vào sào. Người bắt thu sào lại, khéo léo dùng tay bắt rắn bỏ vào bao.
Nói thì đơn giản vậy, song chỉ có người trong nghề mới biết, bắt rắn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Thông thường, các loại rắn như rắn nước, rắn lãi… ít nguy hiểm. Nhưng đối với rắn lục, hổ mang, mái gầm… nọc của chúng rất độc.

Đặc biệt là mái gầm, chỉ cần bị chúng đớp một phát là toi mạng trong tích tắc. Thế nhưng, rắn càng độc thì giá lại càng cao, do đó nhiều người không sợ nguy hiểm. Người có kinh nghiệm thường phải dùng cây đè cổ rồi mới dám bắt.
Giá của các loại rắn thường khá chênh lệch. Rắn nước 10.000 đồng/kg, rắn lãi 90.000 đồng/kg. Các loại rắn có nọc độc, một ký giá thường lên tới mấy trăm ngàn. Mỗi buổi sáng, có vài người mua rắn từ thị trấn Bình Định xuống tận nơi thu mua rắn. Những người này có dùng hoá chất đặc biệt bôi trên tay, nên khi họ bắt rắn không bao giờ bị cắn. Rắn được tập trung về chợ Gò Bồi, từ đây toả ra khắp nơi. Một số không nhỏ theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Ở xã Phước Hoà, có thôn Hữu Thành chuyên làm nghề bắt rắn. Hơn một phần ba số dân thôn này làm nghề bắt rắn. Đặc trưng của thôn này là họ chỉ đi bắt rắn bằng sõng vào mùa mưa lũ, mùa khô họ đi đánh lưới ven sông. Dân bắt rắn Hữu Thành nổi tiếng với ngón nghề bắt rắn lục bằng tay. Khi phát hiện rắn lục, không cần sào, họ chỉ cần quan sát kỹ, nhanh chóng dùng tay chụp bắt một cách nhanh chóng và chính xác. Ngón nghề này tuy được thực hiện thành thục, thế nhưng cũng rất nguy hiểm.

Năm Phúc bảo, ông biết rõ pháp luật Nhà nước cấm săn bắt động vật hoang dã. Sống bên ruộng đồng, ông biết rắn ăn chuột, có lợi cho mùa màng. Bởi thế, cách đây bốn năm, ông đã từng bỏ nghề. Thế nhưng, sau một tai nạn lao động nghiêm trọng, sức khoẻ yếu dần, vì miếng cơm manh áo, ông đành quay lại nghề cũ. Năm miệng ăn của nhà ông trông chờ vào những chuyến đi nửa đêm của ông.

3. Từ lâu đời, thuyền, sõng đã trở thành phương tiện di chuyển cần thiết trên sông nước. Đã có một thời, vùng cửa vạn Gò Bồi (Phước Hoà, Tuy Phước), tàu thuyền khắp nơi neo đậu trao đổi mua bán tấp nập, hình thành vùng phát triển sầm uất. Nơi đây, cũng đã hình thành nghề đóng thuyền. Theo lời kể của những cụ già, chúng tôi đến thôn Tân Giản, xã Phước Hoà để tìm ông Phan Văn Tân, người cuối cùng biết đóng thuyền nan. Thế nhưng, người dân đầu thôn nói ông đã mất cách đây một năm. Vậy là, nghề làm thuyền nan truyền thống đã không còn nữa…

< Chiếc sõng là một phần quan trọng của đời sống người dân Tân Giản.

Ở thôn Tân Giản, nghề làm sõng cũng nổi tiếng không kém nghề làm thuyền nan. Nằm trên một vùng đất thấp, cạnh dòng chảy xiết của con sông Côn, nhà nào ít thì có một chiếc sõng, nhiều thì hai, ba chiếc. Đó là phương tiện đi lại và kiếm sống chủ yếu của người dân nơi đây.

Ông Lý Khánh Bàn là người có tay nghề giỏi nhất ở Tân Giản. Lúc chúng tôi đến nhà, ông đã đi vắng. Anh Lý Khắc Hoàng, con trai ông Bàn nói ông đã đi mua nhôm từ hơn nửa tháng qua. Năm nay 36 tuổi, nhưng anh Hoàng đã là tay làm sõng có tiếng với kinh nghiệm hơn mười năm trong nghề.

Trước đây, sõng làm bằng nan tre là chủ yếu. Loại sõng này nếu không được bảo quản tốt, chỉ dùng chưa đầy ba, bốn năm đã hỏng. Ngày nay, người ta chuộng sõng làm bằng nhôm. Tuổi thọ của sõng nhôm không dưới mười năm. Khi hư hỏng, chỉ cần thay vành be là có thể sử dụng tiếp. Giá sõng phụ thuộc vào kích cỡ và chất lượng nguyên liệu. Một chiếc sõng rộng 90cm, dài 450cm giá khoảng 2 triệu đồng. Sõng rộng 120cm, dài 520cm giá 3 triệu/chiếc. Những sõng làm bằng nhiều mảnh nhôm ghép lại thì giá rẻ hơn so với sõng làm bằng nhôm nguyên mảnh.


