(VH&ĐS) – Nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương, lại có di chỉ khảo cổ học hang Con Moong nổi tiếng trong và ngoài nước, xã Thành Yên (Thạch Thành) có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch.
Đặc biệt với Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong ở thôn Thành Trung, từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc thu hút du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu. Bởi, trong sâu thẳm, trầm tích của hang Con Moong, những dấu vết của người tiền sử vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn minh chứng cho nền văn hóa từ thời đại đá cũ sang đá mới.
Hang Con Moong (thuộc bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) nhiều năm nay được biết đến như một di chỉ khảo cổ học độc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á bởi tính chất đặc biệt của nó. Hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang hầu như còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như khỉ, gấu, hoẵng, nai rừng.
Hang Con Moong đã được Sở VH, TT&DL Thanh Hóa làm hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hang cùng với động Người xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long và hang Lai, hang Diêm, hang Mang Chiêng, hang Lý Chùn đã tạo thành một quần thể di tích độc đáo, đặc trưng cho sự tương thích của con người với môi trường hang động đá vôi.
Nhờ tiếp giáp với rừng Cúc Phương, Thành Yên có không khí trong lành, mát mẻ, cảnh vật hoang sơ. Đó là những điều kiện thuận lợi để Thành Yên tận dụng tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, lịch sử.
Đến với Thành Yên, ngoài khám phá cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nơi đây còn có những món ăn dân dã mà thiên nhiên ban tặng như: ốc đá, ốc suối, chấu chôm, cá niếc, măng đắng, củ mài….
Trong số đặc sản ấy có thể nhắc đến món ốc đá mà bất cứ ai lên Thành Yên từ tháng 4 đến tháng 9 mà chưa được thưởng thức thì xem như chưa biết đến Thành Yên.
Loài ốc này to bằng chén uống nước, thân dẹt, màu trắng sữa chỉ sống trong hang núi đá, khe suối. Ở nhiều xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, Thành Yên được xem là nơi có nhiều ốc đá và thơm ngon nhất. Ốc đá ở đây mỏng vỏ, dày ruột, có hương vị thơm ngon. Người dân Thành Yên vẫn hay gọi loài ốc này với tên khác là ốc thuốc do ốc thường ăn các loại lá cây, quả và thảo dược trong rừng. Ốc đá có thể chế biến thành nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là món ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc.
Cùng với đó là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường với những con người mến khách, thân thiện. Họ sẵn sàng cất lên câu xường mượt mà, da diết, tiếp khách bằng chén rượu thơm nồng, xôi nếp cái hoa vàng dẻo, béo mà chẳng bao giờ toan tính.
Chủ tịch UBND xã Thành Yên Trương Văn Gương cho biết: “Trong định hướng phát triển KT-XH của mình, Thành Yên cũng đã chú trọng đến tiềm năng sẵn có của địa phương, xây dựng lộ trình phát triển du lịch sinh thái – lịch sử, hướng đến Năm Du lịch Quốc gia 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về đường đi, người dân chưa có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về làm du lịch cộng đồng.
Hiện mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu về hang Con Moong cũng như các hang, động khác, nhưng do đường vào xã mới là đường cấp phối, mùa mưa ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại nên đã hạn chế rất nhiều.
Nếu hang Con Moong được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới sẽ là động lực để Thành Yên phát huy giá trị của di sản, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Theo Ngọc Huấn (Văn Hóa & Đời Sống)
NISAVA TRAVEL!
Bí ẩn hang Diêm