(DNSG) – Ngoài cháo thịt, cháo cá, cháo hải sản… thông thường, có những thứ cháo lạ lẫm mà chỉ về vùng sông nước Nam bộ chúng ta mới có cơ hội thưởng thức. Tuy nhiên, không phải thực khách nào cũng có gan trải nghiệm những món ăn độc đáo này.
1. Cháo ong vò vẽ
Vò vẽ là loài ong có nọc rất độc thường làm ổ nhiều tầng trên cây khô. Để lấy được ổ ong vò vẽ, phải là người “ăn ong” có kinh nghiệm mới không bị ong đánh rất nguy hiểm. Sau khi lấy được ổ ong, người ta tách từng tầng ong ra để gỡ lấy nhộng non. Sau đó, nhộng ong được trụng nước sôi chừng vài phút cho phần sữa trong thân nhộng săn lại rồi ngắt bỏ phần ruột đen ở thân dưới.
Nấu cháo bằng gạo lúa mùa, có pha thêm nước giảo dừa khô (cơm dừa khô nạo ra được vắt nước cốt để riêng, đổ thêm nước âm ấm vào xác dừa vắt lấy nước giảo). Nhộng ong đã làm sạch xào sơ với hành, tỏi cho thơm. Khi cháo đã chín nhừ thì nêm nếm gia vị, nước mắm rồi trút mớ nhộng đã xào vào, thêm nước cốt dừa, rắc tiêu, hành lá xắt nhuyễn.
Chén cháo nhộng ong vò vẽ ngọt lừ, béo ngậy là một sáng tạo về mặt ẩm thực của người dân từ thời khẩn hoang miền Nam, từng được nhà văn quá cố Sơn Nam mô tả trong tác phẩm của ông.
2. Cháo dơi
Dơi quạ, dơi sen thường sống thành bầy đàn, ăn trái cây trong vườn. Khoảng chập tối, người ta thường dùng lưới vợt bắt chúng. Dơi được cắt tiết để pha với rượu (các đệ tử Lưu Linh cho rằng rượu huyết dơi còn “sung” hơn nhiều so với rượu huyết rùa hay huyết rắn). Làm thịt dơi nhớ không được rửa nước, chỉ cần lột bỏ da, moi hết ruột.
Quan trọng là phải bỏ hai cục xạ trắng cứng dưới cánh dơi. Chặt bỏ luôn hai cánh và đầu rồi băm thịt dơi thật nhuyễn (cũng có người để nguyên con), xào với gia vị trước khi trút vào nồi cháo. Để nấu cháo dơi phải rang gạo cho vàng, nấu nhừ với đậu xanh cà, gừng xắt chỉ, nấm rơm, gia vị các loại. Cháo dơi sen ăn kèm với năng, giá sống, rau đắng đồng, vắt chút chanh tươi, nếu dơi để nguyên con thì chấm muối tiêu chanh ớt hoặc nước mắm y.
3. Cháo rắn hổ đất
Loài bò sát này cực độc nhưng cháo nấu bằng thịt nó thì ngon… thấu xương. Sau khi giết rắn bắt được, hơ trên lửa cho lớp vảy tróc ra rồi cạo sạch. Làm rắn, phải lấy mật trước rồi mới lấy bộ đồ lòng.
Dân gian tin rằng mật rắn hổ chữa được nhiều thứ bệnh nên mật được hòa với rượu đế để uống khi mở đầu bữa tiệc. Rắn làm sạch chặt khúc cỡ lóng tay để ráo nước. Nấu cháo gạo mới, thêm ít đậu xanh cà, có pha nước giảo dừa như cách nấu cháo ong vò vẽ. Cháo nhừ cho rắn vào nấu đến khi thịt mềm thì vớt ra dĩa. Nêm gia vị nồi cháo cho vừa ăn rồi nhắc xuống.
Xé thịt rắn trộn với hành củ thái mỏng ngâm giấm đường, rau răm xắt nhỏ, đậu phộng rang đâm nhuyễn, tiêu, ớt… Cháo rắn hổ phải ăn nóng và cay. Đây cũng là món ăn có từ thời khẩn hoang Nam bộ.
4. Cháo cóc
Theo Đông y, thịt cóc có vị mát, trị được nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em. Theo Tây y, thịt cóc giàu chất đạm và những khoáng chất khác như: chất béo, mangan, kẽm, và axit amin…. Thịt cóc chế biến được nhiều món ăn ngon như: chiên giòn, nướng mọi, nấu cháo, chà bông… Riêng, món được mọi người ưa thích hơn cả là cháo cóc đậu xanh.
Cóc bắt về lựa những con bự có màu đen (cóc vườn), hay màu vàng (cóc ruộng), trên lưng có nhiều mụt, chân mập, mắt sáng… Dùng dao bén chặt đầu, lột da . Cắt bỏ chân và toàn bộ đồ lòng (gan, mật, ruột, trứng… vì rất độc). Rửa thật kỹ nhiều lần qua nước lạnh cho sạch.
Bằm thịt cóc cho thật nhuyễn (cả xương). Ướp muối, bột ngọt, tiêu. Phi mỡ, hành, tỏi cho thơm rồi cho thịt cóc vào chảo xào chín. Cho gạo cùng với đậu xanh cà vào nồi nước, bắc lên bếp. Khi đậu và gạo nhừ ra, cho thịt cóc bằm vào. Cuối cùng, nêm bột ngọt, nước mắm, hành lá xắt nhuyễn vừa khẩu vị, nhắc xuống, múc ra tô…
Theo Minh Thương (Doanh Nhân Sàigòn Cuối Tuần)
NISAVA TRAVEL!