< Chỉ có những người già như ông Soạn mới còn gắn bó với nghề lưới gõ.

Để hoàn thành một cái sõng, anh Hoàng phải mất khoảng bốn ngày. Các công đoạn chủ yếu là chuẩn bị gỗ be, mở đục lỗ vô khung. Sau đó, lấy khung làm rập lên nhôm. Tiếp theo là gò lên, vô khung thành sõng. Bước thứ tư là gò nhôm hai đầu mũi, ghép riêng hai đầu. Trong các khâu đó, khó nhất là bước thứ tư. Trong quá trình làm, anh Hoàng cũng tích luỹ cho riêng mình những kinh nghiệm quý. Như để tạo độ cong cho sõng, anh có cách cắt hai nhíu cạn hơn, chiều dài con đỉa ngắn hơn, từ đó, độ bền của sõng cũng được tăng lên.

Anh Hoàng nói: ba anh là người đầu tiên của thôn Tân Giản biết làm sõng từ những năm tám mươi. Đến nay, sõng do hai cha con anh làm được tiêu thụ khắp nơi, từ An Thái, Tân Kiều, Nhơn Lý, Nhơn Hội… ra đến Bồng Sơn, Tam Quan.. Ngoài những người dân làm nghề sông nước, khách hàng của anh còn có cả Hội chữ thập đỏ Bình Định, đặt hàng để hỗ trợ cho các địa phương vào mùa lũ. Anh Hoàng tâm sự: “Nhìn những chiếc sõng do chính bàn tay mình làm ra ngược xuôi trên các con sông, dòng suối, tôi cũng cảm thấy tự hào. Mình là một người lao động bình thường nhưng cũng đã làm được điều gì đó để giúp người dân kiếm sống trên sông, vượt qua những mùa lũ”.

4. Nơi con sông Côn đổ ra biển, có những xóm làng tập trung làm những nghề gắn liền với dòng sông. Xóm Câu, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước là một ví dụ.


< Vỏ hàu ở xóm Câu.

Để đến được xóm Câu, chúng tôi phải qua bờ tràn Huỳnh Mai. Khu Đông đang mùa lũ, nước chảy xiết trên bờ tràn. Người và xe muốn qua lại đều phải đi trên những chuyến xe tải. Qua bờ tràn, len lỏi theo những con hẻm bé xíu, dấu hiệu đầu tiên của xóm Câu là vỏ hàu. Vỏ hàu trắng mặt đất, suốt dọc đường chạy giữa xóm Câu, đâu đâu cũng thấy vỏ hàu. Thỉnh thoảng lại thấy vỏ hàu vun thành từng đống. Hỏi ra mới biết, vỏ hàu được vun lại để bán cho các lò nung vôi, với giá 6.000 đồng/bao (một bao khoảng 30 đến 40 kg).

Trước đây, người dân xóm Câu chủ yếu làm nghề chài lưới, đánh bắt cá. Khi nguồn tài nguyên này đã cạn kiệt, người dân nơi đây lại tìm kế sinh nhai mới. Xóm có hơn 250 nóc nhà thì gần hết đều làm nghề lặn hàu. Nhiều gia đình, cả vợ chồng con cái đều lặn hàu. Như gia đình anh Lê Văn Liên, hai vợ chồng, hai đứa con, một trai, một gái đều làm nghề này. Anh Liên nói: “Mấy hôm nay lũ về, hàu chết nên đến xóm mới thấy nhiều người vậy, chứ bình thường ban ngày xóm Câu vắng teo”.

Theo anh Liên, vào nghề lặn hàu không cần đầu tư gì nhiều, chỉ cần một chiếc đèn pin bọc ni lông, một gương lặn, một cái búa, một cái đục và một cái thau nhựa để đựng hàu. Và dĩ nhiên, phải có sức khoẻ, lặn giỏi. Sáng nào cũng vậy, trời chưa hửng, người dân xóm Câu đã í ới rủ nhau đi lặn. Đích đến của họ là cầu Nhơn Hội, núi Một, núi Chín nằm trong đầm Thị Nại… Người có sức khoẻ thì tìm những vùng đá ngầm có hàu lớn, người lặn không tốt thì chấp nhận đục những con hàu nhỏ ở những vỉa đá lộ thiên.

Là người đầu tiên ở xóm Câu làm nghề lặn hàu, đến nay đã hai mươi năm trong nghề, anh Liên đã biết nhìn hướng gió mà định thời điểm xuống nước thuận lợi. Vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch nắng ấm, hàu nhiều mà người lặn cũng đỡ vất vả. Mỗi lần xuống nước, người còn chịu được 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Còn mùa lạnh, người giỏi nhất cũng không chịu nổi quá hai tiếng.

