Đại đa số ghe buôn, ghe hàng đều thờ “Bà Cậu” trên ghe và tổ chức cúng ghe vào các ngày 16 và 29 âm lịch mỗi tháng.
Người dân Nam Bộ xưa đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt cộng đồng chủ yếu bằng phương tiện thủy như: xuồng, ghe.
Các phương tiện này có nhiều trọng tải, kích cỡ và cách đóng cũng đa dạng về chất liệu gỗ, thiết kế tùy thuộc vào sở thích của chủ nhân hoặc phụ thuộc và công dụng của chúng. Xuồng thì có loại 3, 5, 7, 9 lá… thường để đi lại trong phạm vi gần. Ghe thì có ghe tam bản, ghe bầu, ghe hàng, ghe buôn…, thường để mua bán và di chuyển ở cự li xa hơn.
Xuồng, ghe gắn chặt và rất thân thiết với đời sống cư dân Nam Bộ do địa hình sông rạch đan xen. Thêm vào đó đối với những người buôn bán trên ghe luôn duy trì tục lệ cùng ghe theo tập quán lưu truyền từ ngàn xưa với sự tin tưởng có một đấng thiêng liêng luôn chở che cho họ buôn may bán đắt, không gặp tai nạn về phương tiện lẫn con người trên sông, biển, kênh, rạch.
NISAVA
Đại đa số ghe buôn, ghe hàng đều thờ “Bà Cậu” trên ghe và tổ chức cúng ghe vào các ngày 16 và 29 âm lịch mỗi tháng. Về lễ vật nếu như các phương tiện vận tải trên bộ thường cúng gà (tượng trựng cho hoạt động chạy nhảy may mắn) thì cúng ghe phải cúng vịt (tượng trưng cho sự bơi lội, di chuyển thuận lợi trên sông). Mâm cúng gồm vịt luộc với ba chén cháo, một bình trà, một bình rượu và bánh ngọt, có nơi cúng thêm đầu heo tùy theo kinh tế gia đình. Mâm cúng đặt trước mũi ghe, khi tiến hành cúng, chủ ghe đốt nhang cầu nguyện việc mua bán, may mắn, sức khỏe…
Về hình tượng “Bà Cậu” có nhiều giai thoại nhưng đa số chủ nghe thường truyền tụng đó là một bà già và hai người con trai chuyên cứu giúp người trên sông nước khi gặp nạn. Để tỏ lòng tri ân các bạn hàng xưa tổ chức cúng vái cầu nguyện Bà và hai cậu con trai luôn phù hộ, giúp đỡ. Và cũng từ đó hình tượng “Bà Cậu” luôn được người đi ghe, xuồng đem ra để răn dạy, cảnh báo với mọi người không được có những hành vi, cử chỉ, lời nói sai trái, không trung thực.
Không biết hư thực thế nào nhưng hiện nay, dân mua bán trên sông rất tin việc mua bán thành đạt như mong đợi khi đang di chuyển bắt gặp chó lội ngang sông và ở trước mũi ghe. Ngược lại việc mua bán sẽ khó khăn khi gặp rắn hay ngỗng lội ngang. Ban đêm, canh ghe xuất hiện đom đóm thì chuyến mua bán ấy sẽ thuận lợi. NISAVA
Về tục cúng ghe ở Nam Bộ cũng khá phong phú nhưng có nét tương đồng cao. Để chuẩn bị đóng ghe mới, bao giờ chủ nhà cũng cúng vái miếng ván gỗ đầu tiên gọi là tục cúng “gim lô”. Trên đó là mâm đồ cúng tương tự như mâm cúng hàng tháng của chủ ghe, nhưng có kèm theo một tấm vải đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Miếng ván gỗ “gim lô” phải dầy hơn các miếng gỗ tiếp theo. Sau khi hoàn thành chiếc ghe, chủ nhà phải thu hồi lại các cây đinh đã đóng trên miếng “gim lô”, thợ đóng ghe phải “xảm” vào đó các cọc gỗ khác tương ứng. Tục truyền rằng, nếu mất mấy cây đinh ấy thì sẽ bị nhiều điều xui xẻo.
Một tập tục cúng ghe khác rất phổ biến là cúng “lên nề” có nghĩa là kéo ghe lên bờ để sửa chữa, làm mới… Hình thức cũng tương tự như lễ nghi cúng hàng tháng.
Về cúng ghe để xuất hành buôn bán đầu năm thường có hai hình thức. Một là nếu chủ ghe chọn được ngày tốt nhưng vì một nguyên nhân nào khác chưa xuất hành được thì bày lễ vật trên bờ, sau đó cho ghe chạy qua, chạy lại nơi đặt mâm cúng ba lần, sau đó xuất hành ngày nào thì tùy ý. Hai là nếu xuất hành luôn thì không làm động tác như trên mà sau khi cúng xong xuất hành ngay.
Thường thì sau tục lệ cúng ghe, chủ ghe mời các ghe đậu lận cận sang uống rựơu, đờn ca tài tử, bàn bạc chuyện buôn bán làm ăn cho chuyến đi tới.
Ngày nay các phương tiện vận tải đường bộ, đường hàng không phát triển rầm rộ, thay thế dần các phương tiện vận chuyển đường thủy. Tuy vậy vẫn còn khá nhiều ghe xuồng lưu thông trên sông nước Nam Bộ tạo sắc thái và hình ảnh riêng cho châu thổ sông Cửu Long. Và tục cúng ghe Nam Bộ vẫn được người dân duy trì cho đến hôm nay như là một tập tục văn hóa tâm linh dân gian truyền thống.
Theo Tam Anh (Báo tin tức)
NISAVA TRAVEL!