Đường Lâm nổi tiếng không chỉ bởi là làng duy nhất trong cả nước có hai vị vua danh tiếng lẫy lừng Phùng Hưng và Ngô Quyền, vùng đất này còn có những ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại hàng trăm tuổi…

Là làng cổ đầu tiên được công nhận Di tích Lịch sử văn hoá quốc gia (năm 2006), vùng đất xứ Đoài này còn có rất nhiều nét đặc trưng quyến rũ. Đó là kiến trúc đá ong rêu phong trăm tuổi; là văn hoá thôn quê hồn hậu, chất phác, tình cảm, giản dị nhưng cũng rất lịch lãm, văn hiến; đó là cảnh sơn thuỷ hữu tình mang đậm nét xưa với dày đặc các điểm di tích lịch sử văn hoá: Chùa Mía, đình cổ Mông Phụ, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…

Làng cổ Đường Lâm được hình thành cách đây hàng nghìn năm, nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 45km về phía Tây theo quốc lộ 32.
Đường Lâm là tên gọi xưa, ngày nay phạm vi làng cổ này gồm toàn bộ 5 thôn ở khu vực trung tâm xã Đường Lâm: Cam Thịnh, Mông Phụ, Đoài Giáp, Đông Sàng, Cam Lâm.

Khu vực này gần như còn nguyên vẹn hình ảnh thanh bình của làng Việt cổ Bắc Bộ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, ao sen, nhà cổ… cùng những con người chân chất, mộc mạc với nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán được gìn giữ từ xa xưa.
Bên cạnh chất “văn hoá làng” đặc trưng, với 21 di tích văn hóa vật thể, trong đó 10 di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, có lẽ Đường Lâm cũng là làng giữ kỷ lục quốc gia về số lượng di tích.

Nét độc đáo nhất ở làng cổ Đường Lâm là những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm tuổi với vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong. Tại thời điểm làng cổ Đường Lâm được công nhận Di tích Lịch sử văn hoá quốc gia (tháng 5/ 2006), làng có hơn 800 ngôi nhà cổ, trong đó 140 ngôi nhà trên 100 tuổi, nhiều nhà được làm cách đây hơn 200 năm.

Căn nhà lâu đời nhất đã ngoài 400 năm vẫn còn lưu giữ được bản văn tự chữ nho viết trên một tấm ván. Nhà cổ ở Đường Lâm thường theo kiểu “nội tự – ngoại khách”, sân nhà làm thấp hơn mặt đường. Khi trời mưa, nước tụ về sân nhà rồi mới thoát ra cống. Kiểu kiến trúc này với ngụ ý sinh tài lộc cho chủ nhân theo triết lý “tụ thủy sinh tài” của người xưa. Hệ thống đường trong làng cổ Đường Lâm cũng được thiết kế theo hình xương cá và lát gạch nghiêng rất đặc biệt…

Đường Lâm được nhiều người coi là “đất anh hùng”, “đất thiêng” vì nơi đây đã sinh thành nhiều bậc danh nhân, trong đó sử sách đã ghi danh  Thám hoa, sứ giả Giang Văn Minh (1638 – 1753) nổi tiếng uyên bác với câu đối lưu danh thiên cổ “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ) khi đối đáp với vua nhà Minh (Trung Quốc).

Nhưng Đường Lâm nức tiếng hơn cả vì đây là “đất hai vua”, là quê hương của hai vị anh hùng dân tộc: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 – 801, người sức khoẻ phi thường, vật được hổ dữ, có công đánh đuổi giặc nhà Đường) và Ngô Quyền (898 – 944), người đã chỉ huy trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng nổi tiếng, đánh tan quân xâm lược Nam Hán, giành độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc.

Hiện ở Đường Lâm vẫn còn đền thờ của các anh hùng dân tộc, các danh nhân và hàng năm, lễ hội tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc được tổ chức rất trang trọng.

Với những nét độc đáo hiếm có của làng cổ kiến trúc đá ong, với dày đặc các điểm di tích lịch sử văn hoá và hồn quê Bắc Bộ gần như nguyên vẹn nét xưa; với phong cách chân chất, mộc mạc như củ sắn củ khoai nhưng cũng vô cùng ý nhị, tinh tế, lễ giáo trong giao tiếp ứng xử… mảnh đất thiêng – làng cổ Đường Lâm đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu, hay đơn giản là đến nơi này để nghỉ ngơi trong không khí làng quê êm đềm, yên ả…

Về quê Đường Lâm, vui vì gặp người dân nào cũng hồ hởi chuyện trò, vào thăm ngôi nhà cổ nào cũng được chủ nhân nhiệt thành đón tiếp, ai cũng sẵn lòng làm hướng dẫn viên cho làng cổ…
Gần đây không chỉ du khách “đổ” về Đường Lâm mà nhiều đôi uyên ương trước khi tổ chức lễ cưới cũng tìm về nơi làng quê này chụp hình kỷ niệm với ước mong ghi dấu cội rễ quê hương, đồng thời mong tình yêu lứa đôi đẹp muôn đời như nét rêu phong của làng Việt cổ.

Về Đường Lâm, đắm mình trong khung cảnh cổ kính, thanh bình, ta như được sống lại thời ấu thơ với “quê hương là chùm khế ngọt”. Đây là điều mà rất nhiều người trong chúng ta khát khao tìm lại…

Theo Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *