Con đường đèo Tà Nung ở cao nguyên Lang Bian là cung đường thơ mộng đi qua ngôi làng chuyên nghề ươm tơ dệt lụa của người dân bản địa nên được gọi là ‘con đường tơ lụa’. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng cung đường tuyệt đẹp như tranh vẽ này cùng với những dòng thác hùng vĩ.
Đường đèo Tà Nung cũng chính là một phần tỉnh lộ 725 nối liền thành phố Đà Lạt với huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Do đường đi qua làng Tà Nung nên người ta lấy tên làng đặt cho tên đường. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt chạy qua thác Cam Ly, thêm một đoạn đến ngã 3 Suối Vàng sẽ thấy nhánh rẽ trái có biển chỉ dẫn đi Tà Nung.
< Mùa dã quỳ.
Con đường dài gần 30 cây số, uốn lượn như một dải lụa mềm vắt lưng chừng núi. Một bên là đồi núi cao, một bên là vực thẳm đầy những rặng thông vài chục năm tuổi. Khi mùa mưa vừa đi khỏi cao nguyên, hoa quỳ nở vàng rực suốt tuyến đường nên đường Tà Nung còn được gọi là ‘đường Dã Quỳ’.
Đèo Tà Nung có nhiều khúc ngoặt quanh co như rắn bò nhưng du khách vẫn mải mê ngắm cảnh, chụp hình. Càng khúc khuỷu, cung đường càng gợi sự thích thú, tò mò cho du khách.
< Trên đèo Tà Nung.
Đi trên cung đường này, nếu muốn thỏa sức ngắm cảnh và dừng lại bất cứ nơi nào thì nên đi bằng xe gắn máy. Mùa cuối năm, con đường sương giăng suốt cả ngày. Có khi là những vệt lờ mờ kéo ngang đường, có khi lại lãng đãng, mong manh. Vào sáng sớm hay chiều tà, sương càng dày hơn và tiết trời càng lạnh thêm.
Hết đèo thì đến Tà Nung, du khách sẽ ghé qua ngôi làng ươm tơ dệt lụa. Ngày nay, không còn nhiều gia đình sống bằng nghề dệt nhưng bà con vẫn nuôi tằm, ươm tơ, bán lại cho những xưởng dệt quy mô hơn.
Nghề tơ tằm theo chân các cư dân phía Bắc di cư vào Nam. Họ dừng chân ở cao nguyên này, khởi nguyên và phát triển nghề tơ tằm. Dù Bảo Lộc mới chính là nơi nghề tơ tằm và dệt lụa phát triển mạnh nhất, nhưng du khách vẫn thích gọi cung đường Tà Nung là “con đường tơ lụa”. Ở đây, nghề tơ tằm lan rộng và cư dân bản địa – phần lớn là người K’ho cũng học nghề và lưu truyền đến nay.
Đi vào làng, rất dễ tìm thấy những ngôi nhà ươm tằm lấy tơ như một nghề để sinh sống. Hiện nay, tơ sợi công nghiệp ồ ạt phát triển, lấn át tơ sợi thủ công nhưng nghề tơ tằm ở địa phương vẫn trụ vững vì sản phẩm họ làm ra có giá trị kinh tế cao, không bị tồn đọng. Thú vị nhất là nghề tơ tằm cao nguyên phát triển thêm một bậc khi trong tranh thêu tay XQ, các nghệ nhân đã khéo léo kết hợp những sợi tơ tằm, tạo thành những bức tranh thêu tuyệt đẹp, có bức có giá lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ.
< Dòng thác Vọng ở Tà Nung.
Tà Nung còn có dòng thác Vọng mà người địa phương còn gọi là thác Cửa Thần hay gọi đơn giản là thác Ba Tầng. Theo bảng chỉ dẫn trên TL725, khách sẽ qua con đường đất rộng để đến thác. Độ cao của thác chừng mươi mét, ngày đêm cuồn cuộn xối xả tạo nên một dòng suối bạc trắng nhìn tựa như chòm râu của vị thần. Tại phía bên trái đỉnh thác Cửa Thần; từ khu rừng nguyên sinh có một nhánh suối dẫn nước về hòa nhập dòng suối chính. Nguồn nước trong lành thả mình dạt dào trên nền đá hoa cương được thiên nhiên sắp xếp thành ba tầng,người Srê gọi là Liang Pe Knũ – tức là thác Ba tầng.
< Dế nuôi tại trại.
Chạy thêm dăm cây số nữa, khách sẽ đến xã Mê Linh, nơi có những điểm tham quan thú vị. Đó là trại nuôi dế Thiện An rộng hàng trăm mét vuông ở thôn 2, xã Mê Linh. Nhiều du khách tỏ ra rất thích thú khi tận mắt nhìn thấy những thùng nuôi dế, tìm hiểu cách cho dế ăn và nghe tiếng dế kêu râm ran. Sau khi xem, du khách còn được thưởng thức món dế chiên giòn béo ngậy.
< Một đoạn đèo Tà Nung.
Cách trại dế Thiện An không xa là một điểm tham quan khác cũng được nhiều du khách ưa chuộng, đó là cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường. Dù đã quá trưa nhưng trong khu vực nấu rượu thơm nồng vẫn có hàng chục du khách nước ngoài. Khách sẽ chăm chú nghe hướng dẫn viên nói về các công đoạn để hoàn thành một mẻ rượu như vo gạo, nấu cơm, ủ men, chiết rượu thành phẩm. Sau khi tham quan khu nấu rượu, du khách còn có thể ăn thử cơm rượu, uống rượu gạo miễn phí.
< Nhìn từ đỉnh đèo.
Rời Mê Linh, ta đến thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Từ lưng chừng núi nhìn xuống, du khách thấy thấp thoáng những nóc nhà tranh ẩn mình trong những rặng cây mờ ảo trong làn sương khói.
Nam Ban có dòng thác Voi (còn gọi là thác Liêng Rơwoa) tuyệt đẹp với chiều rộng khoảng 40m, chiều cao hơn 30m. Dưới chân thác có những tảng đá như chú voi con nên có tên gọi là thác Voi.
< Thác Voi ở Nam Ban.
Thác Voi ngày đêm ầm ầm đổ nước tạo nên những âm thanh như tiếng gầm của thú rừng. Đây là một trong số ít thác còn giữ được nét hoang sơ của miền đất Tây Nguyên. Năm 2001 thác Voi đã được công nhận là di tích – thắng cảnh quốc gia.
Tại Nam Ban cũng có một xưởng dệt nhỏ khép kín từ lấy tơ đến dệt thành phẩm lụa tơ tằm. Đó là cơ sở ươm tơ Cường Hoàn, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà đã có từ hơn chục năm nay.
Dù đây là cơ sở kinh doanh nhưng khách vào tham quan, chụp hình thoải mái. Khách còn có thể trò chuyện với những người thợ, nghệ nhân trong xưởng để tìm hiểu về các công đoạn từ khâu lấy kén, kéo sợi, sấy khô sợi tơ rồi dệt thành vải, nhuộm màu. Những người thợ ở đây vừa chăm chú làm việc vừa trò chuyện với du khách rất thân thiện.
< Đèo Tà Nung thanh lặng…
Đà Lạt với cao nguyên Lang Bian hùng vĩ mà thơ mộng. Đà Lạt với đèo Prenn, đèo Mimosa hay đèo Dran nguy hiểm bởi dốc đứng và quanh co. Lại có con đường đèo Tà Nung khúc khuỷu cùng những khúc cua quăn queo nguy hiểm. Nhưng với khách lãng du, những khúc quanh ấy như dải lụa mềm vắt ngang bức tranh thiên nhiên thơ mộng, cũng là nơi chốn tham quan của bạn một ngày không xa – đúng không nào?
NISAVA TRAVEL!