Than ôi, sống với nghề rừng, họ vào rừng chỉ là để bày ra cho thiên hạ xem hết tất cả mọi ham hố, mưu mẹo, lươn lẹo của mình; đôi khi rừng chỉ là cái cớ để họ “thanh trừng” lẫn nhau.
Họ làm tất cả, chỉ trừ có một việc Nhà nước và nhân dân giao cho họ làm thì họ lại không làm: ấy là giữ rừng. Và chứng kiến điều đó, bỗng dưng tôi cảm thấy hổ thẹn với rừng.
Những gốc cổ thụ được “treo biển” Đã Khai Tử!
Những ngày này, đáng lẽ “lâm tặc chủ” và “lâm tặc làm thuê” phải nín thở “nằm nhà” bởi chiến dịch ra quân bảo vệ rừng Yok Đôn (tỉnh Đăk Lăk) có vẻ đang căng thẳng. Đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo Tổng Cục lâm nghiệp vừa đi kiểm tra, xác tín những lời tố cáo “thiên la địa võng” về thảm trạng xẻ thịt rừng quý, mà bao nhiêu vụ án phá rừng đã bị “chìm xuống”, bao nhiêu tiêu cực nội bộ ở Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn đã xảy ra (sau đây gọi tắt là Yok Đôn).
Vậy mà, lâm tặc vẫn coi trời bằng vung. Chỉ nửa tiếng lái xe ô tô, đi bộ một trăm bước chân, tôi đã phải đứng trước những cây gỗ giáng hương quý báu (giá chợ đen lên tới 40 triệu đồng/m3), với đường kính gốc rộng cả mét, vừa bị chặt hạ. Nhựa cây ứa ra, sậm sệt, đỏ au, ròng ròng như máu. Hương gỗ chết thơm giữa rừng già, như nhang khói liêu trai. Lá cây còn xanh, mặt gốc cây bị cưa máy tiện tròn xoe, còn chưa được các đồng chí kiểm lâm viết chữ “ĐKT” bằng bút xóa màu trắng, kèm theo ngày tháng… như thường lệ. Chứng tỏ họ chưa hề biết chòm rừng này bị hạ gục.
“ĐKT”, có lẽ là từ kiểm lâm viết tắt “đã kiểm tra”, tức là lâm tặc chặt, kiểm lâm vào, thấy gỗ đổ, họ đã kiểm tra, ghi nhận và “dọn” hiện trường. Thu gỗ về, đốt gốc cây đi để xóa dấu vết cho đỡ ngứa mắt, hoặc chưa kịp đốt thì phủ cỏ rác lên gọi là “xấu xa đậy lại”. Có hàng trăm hàng nghìn cây cổ thụ vô giá bị xóa sổ, chỉ lâm tặc và kiểm lâm biết với nhau kiểu đó. Na Sơn – nghệ sĩ nhiếp ảnh đi cùng tôi – lẩm bẩm: “ĐKT” không phải là “Đã Kiểm Tra” đâu, tôi nghĩ nên dịch là “Đã Khai Tử” cây gỗ này, tán rừng này, ông ạ.
< Cây gỗ hương to ở Yok Đôn bị đốn không thương tiếc.
Ông Đoàn Xuân Thiện, người đã hơn 20 năm làm cán bộ Yok Đôn, thuộc lòng từng trảng rừng bị đốn, đứng cạnh tôi và “thi thể gỗ quý” bắt đầu tố cáo trăm nghìn thứ tội của những người giữ rừng. Mà rất nhiều cái tội ông Thiện tố, Bộ trưởng Cao Đức Phát, rồi lãnh đạo tỉnh, Cục trưởng Cục kiểm lâm vào kiểm tra, đều công nhận là đúng. Ông Thiện lại càng nghiến răng đưa chúng tôi đi xem rừng bị giết, bởi “người ta” đã cách chức, đã kỷ luật ông, sau khi ông quả quyết chống tiêu cực.
Ngẫm cái “thế thái” đó, bỗng dưng tôi tê tái, xót xa. Họ vào rừng, họ làm tất cả, chỉ trừ có một việc Nhà nước và nhân dân giao cho họ làm thì họ lại không làm: ấy là giữ rừng. Và điều đó làm tôi cảm thấy hổ thẹn với rừng.
Phải nói thật rằng, báo chí đã nói quá nhiều về nỗi bi đát tàn sát Yok Đôn trên diện rộng. Lẽ ra, nếu không có nỗi “hổ thẹn” trên, thì tôi không cần phải viết thêm gì nữa. Mà chụp ảnh rừng bị phá ở Yok Đôn, dễ lắm. Sự vô trách nhiệm của cơ quan chức năng, cũng dễ chứng minh lắm, cứ thấy rừng chết hàng loạt, lâm tặc lộng hành vô độ, thì… có cãi đằng giời. Tôi mượn một chiếc xe hơi cũ kỹ, tự lái, thế mà lao tuột vào trong rừng, đi mọi ngõ ngách băng băng. Cổng chính của Vườn – bảo vệ bỏ gác, trạm kiểm lâm số 2 – trạm trưởng ngái ngủ, trạm còn lại án ngữ bên suối – gọi nửa tiếng mới thấy mấy đồng chí ở trần trùng trục đi từ gác hai xuống. Một không khí giữ rừng trễ nải.
Vườn Yok Đôn rộng hơn 100.000ha, nhưng địa hình khá bằng phẳng. Xe bon bon trong rừng khộp. Lối mòn to đùng, cứ phát cho cái xe máy, hay cái ô tô, là bạn có thể lái xe “du lịch sinh thái” cả ngày. Vì thế, gỗ bị lâm tặc đẵn, thì kiểu gì chúng cũng phải đi đường bộ, qua một vài trong số mười mấy cái trạm gác, có trạm của kiểm lâm, có trạm liên ngành từ kiểm lâm, công an, quân đội, thuế, huyện… Nếu không đi đường bộ thì phải đi đường qua sông Sê rê pôk. Chúng tôi kỳ công, vừa vào rừng, vừa ra sông chụp ảnh cảnh vận chuyển gỗ, vừa mật phục trong đêm xem xe gỗ lậu lao băng băng trên đường nhựa, nhìn thấy xe lâm tặc lọt qua mọi trạm kiểm soát như đi chốn không người. Vậy nên, nói họ không giữ được rừng là chưa hẳn đúng. Phải nói là họ không có ý định giữ rừng!
Khi kiểm lâm đi xóa dấu vết rừng bị đốn hạ?
< Những cây gỗ giáng hương quý báu khổng lồ vừa bị chặt.
Cách giữ rừng “giả vờ” đó, là nguyên nhân để bà con và những người yêu quý rừng không còn tin vào chức năng giữ rừng của lực lượng hữu quan. Khi có tin, họ gọi cho nhà báo hoặc cho ông Thiện – một cựu chiến binh lúc nào cũng tuyên bố sẵn sàng quên thân vì rừng – chứ không gọi cho kiểm lâm hay cán bộ hàng huyện. Trong khi lực lượng công an, kiểm lâm hoặc không điều tra, khởi tố các vụ phá rừng; hoặc điều tra “chút chút” rồi đồng loạt báo cáo không tìm ra thủ phạm; thì các nhà báo và người lương thiện biết thương xót rừng vẫn liên tục quay phim, chụp ảnh, đưa ra công luận những sự “bảo kê” đau đớn, những lỗ hổng chết người để các cây gỗ khổng lồ chui qua cả chục trạm kiểm soát để về thành phố.
Vài kiểm lâm viên bị bắt sống, khi “làm gián điệp hai mang” kiểu nhắn tin cho lâm tặc chạy trốn trước khi đoàn kiểm tra có mặt. Còn anh Hoàng Dưỡng – vốn làm Trưởng Đài truyền thanh truyền hình huyện Buôn Đôn – tham gia mật phục, chặn xe, quay phim, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý “gỗ lậu” theo đúng quy định. Và, anh đã bị đám mặt rỗ tấn công bằng những đòn chí mạng, thậm chí chúng dùng cả viên gạch chỉ nện vào đầu, vào mặt anh đến ngất xỉu. Tòa án huyện xử những kẻ trực tiếp đánh “nhà báo chống lâm tặc” bằng bản án như “phủi bụi” trong khi đó – theo anh Dưỡng – thì kẻ chủ mưu chỉ bị án treo. Đó là điều làm anh đau hơn cả… những cục gạch khổng lồ nện vào đầu.
