(GLO)- “Nước sông Ba chảy cuồn cuộn, nhưng khi đến vực Trầm Hương thì dừng lại. Mặt nước lặng lẽ như mặt nước hồ thu và sắc nước xanh lặc lè như chàm đổ”. Những dòng đặc tả của Quách Tấn trong “Nước non Bình Định” khiến người đọc lập tức có ham muốn thưởng ngoạn vẻ đẹp tuyệt bích trên sông Ba-địa danh chỉ cách thị xã An Khê chừng 3 km về hướng Tây.
Vực Trầm Hương mà tác giả cuốn “Nước non Bình Định” nhắc tới đó chính là vực Bến Thuyền theo cách gọi của người dân. Trong ký ức của những người làm nghề đánh bắt cá trên sông Ba, vực Bến Thuyền luôn được họ nhắc đến như một “hố tử thần” bởi độ sâu không thể dò nhưng lại mang vẻ đẹp tuyệt bích, tựa như “mắt ngọc” trên dòng sông huyền sử.
< Hạ nguồn con sông Ba trong mùa khô nước cạn trơ đáy.
Người ta nói rằng, vào mùa khô dù nhiều đoạn sông kiệt nước, nhưng ở khu vực này, nước không khi nào cạn và luôn có một màu xanh rất lạ.
Từ mặt nước tới đáy sông có độ sâu 15-20 mét, chưa một người dân chài nào lặn được tới đáy. Về điều này, lão ngư Lê Văn Tựu-người nổi tiếng với biệt tài lặn sâu, xác nhận: “Mấy chục năm sống bằng nghề chài lưới trên sông Ba, tôi chưa từng thấy ai lặn được đến đáy vực. Bản thân tôi lặn có tiếng ở vùng này cũng chưa một lần dám lặn thử”.
Trên dòng huyền sử
Người xưa gọi khu vực nước sâu một cách khác thường này là vực Trầm Hương bởi gắn một huyền tích liên quan đến anh em nhà Tây Sơn.
Theo một số người già ở An Khê kể lại-câu chuyện có phần giống với cách lý giải của nhà văn Quách Tấn trong “Nước non Bình Định”, đoạn nói về vực Trầm Hương: Trên đỉnh hòn Cong có cây trầm hương rất lớn, hương thơm bay ngát cả vùng An Khê. Dưới thời Tây Sơn, cây trầm hương được bảo vệ nghiêm mật vì người Thượng coi đây là cây thần. Thuở ấy, người Thượng ở vùng An Khê đều một lòng theo anh em Tây Sơn.
Đến khi vương triều Tây Sơn diệt vong, quan nhà Nguyễn sai quân lính phải đốn hạ bằng được cây trầm hương, nhưng khi quân lính vừa kéo lên núi thì trời bỗng nổi mưa to gió lớn. Cây trầm hương trốc gốc bay cả thân lẫn gốc rễ xuống vực sông Ba rồi từ từ chìm xuống đáy.
Ở vị trí chôn vùi cây thần người ta gọi là vực Trầm Hương. Cây trầm hương bay xuống vực để lại nơi đỉnh hòn Cong một lỗ sâu thăm thẳm. Tuy ở trên đầu non, lỗ ấy quanh năm đều có nước. Người dân địa phương gọi là giếng Tiên.
Vực Trầm Hương sau này có tên gọi khác là vực Bến Thuyền. Tên gọi này phổ biến cho tới bây giờ. Theo ông Lê Văn Hiệp-trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã, tên gọi này có liên quan đến thời kỳ di dân từ miền xuôi lên miền ngược.
Là vùng đất cửa ngõ nối đồng bằng với các tỉnh Tây Nguyên, người miền xuôi muốn lên vùng thượng du đều phải qua An Khê. “Trước đây khi chưa có cầu bắc qua sông Ba, người dân từ đồng bằng muốn tiến sâu lên miền ngược đều phải đi đò qua sông Ba. Khu vực nước sâu trở thành bến đò nhộn nhịp đưa người qua sông, vì thế người ta gọi khu vực này là vực Bến Thuyền để dễ xác định vị trí. Tên Bến Thuyền ra đời từ đó”-ông Hiệp cho biết.
Giữa dòng trôi…
Những câu chuyện vừa thực vừa hư liên quan đến địa danh trên sông Ba càng gợi sự hiếu kỳ. Nhưng khu vực này, sau những biến thiên thời cuộc đã dần bị quên lãng.
Khi người Pháp làm cầu bắc qua sông Ba, không mấy ai còn lui tới khu vực Bến Thuyền. Nhiều người vẫn nhớ tên gọi nhưng không biết vị trí chính xác. Mặc dù chỉ cách thị xã chứng 3 km về hướng Tây, đoạn gần nhà máy đường An Khê, nhưng mất mấy buổi chiều chúng tôi mới đến đích nhờ sự nhiệt tình của một anh cán bộ phường còn trẻ nhưng “lớn lên trên lưng bò quanh khu vực Bến Thuyền”.
Vực Bến Thuyền bây giờ không khác những đoạn có dòng chảy trên sông Ba. Nước sông một màu đỏ quạch, lô nhô đá cuội, bạc màu dưới nắng mưa. Nếu anh phó Chủ tịch UBND phường An Tân-Lữ Văn Tâm không giới thiệu, hẳn chúng tôi không nhận ra đang đứng ở nơi được nhà văn Quách Tấn lột tả với vẻ đẹp tuyệt bích.
Nhìn dòng sông giờ như suối cạn, cây mai dương “tấn công” đôi bờ sông ra đến gần giữa dòng, anh Tâm bâng khuâng kể lại chuyện cũ: “Tuổi thơ của tôi gắn với vực Bến Thuyền nên thuộc từng gốc cây bụi cỏ ở đây.
Cách đây chừng 20 năm, nước sông xanh biếc, lũ trẻ chăn bò ngày nào cũng ngụp lặn dưới làn nước trong vắt, uống nước sông giải khát như cơm bữa. Ven bờ, cổ thụ nhiều vô kể, tỏa bóng mát cả một khúc sông dài. Nhiều cây lộc vừng cổ thụ ngả ra sông làm thành nơi nghỉ mát cho trẻ chăn trâu, cho những người đánh cá trên sông. Đến mùa hoa lộc vừng, sáng sớm hoa rụng đỏ mặt nước trong xanh…”.
Từ bờ sông nhìn lên thấy đỉnh Hòn Cong xanh ngắt như soi bóng xuống vực nước. Cảnh đẹp huy hoàng một thuở dù đã phai tàn nhưng vẫn khiến lòng người xao động, hay còn vì cảnh được lặng ngắm trong ánh tà huy cuối ngày…
Theo Hoàng Ngọc (Báo Gia Lai)
NISAVA TRAVEL!