(TQĐT) – Cơn mưa rào từ đêm làm cho con đường lên làng Dùm vốn đã khó đi, nay lại khó hơn vì bùn đất và trơn trượt…
Chuyến đi về làng Dùm cùng ông Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tuổi đã hơn 50, chốc chốc dừng xe bảo: “Xe chết máy thì dừng xe, tắt máy khởi động là đi tiếp được thôi”. Ông cười lạc quan, nhưng tôi hiểu những khó khăn đối với bà con làng Dùm thuộc tổ 19, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) dường như chẳng còn ý nghĩa…
“Một chốn, họp đôi nơi”…
Chiếc xe Dream “chiến” làm bạn với ông Khổng Khắc Minh gần hai chục năm nay với “chức” Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ 19, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Ông Minh bảo có lẽ đây là một tổ dân cư “heo hút” nhất của thành phố. Tổ có 86 hộ thì có 40 hộ nằm biệt lập trên đỉnh núi, cả tổ có vài chục nếp nhà mà chia rạch ròi ra làm thành hai cụm, cách xa nhau 6 cây số, vượt đèo dốc đi từ cụm này lên cụm kia cũng mất cả tiếng đồng hồ.
Đường khó, bà con ngại đến với mình thì mình phải đến với họ thôi, muốn họ tin, họ hiểu và làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì mình phải gần họ, vận động họ mới được.
Câu nói giản đơn này, ấy thế mà đã trở thành động lực để người Bí thư chi bộ, tổ trưởng gắn bó với làng Dùm bấy lâu nay. Cùng với các đảng viên chi bộ, ông Minh đã bao lần vận động bà con làng Dùm áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, cấy hái mùa vụ, xây dựng 3 công trình vệ sinh, vận động bà con cho con em đến trường đúng độ tuổi… Ông Minh cho biết, bà con ở làng Dùm với hơn 100 nhân khẩu là người Dao, trước đây nếp nghĩ cách làm của bà con còn lạc hậu lắm. Gợi về chuyện trước kia, khi gia đình vợ chồng anh chị Chu Văn Thanh – Đàm Thị Thanh có 4 cô con gái, hai vợ chồng anh làm thuê quanh làng nhưng cũng không đủ tiền lo cho con ăn học.
Gia đình anh thuộc hộ nghèo của tổ, được Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh làm nhà ở, bà con chòm xóm đóng góp ngày công dựng nhà cho vợ chồng anh, rồi vì đói, anh bán cả mái phi brô xi măng để lấy tiền đong gạo, cả nhà nheo nhóc vào mãi trong hẻm núi ở. Năm ấy, ông Minh cũng trăn trở lắm, ông cùng các đảng viên trong tổ họp bàn nhau lại tìm hướng vận động, giúp đỡ gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Ông cùng các đảng viên thường xuyên đến với gia đình anh, lắng nghe chia sẻ của gia đình rồi giới thiệu một số nơi cần tuyển người làm thêm để giúp anh tìm việc làm tăng thêm thu nhập. Thế rồi, với sự kiên trì, ông Minh đã vận động anh chị về dựng lại nhà ở tổ, cho các con đi học đầy đủ. Chị Đàm Thị Thanh bảo với tôi: “Năm nay, gia đình mình sẽ cố gắng vươn lên thoát nghèo, chăm chỉ làm ăn để có điều kiện lo cho các con được học cái chữ”.
Các buổi sinh hoạt chi bộ hay họp tổ nhân dân, ông Minh đều chia ra họp thành hai cụm, cả chuyện hàng năm tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng chia thành hai nơi. Chi bộ có 4 đảng viên thì có 2 đảng viên ở làng Dùm đây chính là những nhân tố nòng cốt tuyên truyền, vận động bà con tin theo Đảng và Nhà nước.
Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên chủ yếu bàn các giải pháp nhằm định hướng, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng gia phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Đến nay bà con chẳng còn có ai có tâm tư trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa. Ông Minh phấn khởi khoe: “Năm 2013, tổ đã có 7 hộ thoát nghèo, hiện cả tổ chỉ còn 6 hộ nghèo, riêng làng Dùm còn 3 hộ, trong năm nay chi bộ, tổ nhân dân sẽ phấn đấu vận động, giúp đỡ bà còn thoát nghèo được bền vững”.
Thắp sáng niềm tin
Quanh làng Dùm còn giữ được khá nhiều ngôi nhà sàn truyền thống. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, nên nhiều hộ đã xin xây dựng nhà sàn cột bê tông, vừa giữ được nét đẹp truyền thống vừa có chỗ ở chắc chắn. Từ năm 2003 đến nay cả tổ có 17 nhà được Nhà nước hỗ trợ chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo.
Bên cạnh việc bảo vệ, trồng và phát triển rừng, những khoảng đất đồi vườn trước đây không cho hiệu quả cao trong canh tác thì nhiều hộ dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. Thăm gia đình ông Nguyễn Văn Khởi, hộ có hơn 1 ha cây ăn quả như: Hồng, cam và ổi “Giống hồng, cam Vinh hay ổi rất phù hợp với đất đồi ở đây. Tuy triền đồi cao nhưng độ màu còn khá nhiều, cây vẫn hút được nhiều chất dinh dưỡng từ đất, ngoài ra mình chẳng phải tốn công chăm sóc, cây cho quả sai và đều lắm”.
Chẳng cách bao xa, vườn hồng đang ra hoa của gia đình ông Đặng Văn Thọ cũng xanh tốt không kém. Những gốc hồng ở núi Dùm có tuổi thọ hơn chục năm nhưng không bị thoái hóa cũng bởi một phần khí hậu và chất đất phù hợp. Chỉ tính riêng năm 2013, mỗi gia đình trồng cây ăn quả thu về khoảng 40 triệu đồng. Trên núi Dùm hiện có gần 2 ha cây ăn quả như hồng, ổi, bưởi, cam Vinh, mỗi năm cũng cho bà con 6 tấn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Vinh dự hơn khi những trái quả thơm ấy của bà con núi Dùm cũng góp phần tô điểm thêm cho Mâm cỗ Trung thu nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam của thành phố Tuyên Quang ngày rằm tháng 8 – 2013.
Một điều lạ là ở đây, mỗi nhà đều có 1-2 ao cá, hẹp thì 300 m2, rộng thì tới 800 m2, hàng năm cho sản lượng gần 4 tấn cá. Ngoài cá, bà con còn nuôi nhiều dê. Ông Vương Văn Vinh và bà Thèn Thị Nhọt bảo: “Nuôi cá là nguồn thức ăn cho gia đình, còn nuôi dê, nuôi lợn rừng để bán”. Gia đình ông Vinh mua dê giống ở quê cũ xã Đạo Viện (Yên Sơn) ban đầu là 2 cặp dê bố mẹ, bây giờ cả đàn có hơn chục con.
Dê giống của gia đình ông Vinh được cả khách mãi tận huyện Sơn Dương, Yên Sơn tìm mua, bởi giống dê không bị thoái hóa hay lai tạp, nạc thịt. Chỉ về đàn trâu 3 con, đàn lợn rừng được chăn nuôi trong chuồng trại cẩn thận ông Vinh bảo: “Mình là nông dân, chỉ cần chăm chỉ, cần mẫn chút thôi là sẽ thoát nghèo thôi mà”. Năm 2010, gia đình ông Vinh thuộc diện hộ nghèo, nhờ cần cù lao động hiện nay gia đình ông đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Ở làng Dùm có các khu rừng phòng hộ và rừng trồng sản xuất. Những năm gần đây, bà con nghe theo sự tuyên truyền, vận động của cán bộ kiểm lâm, phường Nông Tiến, tổ nhân dân, bà con làng Dùm nhất nhất bảo vệ rừng, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc. Anh Nông Văn Cánh có hơn 2 ha rừng keo đã hơn 5 năm tuổi, nhìn về khoảng rừng xanh thẫm, anh bảo: “Rừng là “của để dành”. Mình mà bảo vệ rừng, trồng rừng thì sẽ cho lợi ích cả cộng đồng và từng cá nhân mỗi gia đình”. Từ khi thoát nghèo năm 2013, anh Cánh phấn khởi lắm. “Lấy ngắn nuôi dài” là phương châm làm kinh tế của anh, trồng rừng cần thời gian dài nên anh cùng người thân nuôi lợn nái để bán lợn giống, trồng 5 sào ruộng, vài sào ngô. Những lúc nông nhàn, anh lại tranh thủ đi làm thêm ở những xưởng mộc quanh vùng để tăng thêm thu nhập.
Bình quân thu nhập ở làng Dùm giờ đã đạt trên 1,1 triệu đồng/người/tháng, tuy còn lắm những khó khăn phía trước, nhưng trên mỗi gương mặt, những nụ cười tươi tắn của người dân nơi đây vẫn luôn rạng ngời, với họ niềm tin theo Đảng, Nhà nước sẽ được thắp lên mỗi ngày. Rồi đây, khi con đường, ánh điện sớm được khởi công xây dựng sẽ là động lực khuyến khích bà con tăng gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo Thùy Linh (báo Tuyên Quang)
NISAVA TRAVEL!