Những cung đường Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh hay đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa vẫn có sức hấp dẫn nhiều người. Những ngày này, đến đây bạn sẽ trở về với một thời cả dân tộc “gùi trên vai súng đạn ra hỏa tuyến”…  

< Tượng đài Chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh.

Muốn về thăm đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn thời kỳ công nghiệp hóa đối với du khách các tỉnh Tây nguyên hoặc các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ thì quá dễ dàng, cứ ngược đường lên phía tây là đến. Còn với các du khách từ TP.HCM thì ngược đường lên Bình Phước rồi thẳng ra hướng Bắc hoặc nếu từ các tỉnh phía Bắc đi vào thì lấy bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm khởi điểm.

< Xe tăng quân giải phóng trưng bày tại thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kontum.

Đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn công nghiệp hóa được hình thành trên cơ sở tuyến đường Trường Sơn đông. Nếu bắt đầu khởi hành từ Bình Phước đi qua cung đường dài đến Buôn Ma Thuột, bạn sẽ thấy những cánh rừng cà phê, cao su bạt ngàn. Trên đường đi, khách du lịch thường không quên ghé thăm sóc Bom Bo của đồng bào dân tộc Stiêng, nơi nổi tiếng với ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng hoặc bản Đôn, nơi thuần hóa voi ở Đắc Lắc.

Điểm đến tại địa bàn tỉnh Kontum là chiến trường xưa Đắc Tô – Tân Cảnh. Nơi đây, trong chiến tranh, chính quyền Sài Gòn từng xây dựng tuyến phòng thủ khá mạnh với lời tuyên bố nổi tiếng: “Khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược thì Việt cộng mới đánh được Tân Cảnh”. Đến đây, bạn đừng quên nhìn về hướng đồi Sạc Ly – một trong những điểm cao trong trận Đắc Tô – Tân Cảnh đã bị quân ta bẻ gãy và thắp một nén hương ở nghĩa trang Đắc Tô – nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên tuyến tây Trường Sơn và ngay tại chiến trường này.

Ngược lên thị trấn Pleicần (huyện Ngọc Hồi) là thẳng đường lên cửa khẩu Bờ Y, nơi nối liền Kontum và A Tô Pơ (Lào). Mặc dù ở khu vực cửa khẩu này chỉ có một siêu thị bán hàng miễn thuế và ở đây quán xá cũng không nhiều, nhưng đã mở ra một triển vọng mới về phát triển kinh tế xã hội giữa nước ta với nước bạn Lào.

Từ cửa khẩu Bờ Y chếch về hướng đông bắc chừng 18km với những cung đường đèo dốc, bạn sẽ đến ngã ba Đông Dương (hay còn gọi là vùng tam biên) giáp nước bạn Lào, Campuchia. Trong kháng chiến chống Mỹ, những binh đoàn sau khi vượt tây Trường Sơn đã về vùng này rồi tiếp tục hướng về Nam hoặc tiếp tục hành quân về các tỉnh duyên hải miền Trung qua Đắc Tô – Tân Cảnh.

< Thác Mônica ở huyện Nam Giang, nằm bên đường Hồ Chí Minh.

Từ thị trấn Ngọc Hồi theo đường Hồ Chí Minh ngược ra phía Bắc chừng 50km du khách sẽ đến huyện Đắcglei. Đây là vùng đất mà nhà văn Nguyên Ngọc từng gắn bó để viết tác phẩm Rừng Xà Nu nổi tiếng.

Tại huyện Đắcglei, du khách vượt khoảng 38km về hướng đông là đến nhà ngục Đắcglei mà bây giờ gọi là ngục Tố Hữu. Nơi đây, giai đoạn từ năm 1936-1939, thực dân Pháp đã giam cầm những tù chính trị. Di tích nhà ngục này đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1991. Nhà ngục Tố Hữu  nằm dưới chân núi Ngọc Linh cao trên 2.500m – nơi nổi tiếng với loài sâm quý – sâm Ngọc Linh.

< Công trình thủy lợi bên đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Rời Đắcglei vượt qua đèo Lò Xo là đi vào địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn trong chiến tranh là vùng chiến trường nhưng bây giờ là một thị trấn bề thế nhất miền tây Quảng Nam. Có người gọi đây là thị trấn “vàng” vì có nhiều người đi đào đãi quặng đến vùng đất này tìm cơ hội.

Từ thị trấn Khâm Đức theo đường Hồ Chí Minh về huyện Nam Giang, bạn hãy dừng chân ở thác Mônica nằm bên đường Hồ Chí Minh. Dòng thác này đi vào lịch sử của tình hữu nghị bởi năm 1974, hoàng thân Xihanúc cùng vợ trên đường về Campuchia được đoàn 559 hộ tống qua đây, thấy thác đẹp nên dừng chân ngắm, từ đó dòng thác mang tên của bà.

Rời thác Mônica ngược đường ra, du khách hãy dừng chân ở bến Giằng, bến đò Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) và xa hơn là dốc Cổng Trời ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là những “tọa độ lửa” trong chiến tranh chống Mỹ. Đã có nhiều bộ đội, TNXP hy sinh trên cung đường này.

Vượt qua huyện Tây Giang, đi vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, bạn sẽ có cơ hội dừng chân bên cầu treo Đắc Rông chụp hình kỷ niệm trước khi đến Quảng Trị. Có khá nhiều điểm đến chờ bạn như sân bay Tà Cơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu và nếu còn thời gian thì theo trục đường 9, bạn hãy ghé thăm Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết phò giá ra đây rồi phát hịch Cần Vương sau khi triều đình Huế thất thủ; thăm cửa khẩu Lao Bảo – cửa khẩu bề thế nhất trong các cửa khẩu nối với nước bạn Lào.

< Di tích nhà ngục Tố Hữu.

Từ đường Trường Sơn xuôi về đông, du khách sẽ ngắm nhìn sông Thạch Hãn lững lờ trôi qua những ruộng bắp xanh rờn, thăm cổ thành Quảng Trị ghi dấu tích oai hùng của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt, đến Quảng Trị du khách đừng quên ghé nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thuộc huyện Gio Linh, thắp nén hương trên mộ những liệt sĩ hy sinh cho cung đường Trường Sơn vươn dài ra phía trước.

Rời Quảng Trị theo đường Hồ Chí Minh ra Quảng Bình, du khách ghé bến phà Xuân Sơn, thăm đường 20 quyết thắng, hang Tám Cô, thăm động Phong Nha, di sản văn hóa thế giới.

< Bom đạn của quân đội Mỹ trưng bày ở di tích sân bay Tà Cơn, tỉnh Quảng Trị.

Điều đáng nói là theo trục đường Hồ Chí Minh, đi qua từng chặng bạn sẽ thấy những tấm bia ghi nhớ tên đườngTrường Sơn đông trong chiến tranh. Trên cung đường này, bạn còn được tha hồ ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, những cung đường quanh co ngoạn mục cũng như tìm hiểu những di tích lịch sử, biết những tên đất tên làng đi vào huyền thoại Trường Sơn.

Nếu có thể, bạn hãy ghé thăm những buôn làng của đồng bào dân tộc Xê Đăng, Giẻ Triêng, Cơ Tu, Pa Cô, Vân Kiều để hiểu rõ hơn về đời sống và những đóng góp của đồng bào dân tộc trong việc gùi súng đạn, mở đường cho mạch nối của Trường Sơn xưa… cũng như nhìn thấy sự quy mô của những công trình như thủy điện Ya Ly, A Vương, sông Tranh nay.

VÕ QUÝ CẦU
Dulichtuoitre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *