Làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cách TPHCM chỉ chừng 40km, với những vườn bưởi sum sê trái, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh cùng hương vị của nhiều món ăn dân dã, sẽ là điểm đến lý tưởng cho cư dân thành phố trong một chuyến đi đổi gió cuối tuần.
Từ TPHCM, xuôi theo xa lộ Hà Nội, qua quốc lộ 52 về thành phố Biên Hòa rồi theo đường sông hoặc quốc lộ 24 chừng 3 – 4 cây số nữa là đến làng bưởi Tân Triều.
Ngôi làng này nằm trọn vẹn trong cù lao Tân Triều, mảnh đất được bồi đắp bởi phù sa sông Đồng Nai. Theo lời kể của người dân, vùng đất màu mỡ nhờ phù sa nhưng hay ngập nước nên không thể trồng hoa màu, lúa như nhiều vùng khác. Thử nghiệm, trăn trở mãi, người Tân Triều phát hiện ra chỉ có cây bưởi là sống tốt, sống khỏe trên đất. Một nhà trồng bưởi thành công, cả làng học theo, nhà nhà trồng bưởi.
Giống bưởi được chọn là bưởi đường lá cam, vỏ xanh mịn, ruột có vị ngọt đậm pha chút chua thanh, đặc biệt không hậu đắng. Sau này, dù người dân cù lao Tân Triều đã trồng thêm nhiều giống bưởi mới, mang từ vùng khác về như bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Năm roi (Vĩnh Long) hay bưởi Long, bưởi Xiêm… nhưng khách phương xa về làng bưởi vẫn chỉ thích ăn nhất bưởi đường lá cam.
Mấy năm trở lại đây, người làng bưởi đã biến những vườn bưởi nhà mình thành khu du lịch sinh thái, phục vụ những người thành phố ngày ngày mệt mỏi với khói bụi giữa những khối bê tông nóng bỏng. Một trong những khu đầu tiên là làng bưởi Năm Huệ, mang tên của ông chủ vườn. Đến đây, điều thú vị nhất là du khách sẽ được thưởng thức những món ăn, thức uống từ bưởi như gỏi bưởi và rượu bưởi.
Ông Huỳnh Đức Huệ, thường gọi là ông Năm Huệ, chủ cơ sở Làng bưởi Năm Huệ cho biết, gỏi bưởi ở Tân Triều có vị riêng, ngon đặc biệt nhờ được làm bằng công thức và nguyên liệu truyền thống. Đó phải là các tép bưởi của giống bưởi đường da xanh vừa chín tới trong vườn, đem trộn với tôm bắt dưới sông còn tươi nguyên, cùng ớt trái, hành tây, ngò, đậu phộng. Lấy bánh tráng hay bánh phồng xúc gỏi bưởi, nhấp thêm một miếng rượu bưởi thơm nồng, nhẩn nha nhấm nháp giữa vườn lồng lộng gió sông thì thú vị vô cùng.
Nói đến rượu bưởi, người làng bưởi lại kể chuyện mình kỳ công ra sao để tạo nên thứ nước uống đặc biệt này. Theo ông Năm Huệ, để biến bưởi thành rượu như hôm nay thì ông phải mất mấy năm ròng rã hết ủ bưởi, lên men lại đến mời mọi người uống thử để lấy ý kiến tham khảo. Khen chê mãi, cuối cùng bưởi cũng thành rượu; mà lại ngon không ngờ, vừa ngọt, vừa êm, uống say lúc nào không hay.
Chưa hết, ông Năm Huệ còn muốn rượu bưởi thì phải đựng trong… trái bưởi. Vì vậy, ông chủ của mảnh vườn vài hecta trồng bưởi này lại đi nhờ thợ sành, sứ chế tạo bình đựng mang hình trái bưởi vỏ xanh, núm hơi vẹo. Ông ta cười hỉ hả giải thích: “Núm có vẹo mới đúng hình trái bưởi nhen, vì bưởi mọc thành chùm nên luôn luôn vẹo đầu”.
Về làng bưởi, bạn sẽ có ngày cuối tuần sống giữa thiên nhiên trong lành, vui những thú vui của vùng quê thôn dã như ra vườn hái bưởi, chèo thuyền, câu cá, nghe ca nhạc tài tử… Đi giữa vườn bưởi trĩu cành, bạn có thể tự hái những trái bưởi theo ý thích để dành làm quà cho bạn bè.
Người làng bưởi vẫn giữ truyền thống, tính chục mười hai quả chứ không phải chục mười quả như thời hiện đại. Mua bưởi, chọn bưởi cũng là cách bạn chia sẻ phần nào với niềm hạnh phúc của người nông dân một nắng hai sương khi gặt hái thành quả lao động của mình sau bao tháng ngày chờ đợi. Còn với trò câu cá, biết đâu bạn sẽ kiếm được một mẻ cá lớn rồi nhờ nhà hàng “xử” ngay tại chỗ hoặc mang về nhà, cải thiện bữa ăn chiều với chút hương vị đồng quê…
Theo SaigonTimes