Đã nhiều lần được đến những vùng địa đầu của Tổ quốc, nhưng những chuyến đi tới miền biên ải ở phía Bắc vào dịp Xuân về luôn để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm hơn cả. Tôi đã đi Lạng Sơn. Tôi đã tới Cao Bằng và Hà Giang. Tôi đã về với Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Mùa Xuân ở miền biên ải phía bắc của Tổ quốc có những nét đặc biệt riêng mà mỗi lần có dịp đến thăm lại khiến du khách như tôi cảm nhận xốn xang và thân thiết rất khác nhau.

Mỗi chuyến đi đều là những trải nghiệm duy nhất và đều đưa tôi lạc vào những cung bậc cảm xúc khác nhau – dễ nhận cảm nhưng thật khó diễn đạt hết bằng lời.

Trong những lần đi về miền biên ải vào độ Xuân về như thế, gần như lần nào cũng vậy, tôi thường bắt gặp mình miên man trong thẳm sâu của nhận thức tìm câu trả lời có thể lý giải cho cảm nhận đặc biệt ấy. Phía bắc của đất nước ta đồi núi chập trùng. Lần theo những cung đường leo lên dãy Hoàng Liên Sơn hay Tây Côn Lĩnh, thấy bản thân mình nhỏ nhoi như thế nào trước thiên nhiên hùng vĩ và không thể không bị choáng ngợp bởi không gian bao la, vờn vỗ gió mây. Có đến Cao Bằng mới hiểu hết nghĩa của câu ca dao “Mình về nuôi cái cùng con/ Để anh trảy hội nước non Cao Bằng”. NISAVA

Thật ra, câu ca dao này, với tất cả ý nghĩa của nó, có thể dùng chung cho cả vùng biên ải phía bắc này. Cũng núi cao ngất trời và sông sâu chảy xiết, cũng những rừng cây rậm rạp và những vạt ngô trải dài, nhưng dường như không nơi nào giống hệt nơi nào. Vẫn là sự đan xen giữa thiên nhiên hoang dã và sự khai phá của con người, mà mỗi nơi vẫn có nét riêng. Cái giống nhau là thời tiết và sự đâm chồi nảy lộc của cây cỏ mà chỉ thấy rõ nét ở vùng núi cao phía bắc này mỗi độ Xuân về.

Và hoa. Hoa đào và hoa mai. Có lẽ sự xuất hiện của những chồi lộc, nụ và hoa của hai loại hoa này là bằng chứng rõ nét nhất và tạo tác động mạnh mẽ nhất khiến du khách cảm nhận ra khí Xuân đang dần dâng trào và lan toả. Cô bạn gái của tôi đã lãng mạn hoá bầu không khí ấy bằng ngôn từ “những hơi thở nhẹ đầu tiên của mùa Xuân”. Tôi đã được đi qua những vùng trắng xoá hoa mai. Tôi đã từng được thấy cả những vườn đào nụ hoa chớm nở lẫn những cây đào đơn lẻ mà cái mới mẻ của hoa lá tương phản đến mức tưởng không thể trái ngược được hơn với diện mạo dáng gốc già nua quá thể của chúng. Chúng không chìm nghỉm giữa cái mênh mông đến bao la của rừng núi mà nổi bật và cuốn hút. Chúng làm sáng lên cả thiên nhiên xung quanh. Cả những cảm nhận này về hoa và mùa Xuân đều không thể có được ở nơi kinh kỳ hay đồng bằng.

Tôi đã lang thang ở nhiều phiên chợ ở vùng cao này và dễ dàng cảm nhận được “những hơi thở nhẹ đầu tiên của mùa Xuân” ở đó. Những sản phẩm đặc thù và cách thức mua sắm của bà con đủ để du khách thấy được rằng phong tục tập quán đón Xuân ở mỗi vùng mỗi khác. Có bán con lợn và mua con gà như phiên chợ thường. Có lá dong gói bánh Tết và giấy màu để trang trí nhà. Có cái sôi động hơn hẳn ở khu mua bán vải và quần áo mới. Có cái náo nhiệt và gấp gáp của chuẩn bị đón Xuân giữa khi công việc đồng áng và rẫy nương vẫn chưa hết. Có cái hồ hởi và hối hả ở mọi con người. Mùa Xuân đang về và dường như ai cũng muốn nhanh chóng hoàn tất mọi công việc cần phải làm để tĩnh tâm đón Xuân và yên tâm chơi Xuân. NISAVA

Tôi đã từng nếm thử thắng cố và đã đôi lần ngất ngư rượu ngô với đồng bào vùng cao nơi đây. Tôi đã có dịp trò chuyện với rất nhiều người, và cảm nhận sâu sắc rằng người Việt Nam ở mọi nơi trên đất nước có cách đón Xuân khác nhau, nhưng lại rất giống nhau ở chỗ đều coi mùa Xuân là dấu mốc quan trọng và đầy ý nghĩa trong cuộc sống, như sự khởi đầu mới dẫn dắt đến cái tốt đẹp và tươi vui hơn trong năm tới. Dẫu năm qua có như thế nào thì mùa Xuân cũng đưa lại hy vọng và niềm vui cho cả năm mới.

Trong những lần đi về miền biên ải mùa Xuân ấy, tôi còn được tới thăm bộ đội biên phòng và những cột mốc biên giới ở giữa núi rừng hoang vu hay nơi cửa khẩu giữa nước ta và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Lần nào cũng vậy và ở đâu cũng thế – đều xúc động và thấy đặc biệt thiêng liêng. Đến những nơi địa đầu Tổ quốc, ta thường cảm nhận rất rõ về tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc, càng cảm phục và biết ơn bao thế hệ người Việt Nam đã lao động và hy sinh vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước vào Xuân và người Việt Nam đón Xuân như truyền thống, trong khi có biết bao người như các anh chị bộ đội biên phòng phải tổ chức ăn Tết sớm để làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, đặc biệt trong những ngày Xuân.

Nhạc sỹ Tân Huyền có bài hát “Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc”. Bài hát này được nhạc sỹ sáng tác từ lâu nhưng tôi thấy luôn rất đúng với cảm nhận của tôi mỗi khi đi dọc ngang đất nước. Về với vùng biên ải và tới những nơi địa đầu của Tổ quốc trong dịp Xuân về, cảm nhận đó càng đặc biệt sâu đậm.

Theo Thuận Phương (Quê Hương)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *