Chuyến đi này đầy ắp những bãi biển đẹp, nước trong nhưng bọn tôi không tắm lần nào ngoài việc dùng chân vọc nước biển và nếm thử. Nguyên do vì sức khỏe bèo nhèo, phần bà xã cũng không muốn vẫy vùng dưới biển một mình.
Vả lại trời lạnh và biển động dữ quá, cơn sóng nào cũng cao hơn mét vổ ì ầm do thời tiết năm nay đỏng đảnh – Đúng ra như mọi năm thì sau tết ta là khi hậu nam trung bộ nóng lắm vì nắng nhiều, đây là lúc vào hè mà. Nhưng chả cần, hưởng cái thú vùng biển cũng thỏa mãn rồi.
Hai đảo đá ngoài Mũi Yến thật huyền hoặc, vững vàng với hàng lớp, lớp song bao quanh. Ở phía trên có một tảng đá to nằm cheo leo cứ như sắp rớt xuống đến nơi nhưng nó vẫn yên vị như trêu ngươi đất trời.
Sau khi no nê với khung cảnh đẹp hớp hồn tại nơi đây, tụi tôi từ giã trong tiếc nuối – lòng cứ nhẩm đến một ngày kia sẽ trở lại lần nữa.
Đường quanh co, tụi tôi trở ra ngã ba khi nãy rồi rẽ phải để ra bãi biển Phú Thường.
Các ngôi nhà lấp ló trong những chòm cây xanh um ven đường, đó đây là những đứa trẻ chay loanh quanh đưa mắt tò mò nhìn người lạ rồi liếng thoắt trả lời khi nghe mình hỏi đường.
Bỏ xe ở một khúc quanh cần căn chòi nhỏ bán hàng rong, linh tinh lặt vặt – tụi tôi bước qua bờ kè nhỏ xuống bãi: biển Phú Thường là đây…
Cả một bãi cát dài hơn 2 cây số hình cánh cung (đa số bãi biển của VN có hình cánh cung, hay thật!) với điểm cuối cùng phía Nam là mũi Yến, phía bắc được giới hạn bởi một đồi đá phủ trảng cỏ, trông hao hao như đồi cỏ mà chúng tôi leo lên ở bãi Xép ngày hôm qua.
Trong gió lồng lộng bổng nhiên ánh nắng chứa chan bao trùm mọi vật; mấy hôm rồi mới thấy được ánh dương của ông mặt trời khó tính đây.
Bã xã rủ rê cuốc bộ về chỏm đá phía Nam, cách nơi tụi tôi đứng khoảng cây số rưỡi. Mấy cái chỏm đá nhô ra biển phủ đầy cỏ dại này ngồi ngắm biển sướng phải biết: gió cứ áp vào người, mát rượi bởi những hạt nước li ti. Tiếng sóng ì ầm dưới chân như một bản giao hưởng của đất trời, dân thành phố đố mà có được cảnh này nếy không chịu nhấc chân đi xa một tý.
Ham thiệt nhưng do sáng giờ cuối bộ khá nhiều nên đuối – hic, chán ông phượt đuối ghê hà, hè hè…
Quay lại nhìn nơi mình xuống: vài đứa bé vẫn ngồi đó tò mò nhìn hai khách lạ đang làm gì – có “bỏ túi” mất bãi biển của chúng không…
Tụi này trở lên rồi cười, mấy đứa bé rụn rè chạy lánh vào trong. Bà xã mua ít bịch bánh ở cái hàng rong gần đó cho bọn trẻ (hối lộ nghen) để làm quen – bé nào cũng khỏe mạnh với nước da rắn chắc, dân vùng biển mà.
Nói chuyện rôm rả với chị bán hàng cùng nhiều phụ nữ chợt tình cờ đi ngang vui lắm, từ chuyện trời biển, chuyện đông con đến cả vụ mùa cá năm nay.
Gần 1 giờ, tụi tôi từ giã cái xóm làng bình yên này trở ra đường liên thôn về Tuy Hòa.
< Nơi mà tụi này ghé nhiều nhất, thích nhất tại thành phố biển này.
Tụi này dậy sớm hơn một tý vào sáng hôm sau để tham dự Lễ Hội Cầu ngư do bữa chiều trước đó đã thấy người dân dựng rạp trên đường Duy Tân (phường 4).
Ngày tổ chức lễ hội này ở các nơi khác nhau, thông thường thì vào những ngày sau tết âm lịch. Tại đây, hội cầu ngư bắt đầu từ sáng sớm ngày 8.2 (âm) bằng đoàn rước cá Ông từ ngoài biển vào, khai hội kéo dài tới 3 hôm sau.
Lễ hội Cầu ngư thường được lồng ghép dưới hình thức Lễ tế Cá Ông, không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá.
Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm – hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa.
Phường chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân chài đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt mới bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
< Bàn thờ trang nghiêm nghi nghút khói hương…
< Ngoài chuyện tâm linh của người lớn thì các bé là những người thích nhất vì có dịp đông vui…
Tạm biệt lễ hội, tui này ra bến xe mua sẳn vé cho chuyến về Sàigòn tối hôm sau. Giá vé như lúc đi nhưng con Win kèm theo lại rẻ hơn 10K.
Còn tiếp
Điền Gia Dũng
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần 5 – Phần 6 – Phần 7 – Phần 8 – Phần 9 – Phần cuối