Trên đảo Lao Mái Nhà (xã An Hải, huyện Tuy An) có một xóm nhà chòi. Xóm chỉ có khoảng 15 nhà chòi nhỏ, nằm sát chân núi ở phía nam của hòn đảo. Đây chính là tổ ấm của nhiều gia đình rời nhà trong đất liền ra đây bám biển, đánh cá mưu sinh hàng ngày.
Dựng nhà trên đảo
Đảo Lao Mái Nhà cách TP Tuy Hòa khoảng 25km đường bộ và cách bờ biển An Hải chừng 45 phút ngồi tàu đánh cá của ngư dân. Tuy không xa nhưng thiên nhiên trên đảo hoang vắng và còn nguyên sơ. Hòn đảo có diện tích khoảng 1,2km2, mặt phía đông có mái núi cao chừng 100m, dưới là nhiều rạn san hô sống rất đẹp.
Trên đảo, cây rừng mọc tự nhiên. Phía nam đảo có bãi cát rộng, biển cạn, nước trong xanh. Đảo có diện tích rộng, môi trường trong lành, nhiều tài nguyên biển. Trên đảo có hai gia đình ở xã An Hải đến đây sinh sống bằng nghề đánh bắt, chăn nuôi và một xóm nhà chòi ở phía nam.
Sở dĩ gọi xóm nhà chòi vì những căn nhà ở đây đều được làm tạm bợ, đóng đinh bằng những cây rừng to cỡ cổ tay cổ chân, phía trên lợp tôn và bốn bên dựng bạt. Diện tích mỗi căn chừng 10-15m2, nằm sát chân núi đá bên bờ biển. Tuy gọi là nhà nhưng bên trong chỉ có một cái giường tạm, bếp nấu được kê bằng ba hòn đá làm ông táo, còn lại toàn lưới đánh cá và dụng cụ đi biển.
Ông Nguyễn Mười (45 tuổi) ở thôn Phước Đồng (xã An Hải), một trong nhiều chủ nhà ở đây, cho biết: “Chúng tôi dựng nhà ngoài này để ở lại trong những hôm đánh cá dài ngày. Đó là những lúc biển được mùa, cả gia đình vợ chồng con cái ra đây cùng ở lại để đi biển, khỏi phải vào ra đất liền tốn tiền dầu”.
NISAVA
Hôm tôi đến, xóm nhà chòi không có nhiều người ở lại đêm. Hỏi ra mới biết, mấy bữa nay trời êm biển lặng, chủ nhà đã về đất liền hết rồi. Anh Võ Thái An (47 tuổi), một trong số ít ngư dân còn ở lại trên bãi Nam, cho hay: “Xóm này chỉ đông người khi biển động”.
Câu nói này người không làm nghề biển nghe có vẻ vô lý vì đúng ra khi trời yên biển lặng thì ngư dân ra biển ở cho khỏi nguy hiểm còn đến khi trái gió trở trời về lại đất liền mới “đúng bài”. Nhưng tìm hiểu thì mới biết kiểu sống của ngư dân cũng có “lập trình” riêng.
Anh An bộc bạch: “Khi trời lặng, biển êm thì đánh lưới trên biển thường không có cá. Nhưng khi biển động thì cá chạy nhiều. Vì vậy, lúc ấy hầu hết ngư dân trong đất liền ra đây ở lại để hành nghề đánh lưới”. Theo anh An, những đêm biển động, có gia đình đi lưới được nhiều cá, mực, tôm hùm con, cua ghẹ… bán vài triệu đồng là chuyện bình thường.
