Có một vùng cao nguyên xanh bao la, nơi những đàn dê, đàn ngựa của đồng bào Tày, Nùng nhởn nhơ gặm cỏ trong tiếng sáo của ai đó trên triền núi vọng về. Đó là một nét khác biệt mà ít ai ngờ nó ở ngay huyện Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn.
Lạng Sơn – mảnh đất cuối trời Đông Bắc của Tổ Quốc, tôi đã nhiều lần đi qua. Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng ghi dấu lịch sử đánh thắng giặc ngoại xâm phương Bắc, đã quá quen thuộc với mọi người. Càng quen thuộc hơn khi đến xứ Lạng với những địa danh trong câu ca dao nhiều người thuộc lòng từ ngày bé:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…
Xứ Lạng còn có đỉnh Mẫu Sơn mùa đông tuyết phủ, ngày hè mát lạnh, trở thành khu nghỉ dưỡng tuyệt vời. Cứ tưởng xứ Lạng chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng chúng tôi đã lầm, bởi càng đi nhiều trên vùng đất này lại càng thấy có bao điều mới lạ.
NISAVA
Từ Đồng Mỏ, bên quốc lộ 1A có tấm bảng “Ải Chi Lăng”, chúng tôi rẽ vào một con đường xa lạ để đi tìm vùng đất mới. Càng đi càng thấy khó khăn, bởi đường đèo dốc, sỏi đá lởm chởm đã bị xe tải băm nát. Chiếc xe máy cứ lên cao, lên cao mãi để rồi những cơn gió thổi vù vù làm tan biến nóng nực, mệt nhọc của kẻ vượt đường xa như chúng tôi.
Đi mãi, chắc khoảng 30 – 40km từ điểm rẽ, qua bao núi đồi hoang vắng, mịt mù, cuối cùng chúng tôi cũng tới được bản Co Hương, nơi có một trường tiểu học nằm chót vót trên núi cao. Đã vào ngày Hè, trường bản vắng bóng học trò, chỉ có vài đứa trẻ nhà gần đó kéo nhau ra chơi. Tiếng trẻ ríu ran làm chúng tôi quên bao mệt nhọc.
Chúng tôi đã từng thượng sơn nhiều nơi như Tam Đảo, Ba Vì, Mộc Châu,… và cả Mẫu Sơn nữa, nhưng đến với vùng cao Chi Lăng này cảm giác hoàn toàn khác biệt. Cái hoang sơ của cảnh vật, sự giản dị của con người, ánh mắt những đứa trẻ và những quả núi chỉ có một màu xanh của cỏ, lớp lớp nối nhau chạy xa tít chân trời làm chúng tôi như lạc vào một thế giới khác.
Những bản Co Hương, Thằm Nà, Suối Mạ của vùng đất Chi Lăng có độ cao 1.200 – 1.300m so với mực nước biển (chỉ kém Mẫu Sơn vài trăm mét). Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho những đồi cỏ bao la như những thảo nguyên. Chính nhờ đặc điểm ấy mà gần một thế kỷ qua, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở đây đã biết chăn thả dê, ngựa. Chính vùng đất này làm cho Chi Lăng trở thành “vương quốc” ngựa trắng của Việt Nam.
Nếu bạn muốn tìm những chàng chăn ngựa như Bật Mã Ôn trong phim Tây Du Ký thì đến vùng núi đồi Chi Lăng này là “chuẩn nhất”. Không còn sự ồn ào, vội vã của cuộc sống, mọi người như được thả hồn vào khung trời bình yên, quá rộng lớn.
Chúng tôi bỏ lại xe máy ở bản Co Hương và bắt đầu lội bộ cùng các chàng trai Tày, Nùng với những đàn ngựa, đàn dê, đàn trâu, đàn bò, nhưng nhiều nhất vẫn là dê và ngựa. Bước chân của chúng tôi như được nâng đỡ bởi bên tai lúc nào cũng văng vẳng tiếng sáo ai như gần như xa, bởi chàng trai thổi sáo nào đó ở mãi mỏm núi bên kia, chẳng thấy người, nhìn lên chỉ có đàn trâu đang lặng lẽ gặm cỏ bên triền đồi.
Những chàng trai Nùng nói sáng sớm nào họ cũng xua dê, ngựa lên núi ăn cỏ theo tiếng sáo trúc quen thuộc ấy và chính họ cũng mang theo những cây sáo như vậy. Dê, ngựa, trâu thường được chủ đeo chuông. Những tiếng chuông leng keng giúp chúng khỏi lạc bầy và chiều chiều gọi đàn tìm đường về nhà. Tuy không phải như dân du mục, nhưng các chàng trai Tày, Nùng phải theo vật nuôi cả chục kilomet mỗi ngày.
Sự thảnh thơi, lãng du trong tiếng sáo của họ không thể xóa đi nỗi vất vả mưu sinh. Lạc đàn thì không sợ, nhưng mối lo bị mất trâu, mất ngựa, mất dê vẫn luôn thường trực.
Tô điểm cho những đồi cỏ mênh mông là bao loại hoa khoe sắc, nhiều nhất vẫn là sắc tím thủy chung của hoa mua. Càng đi càng mê, càng đi càng say, lữ khách như muốn ẩn trốn mãi vào chốn này. Buổi trưa hôm đó, chúng tôi được người dân địa phương trong các lán trên núi đãi món gà quay kèm rượu Sán Nùng.
NISAVA
Trong bữa cơm ấy chúng tôi còn học được vài tiếng của đồng bào, như “kin lẩu” là uống rượu, “kin khẩu” là ăn cơm, hay “kim mào” là say rượu… Thật vô cùng thú vị!
Một thầy giáo ở Trường tiểu học Co Hương cho chúng tôi biết thêm, những đồi cỏ ấy còn là nơi hò hẹn của bao đôi trai gái các bản Tày, Nùng ở đây. Những đỉnh đồi ấy cũng là nơi các thầy cô gửi email, gọi điện thoại vì sóng ở đó “nét căng”, chứ vào nhà là y rằng mất sóng.
Cảnh sắc thanh bình, tình người say trong men rượu, chợt chúng tôi – những người hay lang thang – nghĩ rằng, nếu ai đó chỉ lên đây trong hai ngày cuối tuần thôi cũng đã khám phá được bao điều thú vị. Thậm chí môn xe đạp địa hình, dù lượn xuất hiện trong khung cảnh nơi đây cũng sẽ rất tuyệt vời, chẳng kém gì dù lượn khám phá ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Nhưng tuyệt vời nhất và sẵn có nhất chính là được cưỡi ngựa.
Ở đây có những con ngựa đã quen người lạ cùng sự chỉ bảo tận tình của các chàng “Bật Mã Ôn”, ai cũng có thể thử cảm giác thong dong trên lưng ngựa qua những đồi cỏ. Thêm vào đó là sự mến khách, lối sống độc đáo, ẩm thực cũng độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ gợi mở cho những ai muốn tò mò khám phá vùng cao Chi Lăng.
Chúng tôi sẽ còn nhớ mãi một ngày qua nơi đây. Mong ước của lữ khách là những dịch vụ du lịch sẽ xuất hiện ở vùng cao Chi Lăng trong tương lai gần. Biết đâu du lịch sẽ mang lại cuộc sống sung túc cho đồng bào nơi đây vốn chỉ quen chăn ngựa, thả dê…
Theo Đỗ Hùng, Hải Văn (Doanh Nhân SG)
NISAVA TRAVEL!