(VNN) – Vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, nhân dân ta có phong tục làm lễ cúng ông Công ông Táo. Đây là một tín ngưỡng dân gian, có từ lâu đời ở nước ta. Để chuẩn bị cho nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời được đầy đủ, chu đáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trịnh Sinh đưa ra một số lưu ý.
Người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Táo Quân là vị thần quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người. Bởi vậy để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, PGS – TS Trịnh Sinh cho biết: “Phong tục tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp không phải là hủ tục mê tín dị đoan, đó là một tín ngưỡng thờ cúng dân gian của dân tộc ta. Tín ngưỡng này thờ cúng các vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình.
NISAVA
Tín ngưỡng này mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện qua tích Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm”.
Ông cũng đưa ra một số lưu ý giúp các gia đình chuẩn bị cho nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời phù hợp và đầy đủ hơn.
+ Thời gian cúng ông Công ông Táo
Bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ 23 tháng Chạp các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo.
Khi cúng ông Công ông Táo, chỉ cần thấy hương cháy đến 2/3 là các gia đình có thể mang vàng mã ra hóa và mang cá đi phóng sinh, tiễn ông Táo về trời.
+ Đồ cúng ông Công ông Táo.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh nhấn mạnh: “Việc làm các mâm cỗ tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện của gia đình. Nhiều người quan niệm phải mâm cao cỗ đầy mới tỏ rõ lòng thành nhưng suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng, đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này”.
Về điều này, giáo sư Lương Ngọc Huỳnh cho biết, ngoài cỗ, trà, hoa quả, gia chủ có thể chuẩn bị ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần. Gồm: 3 chiếc mũ ông công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà, một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ. Màu đỏ cho thần Thổ Công Táo Quân. Màu vàng cho Thổ Thần Thổ Địa. Màu trắng, hoặc màu xanh cho thần Thổ Kỳ. Vàng thuyền, vàng thỏi cho ba vị mỗi vị 99 nén. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo.
NISAVA
Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, lễ vật phải sắm 3 con cá chép (hay cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa rồng” đưa ông Táo về trời. Nếu mua được ba con ba màu, đỏ, vàng, trắng là tốt nhất.
Lưu ý: Không đốt tiền âm phủ cho các vị thần vì họ là thần tiên, họ không phải là vong hồn người âm. Chuẩn bị thêm ba cây nến hoặc ba chiếc đèn dầu. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục. Tiếp đó thắp 9 nén nhang, quỳ xuống lễ 9 lễ.
“Sau khi cúng sẽ phóng sinh cá ra ao hồ hay ra sông. Khi thả, dùng tay nâng nhẹ cá chép và từ từ thả xuống nước, tuyệt đối không được ném cả túi cá chép xuống sông hồ.
Vì hình thức phóng sinh cá chép là hành động nhân văn, thể hiện lòng nhân ái của người Việt Nam. Nhưng nhiều người mang cá đi thả theo kiểu thiếu ý thức. Họ bọc cá vào túi nilon rồi mang ra hồ ném cả bọc xuống nước. Cá vừa không sống được, lại vô hình chung xả rác ra nguồn nước”, PGS-TS Trịnh Sinh nói. Theo quan niệm, thả cá trước giờ Ngọ (12 giờ) ngày 23 tháng Chạp là thời điểm thích hợp nhất.
+ Vị trí đặt đồ lễ
Mâm lễ cúng Táo quân có thể đặt trên một cái bàn nhỏ, dưới ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân trong bếp nhưng tuyệt nhiên không được để ở ban thờ Phật. Ngoài ra, có thể đặt mâm lễ Táo quân ở ngoài trời.
Lý giải điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho hay: “Thờ cúng Táo Quân là tín ngưỡng thờ thánh, khác với tín ngưỡng thờ Phật. Do vậy các gia đình đặc biệt lưu ý đến chi tiết này để tránh nhầm lẫn”.
NISAVA
+ Bài cúng ông Công ông Táo (Theo GS Lương Ngọc Huỳnh)
Kính lạy Thượng Đế
Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm… Bính Thân. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ
Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú…
Với tấm lòng thành kính con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời.
Kính lạy Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua nhờ ân phúc của các ngài chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!
(Con xin đa tạ, Con xin đa tạ, con xin đa tạ)
NISAVA
* Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần
* Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi
Theo Nhật Linh (Vietnamnet)
NISAVA TRAVEL!