Các tộc người ở Tây Nguyên có những nét văn hóa khá độc đáo. Một trong số đó thể hiện trong các lễ hội, ẩm thực khi mùa xuân về, mùa mà những buổi lên rẫy đã tạm dừng, mùa mà con trai, con gái “thèm” mặc áo mới.

Ngày buôn làng thu hoạch mùa màng xong, theo người Ê Ðê gọi là Mnắm Thun, người M’Nông gọi là Mhăm Bar, Bri Rhair… Khi ấy cũng là lúc mùa xuân sắp về. Các gia đình làm thịt trâu, lợn, mời nhau cùng đến chia vui với gia đình, với buôn làng. Và cũng là dịp các gia đình cúng tạ ơn các thần thánh, tổ tiên, hồn lúa và cầu mong sức khỏe cho gia đình, người thân…

Người Ê Ðê thường sống gần rừng, làng cạnh suối, sông. Cuộc sống dựa vào thiên nhiên. Người Ê Ðê xem việc phát rẫy, làm nương, săn bắn là nguồn thu chính. Do vậy, từ trang phục, các món ăn thường bắt nguồn từ nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên.

Cứ mỗi độ xuân về, các chàng trai, cô gái Ê Ðê thường mặc những chiếc váy thổ cẩm mới, đó là sản phẩm được làm từ những bàn tay của những người chị, người mẹ. Dệt thổ cẩm có từ lâu đời và nay phát triển khá đa dạng, phong phú. Từ cái khung dệt thô sơ, cột vào trụ của các cột nhà sàn đến cái bật bông, tách hạt,… các mẹ, các chị đã làm ra những sản phẩm thổ cẩm mang đậm nét văn hóa, chủ yếu phục vụ trong gia đình. Nghề dệt thổ cẩm dần phát triển và trở thành một nghề, vừa làm ra những chiếc váy, chiếc áo, vật dụng mới cho con em mình, vừa là quảng bá một nghề truyền thống. Già làng Y Hen, ở Buôn Ðinh, xã Cư Liê M’Nông, huyện Cư M’gar (Ðác Lắc) bộc bạch: Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng, người Ê Ðê ở buôn này đã và đang giữ được nét văn hóa truyền thống của mình như ở nhà sàn, uống rượu cần, đánh chiêng, dệt thổ cẩm…

Văn hóa ẩm thực vùng Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng, song có nét chung là các dân tộc biết đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời có cách thức lưu truyền cho con cháu học hỏi và sử dụng mai sau. Theo lời kể của nghệ nhân dệt H’Uon, năm nay đã 74 tuổi, hiện ở Ea Tam, Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc): Thời trước, mỗi nhà đều tự dệt vải để mặc, ủ rượu cần để uống, tiếp khách. Ðời sống của bà con khổ lắm, cái đói, cái nghèo luôn thường trực. Ngày nay, nhiều gia đình kinh tế khá hơn, riêng gia đình mình vẫn tiếp tục làm nghề dệt và ủ rượu cần. Lúc đầu, mình không nghĩ có lãi, vậy mà nay sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Bên ché rượu cần, các món ăn của người Ê Ðê sử dụng các phụ gia hoàn toàn có ở trong rừng, quanh nhà, do vậy có những hương vị khá độc đáo. Tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi, nghe già làng kể về cách chế biến những món ăn truyền thống, không ít người ngạc nhiên bởi các món ăn đó đều được chế biến từ rau, củ sẵn có trong thiên nhiên. Trong các món ăn của người Ê Ðê vị cay luôn chiếm hàng đầu.

Chúng tôi đến buôn Tring, một buôn có nhiều đồng bào Ê Ðê nhất thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc). Buôn Tring hình thành cách đây gần 100 năm. Trước đây buôn có tên là Ea Ngo, nhưng do buôn thường tổ chức các lễ cúng (tiếng Ê Ðê gọi là tring) như cúng bến nước, thần núi, thần đất nên mọi người quen gọi là Tring. Nơi đây sản sinh ra truyền thuyết Dòng sông tóc, kể về một mối tình cảm động giữa hai chị em gái người

Ê Ðê với con trai của thần nước. Buôn Tring còn là quê hương của hai chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp (Y Vang và Y Jôn Niê Kđăm). Người dân buôn Tring luôn có tinh thần đoàn kết, luôn có ý thức trong lưu giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Già làng

Y Thin kể: Buôn Tring còn lưu giữ nhiều tập quán tốt của dân tộc mình và luôn được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền. Năm 2000, buôn được Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam hỗ trợ kinh phí để tu sửa bến nước, sắm lại bộ chiêng, phản nằm và ghế dài (Kpan). Mỗi dịp Xuân về, buôn Tring lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Từ ngày có nhà văn hóa do Nhà nước giúp buôn xây dựng, bà con có nơi sinh hoạt, nên cả buôn phấn khởi lắm. Nghệ nhân H’Li còn cho biết: Buôn Tring thành lập một HTX thổ cẩm với 40 người để vừa tạo việc làm cho con em trong buôn vừa lưu giữ một nghề truyền thống.

Những ngày Xuân ở Tây Nguyên, cũng là lúc đồng bào các dân tộc tổ chức lễ mừng năm mới. Trong lễ hội, ngoài cơm rượu no say còn có nhiều trò chơi như đẩy gậy, múa kiếm, bắn nỏ. Tất cả các lễ hội, các cuộc vui của đồng bào Tây Nguyên không bao giờ thiếu tiếng cồng chiêng. Nói đến cồng chiêng, chúng tôi nhớ tới

Y Nuếc, ở buôn Trấp, huyện Lắc (Ðác Lắc) và già làng Y Te, ở buôn M’Liêng, xã Ðác Liêng. Hai người có cái thú giống nhau là mê chiêng. Hiện Y Te vẫn còn giữ ba bộ chiêng quý với 30 chiêng lớn nhỏ. Y Te cho biết: Ðã không biết chiêng thì thôi chứ đã biết rồi thì mê nó lắm. Già và Y Nuếc tìm mọi cách để giữ cho được bộ chiêng của buôn làng, gia đình mình, cho dù có đói khổ đến đâu. Không chỉ vậy, hai ông luôn tìm kiếm, lưu giữ những bộ chiêng quý. Cứ mỗi độ Xuân về, tiếng chiêng lại ngân vang cả núi rừng làm cho mọi người rộn rã với tiết Xuân hơn trong những ngày mừng năm mới.

Theo Nhandan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *