Vịnh Xuân Đài (từng có tên vịnh Bà Đài) nằm cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 50km. Năm 1597, theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Lương Văn Chánh đem lưu dân và quân lính vào khai phá Phú Yên cuối thế kỷ 16.

Trong quá trình phát triển vịnh Xuân Đài từng là thương cảng quan trọng của miền Trung, cũng là căn cứ phòng thủ chiến lược, nơi đã diễn ra những trận thủy chiến lớn giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Năm 1887 tòa công sứ Pháp được đặt tại đây. Xuân Đài cũng là nơi đặt nền móng ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: năm 1832, vua Minh Mạng cử ngoại lang Nguyễn Tri Phương và tư vụ Lý Văn Phức làm việc với phái đoàn Hoa Kỳ do tổng thống Andrew Jackson cử đến vũng Lắm.

Dù đã được Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch công nhận thắng cảnh quốc gia đầu năm 2011, vịnh Xuân Đài vẫn còn là một sản phẩm du lịch “tươi nguyên” so với các tuyến điểm du lịch biển, đảo khác ít nhiều đã có thương hiệu.

Chúng tôi đến Xuân Đài (Phú Yên) vào giữa tháng 4 khi tiết trời khá lý tưởng: nắng đẹp, gió nhẹ, mặt biển yên bình. Cũng giống chuyến đi đầu tiên đến vịnh Vĩnh Hy cách đây khoảng mười năm, lúc vịnh biển đẹp của tỉnh Ninh Thuận còn hoang sơ chưa được nhiều du khách biết đến, vịnh Xuân Đài trong mắt chúng tôi hôm nay là một nàng tiên còn say giấc ngủ.

Thuê được thuyền đánh cá của dân địa phương, chúng tôi đi vòng quanh vịnh. Hiện ở khu vực này hoàn toàn không có phương tiện vận chuyển du khách trên vịnh, cũng không nhà hàng khách sạn, không dịch vụ vui chơi giải trí. Buổi sáng biển lặng, chiếc thuyền chở khoảng mười khách khởi hành từ cảng cá Dân Phước với tốc độ khoảng 15km/giờ.

Hải trình thật ngẫu hứng, phụ thuộc vào kinh nghiệm của cha con người chủ thuyền bởi thông tin về vịnh Xuân Đài của chúng tôi còn quá ít ỏi. Chủ thuyền vui tính, mến khách đọc cho đoàn nghe hai câu ca dao địa phương ca ngợi vẻ đẹp và sự gần gũi của vịnh Xuân Đài: Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào/ Vũng Dông, vũng Lắm, vũng nào cũng thương.

< Du khách phải tạm sử dụng tàu cá để khám phá vịnh còn hoang sơ.

Đại Nam nhất thống chí từng viết về vịnh Xuân Đài: “Phá Xuân Đài ở phía bắc huyện Đông Xuân, phía đông giáp biển, phía tây giáp cửa biển Vũng Lắm, phía bắc có vũng La, vũng Sứ và vũng Chào. Lại đầm Xuân Đài có tên nữa là đầm Phòng Câu ở thôn Tiên Châu”.

Vũng hình thành từ các ngọn núi lan ra mặt nước tạo thành hình vòng cung, mỗi vũng gắn với các điển tích và ăn sâu vào đời sống tinh thần của ngư dân trong vùng. Các vũng đều có người dân sinh sống, nhất là khi tỉnh Phú Yên đầu tư xây cầu nối con đường từ thị xã Sông Cầu vào khu vực vũng Mắm, vũng Dông, vũng Chào.

Thuyền chúng tôi đi vào khu vực vũng Chào khá sầm uất với những ngôi nhà khang trang, dưới bến tàu thuyền buôn bán hải sản nhộn nhịp: tôm hùm, ốc cầu may, ốc hương, cá mú… tươi ngon, giá lại rẻ đến bất ngờ!

< Hải sản tươi ngon, giá rẻ bất ngờ.

Với diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, chiều dài bờ khoảng 50km, du khách tha hồ khám phá vịnh Xuân Đài. Nếu đi dọc tuyến Long Hải Nam, Long Hải Bắc, cảng cá Dân Phước, du khách sẽ lần lượt đến với mũi Mù U, Nhất Tự Sơn, mũi Rùng, bãi Than, vũng Lắm, cù lao Ông Xá, gành Đỏ, gành Đèn và đi xa nữa là thắng cảnh gành Đá Đĩa… Còn nếu khởi đầu từ vũng Lắm sẽ đi qua vũng Dông, vũng Chào, mũi Cổ Cò, vũng Sứ, bãi Nhỏ, cửa Chùa, mũi Gành Tướng, vũng Me, vũng La, rồi ra hòn Móm…

Vịnh xanh Xuân Đài

Vịnh còn có những bãi biển đẹp như bãi vũng Lắm, bãi Than, bãi Nhỏ, bãi Trước… Thỏa thích vẫy vùng dưới làn nước trong xanh, du khách có thể câu cá, lặn ngắm san hô hoặc mắc võng trên những cây dừa nằm sát biển tận hưởng làn gió biển trong lành, thả hồn vào giấc ngủ say nồng.
Hãy đến với vịnh Xuân Đài lúc này, khi nàng tiên còn đang say giấc!

NISAVA TRAVEL! – Theo Dulich Tuoitre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *