Không riêng gì bà con vùng đất Cà Mau, nói đến chuyện kể bác Ba Phi, hầu như ai cũng biết. Những câu chuyện kể của bác Ba hết sức sống động, vừa huyền thoại vừa kịch tính, đã góp phần rất lớn vào kho tàng Văn học dân gian Nam Bộ.

< Di ảnh bác Ba Phi (1884- 1964).

Tại Hội thảo khoa học Chuyện cười dân gian bác Ba Phi được Bộ Văn hoá – Thông tin tổ chức năm 2002, các nhà nghiên cứu đều cho rằng giá trị nghệ thuật của chuyện bác Ba Phi mang đậm nét đặc trưng của làng quê Nam Bộ. Trong những câu chuyện kể ấy, tiếng cười sảng khoái, vui tươi, gắn chặt với đồng ruộng, chim thú, cây rừng…, mang giá trị nghệ thuật cao như: Bắt chim sen, Chọi đá làm máy bay rơi, Leo cây ớt té gãy chân, Le le tập thể dục, Tàu rùa chạy nhanh như tàu máy, Rắn hổ mây tát nước đìa bắt cá…

Bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian năm 2003. Ông sinh năm 1884, tại ấp Rạch Mũi, xã Cái Rắn, huyện Cái Nước. Sau khi sinh ông, ba mẹ ông do tránh sự truy đuổi bắt lính, phạt vạ và quấy rối của đám quan quân thời chúa Nguyễn đã chạy dạt sang trú ngụ tận Kinh Ngang, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời ngày nay. Bác Ba là một lực điền giỏi võ và mê đờn ca tài tử, đặc biệt rất giỏi đờn cò.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế- một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời.

Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong  những câu chuyện của Bác Ba Phi thì đây là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng với thành ngữ “Tệ như vợ thằng Đậu” được dùng để chỉ những người vụng về. Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.

Bác Ba không chỉ nổi tiếng qua các câu chuyện kể in đậm cá tính người nông dân Nam Bộ mà còn thể hiện tư duy sáng tạo độc đáo qua từng chuyện kể. Những câu chuyện của bác luôn nói về tính cách con người vùng đất U Minh kiên cường trước thiên nhiên khắc nghiệt, dù là kể chuyện tếu lâm hay chuyện dóc nhưng những chuyện bác Ba hiến kế cho bộ đội đánh giặc là có thật.

Bác Ba vốn là người vui tính, lạc quan. Ngay từ lúc nhỏ, mặc dù không biết chữ nhưng Bác lanh trí và thông minh, nên sau hầu hết những câu chuyện bác kể, dù là chuyện dóc do bác suy nghĩ, liên tưởng hay nhân cách hoá chăng nữa, thì ai nghe kể đều cười vui, hả lòng hả dạ vì thấy có tình, có lý. Những năm đầu của thập niên 60, chuyện kể bác Ba Phi xuất hiện như một hiện tượng lạ, lý thú, cuốn hút mọi đối tượng, kể cả các đồng chí giao liên và các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Bác Ba Phi qua đời vào ngày 3/11/1964, tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, nay là Kinh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải. Ngôi mộ của bác hiện nằm giữa 2 ngôi mộ của 2 người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham.

Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tếu lâm cho thế hệ sau. Kho tàng văn hoá phi vật thể ở Cà Mau, trong đó có hệ thống chuyện kể bác Ba Phi là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo của bác và cộng đồng cư dân Cà Mau.

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau. Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi. Đồng thời, nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặt trưng, lòng yêu thiên nhiên và con người của người dân Nam Bộ.

Tổng hợp từ Báo Cà Mau, sách: “Cà Mau điểm hẹn”…
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *