(BCT) – Gió, mưa và sóng biển đã “điêu khắc” ghềnh đá- vốn là đá gốc từ hàng trăm triệu năm trước- thành một tuyệt tác nghệ thuật bên kia bờ Trường Giang của xứ Quảng. Ai đó bảo rằng, nó như viên ngọc trai còn ẩn mình trong cát ở miền Di sản.
Đến Bàn Than, nhiều người bảo rằng hòn đảo này bị “lép vế” vì ở kế cạnh những “đại gia” di sản Hội An, Mỹ Sơn hay vùng biển quá nổi tiếng Cửa Đại, cù lao Chàm của xứ Quảng Nam. Có lẽ nhờ đó mà hòn đảo này vẫn giữ được nét đẹp dung dị, hoang sơ, thứ quý giá của du lịch thời quá tiện nghi và hiện đại.
Nhìn trên bản đồ địa hình, ghềnh đá Bàn Than như chiếc đuôi cá voi khổng lồ đang vùng vẫy giữa biển khơi, tạo thế che chắn cho đảo Tam Hải trước sóng to, gió lớn.
NISAVA
Đảo chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam khoảng 40km, qua chuyến phà ngang cửa biển Kỳ Hà là tới. Trên đảo, dừa nhiều vô kể. Toàn dừa lão, xòe những tàu lá cao vút trên không. Chạy xe trên đảo là đi qua những rặng dừa mát rượi.
Làng chài Tam Hải cũng nằm dưới tán dừa. Ra tận các bãi biển của ba mặt đảo cũng thấy những cây dừa xòe tán đong đưa như mái tóc con gái xứ biển lượt là theo chiều gió.
Khi người ta ra định cư trên đảo, đã thấy những cây dừa. Rồi họ trồng thêm dừa để che chắn gió, ngăn mưa cho những mái nhà đơn sơ thuở khai hoang. Từ đó, dừa như một đặc sản của đảo. Trái to, nước trong vắt và ngọt thanh bởi vị mằn mặn của biển kết tinh trong vị nước dừa trên đảo.
Đá trên đảo Tam Hải và các đảo lân cận (như hòn Mang, hòn Dứa, hòn Than…) trải qua bốn trăm triệu năm từ đá gốc trồi lên khỏi mặt nước kiến tạo thành những nếp đứt gãy, nếp nhăn, khe… thoạt trông khá giống đá hình thành từ nham thạch núi lửa như ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Dù đã đá cổ được hình thành từ rất lâu nhưng không bị phong hóa, bề mặt đá còn khá tươi mới, không bị bao phủ bởi rong rêu hay cát đất bồi lấp. Với khoa học địa chất, đây là điều lý thú để ghềnh đá Bàn Than và các đảo lân cận góp mặt vào Công viên địa chất Quốc gia và Toàn cầu. Với du khách, đây là điểm đến tuyệt vời để ngắm đá và bàn tay điêu khắc tuyệt vời của thiên nhiên.
NISAVA
Những khối đá cổ theo thời gian bị sóng biển, mưa, gió và nắng bào mòn, vô tình tạo nên những hình thù kỳ lạ. Có những chỗ, đá bị bào mòn tạo nên những cánh cổng tò vò thú vị.
Trên đỉnh một khối đá cao có khoảng trống như hình mắt chim phụng đang ngửa cổ lên trời. Đặc biệt, có một cổng đá khổng lồ hướng ra biển đầy ngoạn mục mà người dân gọi là hòn Ông Đụn. Nhưng đáng tiếc, do bị xâm thực ở chân nên cổng đá bị sóng đánh sập trong một cơn bão năm 2016. Dù vậy, nơi đây vẫn còn nhiều khối đá được kiến tạo đầy hấp dẫn, nằm nửa chìm nửa nổi suốt chiều dài chừng một cây số ven biển.
Cũng bởi kết cấu đặc biệt của tầng đáy được hình thành từ đá cổ lâu năm, thềm lục địa ở đảo Tam Hải và các đảo gần đó có được những rạn san hô đa dạng, đầy màu sắc. Du khách có thể thuê tàu của người dân địa phương ra các đảo nhỏ tắm biển, lặn ngắm san hô hay săn bắt cá…
Nếu đảo Tam Hải có nhiều bãi biển chạy dài gắn với các làng chài và hàng dừa cao vút, thì các đảo nhỏ sở hữu những bãi cát trắng mịn hòa trong làn nước xanh mát. Các đảo này không có người ở nên không có dịch vụ ăn uống, lưu trú và không có nước ngọt tự nhiên như trên đảo lớn. Do đó, chỉ nên ra đây chơi và ở lại đêm khi thời tiết thuận lợi, không mưa bão.
NISAVA
Đến đảo, du khách còn có dịp trải nghiệm đời sống làng biển dung dị của người dân xứ Quảng. Cư dân trên đảo rất hiếu khách. Gặp người lạ, nhất là nghe giọng miền Nam, là họ bắt chuyện hỏi han, và không quên khoe rằng đã từng vô tới Sài Gòn hay Cần Thơ, Cà Mau và đã từng được đối đãi rất tốt, nhất là từng nghe vọng cổ “ngọt như nước dừa Tam Hải” làm nhớ hoài.
Năm 2018, lấy ý tưởng từ làng bích họa Tam Thanh gần đó do sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện, sinh viên Đà Nẵng bắt tay nhau tô màu, vẽ tranh trên những bức tường nhà của làng chài Tam Hải với mong muốn tạo thêm sản phẩm du lịch, kéo khách tới đảo nhiều hơn, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Chỉ trong một thời gian ngắn làng chài Tam Hải như được khoác lên mình chiếc áo mới, đầy màu sắc làm du khách thích thú. Trong đó, có bức bích họa vẽ lại chiếc cổng đá Ông Đụn giúp du khách hình dung được một cảnh đẹp kỳ vĩ đã bị mất đi trên đảo này.
NISAVA
Tam Hải nằm không xa trung tâm tỉnh lỵ hay phố cổ Hội An, du khách có thể đi và về trong ngày nếu quỹ thời gian không nhiều. Nhưng để chiêm nhưỡng những bức điêu khắc đá tự nhiên, những bức bích họa đượm tình của sinh viên với dân làng chài, để trải nghiệm… thì hai, ba ngày vẫn chưa đủ.
Hành trình đến đảo Tam Hải
Tam Hải là xã đảo, nằm tách biệt với đất liền nhưng đường sá rất thuận tiện. Nếu đang du ngoạn ở biển rạn Núi Thành, du khách hỏi đường đến cảng Kỳ Hà rồi đi thẳng tới phà Tam Quang – Tam Hải. Qua phà là tới. Nếu từ thành phố Tam Kỳ, chỉ việc chạy về hướng biển xuống Tam Thanh rồi men theo rừng phi lao ven biển đến phà Tam Tiến – Tam Hải. Nếu từ phố cổ Hội An, cứ qua cầu Cửa Đại rồi thẳng tới Tam Hải và đi tiếp con đường tương tự như xuất phát từ Tam Kỳ.
Trước đây, vào cuối tuần, nhất là lễ, Tết mới có các đoàn du khách các địa phương lân cận tới đây thưởng lãm thiên nhiên, ăn uống. Bây giờ, Tam Hải được nhiều du khách biết tới nên lượng khách từ Đà Nẵng, Hội An tới đây ngày càng đông.
Người dân địa phương tận dụng cơ hội này mở các dịch vụ đưa tàu sang các đảo nhỏ, câu cá, ngắm san hô, lưu trú… với giá khá mềm. Chi phí thuê tàu khoảng 50.000-100.000 đồng/khách ra đảo, tùy đảo xa hay gần. Bình quân, mỗi chuyến tàu khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng.
Nếu đi một vài người, du khách có thể theo tàu câu cá, câu mực của người dân bản địa để trải nghiệm. Đêm có thể làm Robinson ngủ lại đảo nhỏ nếu mang theo lều và vật dụng nấu nướng. Cả đảo lớn và các đảo nhỏ đều rất an ninh, không có trộm cắp. Du khách thoải mái nghỉ lại nếu không muốn ở nhà dân.
NISAVA
Ở khu vực ghềnh đá Bàn Than, có nhiều nhà dân mở cửa đón khách lưu trú dạng homestay kết hợp nấu ăn, giao lưu giữa chủ nhà với khách.
Với chi phí chừng khoảng 150.000 – 200.000 đồng/người, du khách có thể thoải mái chi tiêu cho các bữa ăn, chỗ ngủ ở Tam Hải.
Du khách nên dành thời gian hai, ba ngày để tìm hiểu về những tầng địa chất, chiêm ngưỡng những kiệt tác của thiên nhiên ban tặng cho người dân Tam Hải, hòa mình vào cuộc sống làng chài ven biển. Trong đó, có một ngày để khám phá thiên nhiên biển Tam Hải ở các đảo nhỏ, săn bắt cá, lặn ngắm san hô, tắm biển… Du khách nên dành một đêm làm Robinson ở bất kỳ hòn đảo hay bãi biển nào để tận hưởng thiên nhiên như của riêng mình.
Theo Thụy Du (Báo Cần Thơ)
NISAVA TRAVEL!