Còn anh Đoàn Xuân Thiện, vì dám đưa nhà báo vào rừng chụp ảnh, quay phim, từ chỗ là Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy VQG Yok Đôn, bị người ta nghĩ ra đủ thứ lý do để kỷ luật, nay chỉ còn mỗi cương vị “cán bộ công tác tại Ban quản lý dự án xây dựng công trình của… Vườn”.
Thú thật, lúc đầu tôi cũng ngài ngại, nghi ngờ động cơ tố cáo các đường dây lâm tặc của ông Thiện. Nhưng rồi, phóng viên của ít nhất 7 tờ báo lớn đã đi cùng ông Thiện vào rừng trong nhiều lần, rồi có cuộc đối chất giữa chúng tôi, ông Thiện và hầu như đủ các ban bệ của VQG Yok Đôn ngay tại trụ sở của Vườn, dần dà, tôi đã bước đầu tin ông Thiện. Hơn thế, từ đơn kiến nghị của ông Thiện gửi đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mang tên “Cần nghiêm khắc kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo VQG Yok Đôn đã buông lỏng quản lý để lâm tặc trắng trợn tàn phá rừng trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2011”, cơ quan chức năng đã vào cuộc thật sự.
< Báu vật đắt đỏ bị tàn sát.
Ông Thiện tố cáo cán bộ Vườn với những vấn đề mâu thuẫn nội bộ, cửa quyền, bao che cho sai phạm, dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc rất cụ thể. Ông liệt kê 10 vụ tiêu biểu trong hơn 1 năm trời diễn ra với các cánh rừng đau khổ của Yok Đôn, vụ nào cũng thời sự, kiểu như: Tại tiểu khu 501 có 200 cây gỗ lớn bị chặt đang vận chuyển, sau khi phát hiện, cán bộ bảo vệ vườn đã không khởi tố, tang vật “bốc hơi” gần hết; xe tải 2,5 tấn chở đầy gỗ giáng hương bị bắt, đông đảo lâm tặc chống trả, đốt lửa ngồi bao vây gần 20 bán bộ, kiểm lâm – trong đó có ông Thiện và đương kim Giám đốc Yok Đôn – suốt cả đêm (họ chạy vào trú thân trong đồn biên phòng).
Nhưng rồi lâm tặc không bị xử lý, chiếc xe tiếp tục được… lưu thông. Có vụ ông Thiện và cán bộ vây bắt lâm tặc ở ngay trạm bảo vệ rừng số 6, với tang vật là khúc gỗ hương lớn, có chu vi vòng gốc tới 3m (!), những tưởng lập công thì được “vinh danh”, ai ngờ các cán bộ, Đảng viên tham gia phi vụ này đều bị kiểm điểm!
Đơn tố cáo của ông Thiện có những chi tiết rất thuyết phục: tại tiểu khu 434, ngày 20.2.2011, có ít nhất 32 cây giáng hương đường kính từ 0,5 đến 1m bị chặt hạ, số gỗ bị xẻ ít nhất 80 -100m3 (với giá 40 triệu đồng/m3!). Việc này đã được trạm kiểm lâm ĐangPhôk báo cáo đàng hoàng, lãnh đạo Vườn cứ “mặc kệ”. Cho đến khi nghe tin có đoàn Tổng cục Lâm nghiệp do Cục trưởng Cục Kiểm lâm đích thân vào kiểm tra, thì họ mới tá hỏa cho người đi thu gom cành ngọn, đốt cháy phần gốc còn lại của các cây gỗ quý đã bị chặt nhằm phi tang!
Rất tiếc cho những người giữ rừng kiểu ăn thịt rừng “chùi mép” bằng cách xóa dấu vết rừng chết, rằng: hôm họ “phóng hỏa” đối phó với đoàn kiểm tra, lại có sự xuất hiện bất ngờ của phóng viên các báo: Báo Lao Động, TTXVN, báo Sài gòn giải phóng, báo Quân đội nhân dân… Chuyện kiểm lâm đốt gốc cây trong vùng lõi VQG để “phi tang”, vì thế mới “vỡ ổ con chuồn chuồn”.
Cơ quan điều tra cấp trên cần sớm vào cuộc!
Tôi thật sự thấy hổ thẹn với rừng, khi đi trong cảnh những cây gỗ hương vài trăm năm tuổi bị xẻ thịt, những gốc cây rừng bị đốt la liệt như vậy – trong khi cơ quan chức năng bỏ mặc rừng, nhiều người chỉ biết đến cãi cọ, tố cáo, hạ bệ nhau bằng đủ “mánh”, họ không quên cả chiêu bài dùng chính cái chết của rừng và đường đi mờ ám của gỗ rừng để anh nọ “bắt lỗi” anh kia. Chỉ vài năm nữa thôi, cứ với đà này, Yok Đôn sẽ không còn cây gỗ quý nào nữa.
< Xe bò kéo gỗ ở Yok Đôn.
Những báu vật đắt đỏ này bị tàn sát hoang phí, số tiền khổng lồ đó, rơi vào túi ai? Nỗi đau của bà mẹ rừng, biết kêu ai? Điều hết sức vô lý, là chúng ta đã biết rõ sự bất lực “khó hiểu” của cơ quan chức năng ở Yok Đôn và địa phương, họ để lâm tặc xẻ gỗ trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của quốc gia, cứ như đẵn cây mít cây ổi trong vườn nhà mình – nhưng chưa ai đưa ra được một giải pháp hữu hiệu! Nay, xin hỏi thẳng: họ im lặng vì sợ bị lâm tặc trả thù như đã từng xảy ra, hay họ im lặng vì “ngậm miệng ăn tiền”? Khoan hãy trả lời câu hỏi này.
Chỉ biết, mới đây công an tỉnh Đăk Lăk có bắt một xe tải chở 27m3 gỗ hương, sau khi nó đi 40km xuyên VQG Yok Đôn, qua 2 trạm kiểm soát làm việc tích cực 24/24 giờ. Một nhân viên trạm kiểm lâm bị công an tạm giam 8 tháng vì dính lứu tới vụ “bảo kê” này. Thêm nữa, vừa qua, khi điều tra theo đơn tố cáo, chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk và Ban Giám đốc VQG Yok Đôn, cũng khẳng định: cần loại bỏ những “con sâu” trong lực lượng kiểm lâm của VQG Yok Đôn.
Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk còn nhấn mạnh: “Có nhiều người dân báo tin cho tôi, lâm tặc đang phá rừng ở VQG Yok Đôn và họ còn chỉ cách cho tôi nên đem lực lượng công an hay quân đội vào để xử lý, chứ kiểm lâm và một số cán bộ đã bị lâm tặc mua chuộc rồi, không xử lý được đâu”. Giám đốc Yok Đôn, ông Trương Văn Tưởng cũng phải thừa nhận sự thực kể trên.
Vậy là, trong nỗi hổ thẹn với rừng của tôi và rất nhiều người, một câu hỏi nữa lại đặt ra: Tại sao chúng ta không có biện pháp mang tính hiệu quả hơn để cứu những cánh rừng quý báu cuối cùng của Tây Nguyên? Tại sao không yêu cầu cơ quan điều tra cấp trên vào cuộc? Sự lộng hành của lâm tặc bấy lâu nay ở Yok Đôn, chỉ vì một lý do: chúng ta đã để cho chúng coi thường pháp luật. Chúng ta đã không xử lý nghiêm theo luật định các hành vi tàn độc với thiên nhiên, tàn độc với người giữ rừng chân chính. Cái kiểu giữ báu vật rừng như thế, làm sao tôi “đi xem rừng chết” mà không thấy hổ thẹn được?
NISAVA TRAVEL! – Theo báo Lao Đông