Thượng Lâm (Na Hang, Tuyên Quang) là vùng đất có nhiều truyền thuyết, vùng đất sơn thủy hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa.
Từ thị trấn Na Hang ngược lên phía bắc khoảng 30 km là đến đất Thượng Lâm. Ai mới lên lần đầu hẳn sẽ ngạc nhiên khi trước mắt là điệp trùng những ngọn núi mồ côi trên khắp cánh đồng. Nhìn kỹ một chút, có thể nhận ra nhiều ngọn núi mang hình dáng kỳ lạ, và hoàn toàn tự nhiên như: hình cô Tiên chú khách; hình Lưỡng long tranh châu; đàn rùa xuống núi; cờ lau khởi nghĩa… và trên hết là truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng được nhà vua phái đi chọn đất đóng đô.
Chuyện kể rằng xưa kia Thượng Lâm vốn là vùng đất bằng phẳng, đồng ruộng tốt tươi, có đông người định cư làm ăn sinh sống. Vùng đất Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) lại thấp trũng, nhiều sông ngòi nên cuộc sống của người dân ở đó rất cơ cực.
Bấy giờ, có chàng khổng lồ tên là Pác Tạ thương dân vùng trũng mới đi lên vùng Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) gánh đá về lấp bớt sông ngòi cho người dân có chỗ làm nhà ở. Chàng Pác Tạ gánh đá qua vùng Thượng Lâm làm rơi những viên đá xuống, hình thành những ngọn núi mồ côi như hiện nay.
Truyền thuyết mà người dân ở Thượng Lâm thường kể cho con cháu về sự tích 99 ngọn núi được gắn thêm màu sắc huyền thoại. Vào thời Hùng Vương, nhà vua muốn tìm đất tốt để đóng đô mới sai quan quân mang đàn chim phượng hoàng 100 con đi khắp nơi chọn đất. Ðến Thượng Lâm, đàn chim bỗng dừng lại, mỗi con đậu xuống một ngọn núi. Thấy chim bay rợp trời tìm chốn đậu, quan quân cả mừng những tưởng đã hoàn thành sứ mệnh vua ban. Không ngờ, khi các ngọn núi đã kín chỗ vẫn còn một con chim phượng bay lượn trên bầu trời. Thấy vậy, cả đàn chim lại vỗ cánh bay đi.
var AdBrite_Title_Color = ‘000000’; var AdBrite_Text_Color = ‘000000’; var AdBrite_Background_Color = ‘C3D9FF’; var AdBrite_Border_Color = ‘003366’; var AdBrite_URL_Color = ‘333333’;
Ðất Thượng Lâm dù không được thành nơi đô hội nhưng bù lại từ đó con gái nơi đây mới sinh ra đã đẹp như tranh.
Ðẹp đến độ mà con trai các vùng khác ai cũng phải cố đến Thượng Lâm một lần rồi mới về lấy vợ. Ðến làm gì, cũng chẳng có ai biết, cũng không ai hỏi. Cũng chỉ nghe kể lại có người trai đến đây, bất chợt nhìn con gái cười mà ngơ ngẩn mất cả tháng trời…
Ðến Thượng Lâm, du khách có thể tham quan du lịch lòng hồ Thủy điện Na Hang xuất phát từ bến Thượng Lâm. Nơi đây được ví như một Hạ Long trên núi với điệp trùng núi đá, nhiều hang động và một vùng lòng hồ mênh mông chứa nhiều sản vật quý như cá lăng tiến vua, cua đá mai vàng…
Và tất nhiên là cả những món ăn đặc sản mang đầy hương vị núi rừng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây như măng rừng, gà đen, lợn ‘cắp nách’, dê núi đá…
Không chỉ có vậy, đất Thượng Lâm hiện vẫn còn có ngôi chùa Phúc Lâm được khởi dựng ở thời nhà Trần lựa chọn Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống. Qua nghiên cứu các di vật lịch sử hiện còn lưu giữ tại chùa, như tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa xưa, các mảnh tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ độc đáo… cho phép khẳng định, ngôi chùa Phúc Lâm mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần (thế kỷ 13 – 14) và trải qua nhiều thời kỳ tồn tại cho tới các giai đoạn sau này.
Di tích Xưởng Quân khí H52 và địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả) là hai cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954, nơi có vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi. Xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc, chuyên sản xuất diêm tiêu làm thuốc súng (còn gọi là thuốc đen) đã đáp ứng một phần chế tạo vũ khí như lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường.
Ngoài những thắng cảnh, di tích nằm trên đất Thượng Lâm, các địa phương chung quanh đây còn có nhiều địa chỉ khác mang nhiều giá trị về khảo cổ, du lịch, lịch sử như: Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (xã Năng Khả); thắng cảnh thác Nặm Me, động Song Long, di tích hang Phia Vài (xã Khuôn Hà); di tích hang Phia Muồn (xã Sơn Phú); đền Pác Tạ (thị trấn Na Hang)…
Du ;ịch, GO! – Theo Nhandan