Vì vậy những khi ấy, những ngôi nhà trên bãi Nam này chật người. Người đi lưới cước, người câu mực, lặn bắt tôm hùm con… nên cả xóm rôm rả thâu đêm suốt sáng. Mỗi chiều và sáng, bãi cát trước xóm luôn rộn ràng. Có gia đình đưa cả vợ con từ đất liền ra đây ở hết cả đợt biển động. Buổi sáng, khi được nhiều tôm, mực thì đầu nậu chạy ghe đến tận nơi mua. Nếu thích thì ngư dân chạy xuồng máy vào đất liền bán tôm, cá cho bạn hàng rồi mua lương thực quay trở ra đảo.
NISAVA
Để cho biển đảo bình yên
Theo ông Ngô Văn Thịnh (62 tuổi), ngư dân lớn tuổi nhất ở xóm nhà chòi, trên đảo có nhiều cái không: không điện, không quán, không chợ, không công an… Vì thế, cuộc sống ở đây đều do người dân tự quản. Anh Võ Thái An cho biết, mỗi năm anh ra vào và sống ở đảo hơn 5 tháng nên nắm rất rõ lịch trình, cách sinh hoạt làm ăn và ý thức của từng gia đình nơi đây.
“Do không có chợ nên những thứ cần thiết như gạo, thịt, rau, mắm muối phải mang từ đất liền ra, còn cá, cua, tôm, mực chỉ cần ra biển gỡ lưới thì mặc sức mà ăn”, ông Thịnh bộc bạch.
Trên đảo, có nhà còn trồng rau xanh, ớt và nuôi gà. Cơm nước và thức ăn được nấu bằng củi lấy ngay tại chỗ. Vì thế, nếu ra đây, nhiều du khách sẽ dễ dàng gặp lại ký ức của những bữa ăn mang đậm hương vị ngày xưa ở các vùng nông thôn. Cuộc sống ở xóm nhà chòi ban ngày khá nhàn nhã. Theo anh An, bắt đầu một ngày của ngư dân là ra biển kéo lưới, rồi cả xóm cùng ngồi trên bãi cát gỡ cá, thâu lưới, phơi lưới, ăn cơm sáng và nghỉ ngơi. Buổi chiều, họ ra biển thả lưới rồi buổi tối đánh cá. Thời gian nghỉ ngơi cũng thư thả. Một vài nhà có ti vi đen trắng dùng bằng bình ắc quy nên có lúc họ tập trung lại để xem phim. Phần lớn phương tiện thông tin duy nhất là chiếc radio để bà con vừa nghe thời sự, biết tình hình biển Đông, vừa để nắm bắt thông tin thời tiết.
Công việc của mỗi người dân xóm nhà chòi là bám biển mưu sinh nên cả xóm rất quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn biển. Mỗi người có một đèn pin cỡ lớn, cùng lưu số điện thoại của nhau. Ban đêm ai thức giấc thì ra biển “quất” đèn pin canh chừng, khi có chuyện bất thường thì phải cấp tốc a lô cho cả xóm.
NISAVA
Nếu tình hình phức tạp thì báo ngay cho mấy anh bộ đội biên phòng các trạm, đồn ở đất liền. Trong nhiều tiêu chí đặt ra, làm sao để giữ cho biển, đảo sạch sẽ là điều rất quan trọng, đồng thời cả xóm còn phối hợp bàn cách để đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của từng ngư dân.
Ông Thịnh cho biết, cũng chính có sự đồng lòng và ý thức cao như vậy nên cách đây mấy tháng, trong đêm khuya mà người dân xóm nhà chòi vẫn phát hiện được một nhóm trộm đến bắt tôm hùm thịt và đã kịp thời báo động, báo với các trạm Biên phòng. Nhờ vậy nên đã nhanh chóng bắt được kẻ gian trên biển ngay trong đêm đó.
Hết mùa biển, xóm nhà chòi lại vắng teo. Tuy nhiên, dù có vào trong đất liền thì họ vẫn luôn dõi về những ngôi nhà tạm trên đảo Lao Mái Nhà với một tình cảm nhớ thương quen thuộc…
Theo Đào Tấn Trực (Báo Phú Yên)
NISAVA TRAVEL!