Anh Liên tâm sự: “Trước đây, hàu còn rất nhiều, có cả một con lạch mang tên lạch Hàu. Ở đó, để lấy hàu, người ta cứ xúc chứ không cần đục như bây giờ. Thế nhưng, thời gian trôi qua, số người tham gia vào nghề càng nhiều hơn, trong khi đó hàu không sinh nở kịp để cho người ta bắt”. Người dân xóm Câu hẳn chưa quên những năm chín mươi, thời điểm làng hàu làm ăn khấm khá nhất, mỗi ngày có đến hơn 200 bao (50kg/bao) hàu cập bến xóm Câu. Dạo ấy, thu nhập bình quân của dân lặn hàu không dưới 150.000 đồng/ngày, giờ giỏi lắm cũng chỉ được một nửa.
Thu nhập thấp, người dân xóm Câu vẫn gắn bó với nghề. Một số khác tìm hướng đi mới: nuôi hàu. Xóm Câu giờ đã có gần chục hộ nuôi hàu. Hy vọng lại sống dậy ở xóm lặn hàu…

5. Đàn ông ở xóm Lưới (khu vực 9, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn) phần lớn làm nghề lưới gõ. Mỗi người một sõng, cứ tầm 3 đến 4 giờ sáng họ lại vác sõng ra sông, chiếc này nối chiếc kia thành một hàng dài, theo sau một chiếc ghe máy kéo ra đầm Thị Nại thả lưới. Giữa trưa, cả đoàn sõng lại rồng rắn kéo nhau về.

Thế nhưng, càng ngày, những chiếc sõng càng ít xuất hiện trên mặt sông. Thay vào đó, chúng được úp trước sân, bên hiên nhà. Ông Võ Văn Trung, khu vực trưởng khu vực 9, cho biết: “Đời sống của người dân xóm Lưới ngày càng khó khăn hơn. Tài nguyên trên sông Hà Thanh, trên đầm Thị Nại không còn nhiều như xưa”. Đúng như lời ông Trung nói, hết nạn xung điện xiếc máy, dã cào tung hoành mặt nước, lại đến những lồng bắt cá thả đầy lòng sông vơ vét cạn kiệt nguồn hải sản. Đến những con cua nhỏ, con tép cũng không thoát. Thậm chí, mùa lũ, người ta còn mang lồng vào đặt trong những cánh đồng ngập nước để bắt cá rô, cua đồng. Người dân xóm Lưới với chiếc sõng và mấy mành lưới không thể cạnh tranh nổi với họ.

Chúng tôi gặp ông Trương Văn Soạn, 72 tuổi, đang lóc cóc đưa sõng xuống nước. Ông bảo, nguồn thu từ nghề lưới gõ không còn đủ nuôi sống người dân xóm Lưới. Thanh niên xóm Lưới nay đã tìm kế sinh nhai mới. Phần đông làm công nhân cho các xưởng gỗ, số khác làm phụ hồ. Giờ chỉ có những người lớn tuổi, không còn đủ sức khoẻ như ông đi lưới.

Ông Lê Văn Năm, 41 tuổi, là người làm nghề lưới gõ lâu năm và có kinh nghiệm nhất ở xóm Lưới. Ở xóm Lưới vẫn truyền nhau câu: “Ông Năm mà không kiếm được năm chục ngàn thì đố ai kiếm được mười ngàn”. Thế nhưng, giờ đây, ông Năm cũng phải úp sõng nằm nhà. Khi nói đến những người thả lồng bắt cá trên sông, giọng ông đầy bức xúc: “Họ tận diệt tất cả. Không biết vài năm nữa còn gì để bắt nữa hay không”. Nói đoạn, giọng ông chùng xuống: “Mười năm qua, nhờ nghề lưới gõ, tôi nuôi cả nhà, con cất được gian nhà khang trang. Thế nhưng, giờ mỗi lần cất sõng chỉ bắt được vài con cá nhỏ đủ cho bữa cơm”.

Rời xóm Lưới, cơn mưa chiều bất ngờ đổ xuống. Chợt nhớ lại lời ông khu vực trưởng: “Nhờ anh viết sao cho người ta quan tâm, dẹp bớt nạn thả lồng. Nếu không, chỉ vài năm nữa, cá tôm cũng hết mà nghề lưới gõ cũng chẳng còn”…

Còn tiếp kỳ cuối
Kỳ 1 – Kỳ 2 – Kỳ 3 – Kỳ 4 – Kỳ 5 – Kỳ 6 – Kỳ 7 – Kỳ 8 – Kỳ 9 – Kỳ 10 – Kỳ 11 – Kỳ 12 – Kỳ 13 – Kỳ 14

Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *