Hai bài trước, NISAVA đã post về một cực Bắc chính xác đã thể hiện qua tít ‘Đi tìm cực Bắc thật sự – P1’  và ‘Chinh phục cực bắc thực sự – P2’ mà các bạn đã xem. Riêng bài này, cũng chỉ là chinh phục một cực Bắc thật sự thôi nhưng bài viết này sẽ do một một bạn khác trong nhóm viết: tường tận và chi tiết hơn để người xem đủ cảm nhận về một địa điểm thiêng liêng trên vùng biên viễn phía Bắc.

< Theo bản đồ vệ tinh: khoảng cách giữa điểm cực Bắc thật sự và cột cờ Lũng Cú là 3,3km còn cách mốc 428 tầm 2,2km theo đường chim bay.

(iHay) – Bấy lâu nay, người ta vẫn đinh ninh: Cực Bắc Tổ quốc là mốc biên giới 428 nằm trên bờ sông Nho Quế, hoặc ngọn đồi cao cuối con đường đất chạy ngang thôn địa đầu Xéo Lủng (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang).

< Sông Nho Quế, nhìn từ thôn Xéo Lủng.

Ít ai biết, cực Bắc chính là mỏm đất nhọn ngay dưới dòng sông Nho Quế, xa đến hàng km đường chim bay so với mốc 428 và ngọn đồi ngắm cảnh dễ đi. Và tôi đã dành 1 ngày vất vả, thậm chí nguy hiểm tính mạng để trượt xuống mỏm đất thiêng liêng nơi địa đầu ấy…

Theo các tài liệu thì Sông Nho Quế (phần thượng lưu, ở Trung Quốc gọi là sông Phổ Mai) là một con sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.500 m, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, xẻ qua cao nguyên Đồng Văn và các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) để nhập vào sông Gâm tại Na Nát (xã Lý Bôn, Bảo Lâm, Cao Bằng). Là chi lưu phía tả ngạn của sông Gâm, sông dài 192 km (phần ở Việt Nam là 46 km). Diện tích lưu vực 6.052 km² (phần ở Việt Nam 2.010 km²), độ cao trung bình 1.255 m, độ dốc trung bình 18,7%, thung lũng dạng hẻm vực. Tổng lượng nước bình quân nhiều năm khoảng 2,69 km³ tương ứng với lưu lượng nước bình quân năm là 85 m³/s và môđun dòng chảy năm là 15,8 l/s/km²...

Hành trình vô vọng

Mấy ngày đầu tháng 3.2015, tôi lên công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú (BCHBĐBP tỉnh Hà Giang). Đầu tháng đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, Đồn lu bu tiếp khách lên thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú ghé thăm, nên khi nghe Hải An, anh bạn đồng nghiệp đi cùng vợ mới cưới và 2 bạn Phúc – Trinh trong TP.HCM mới lên thăm Hà Giang gợi ý: “Chúng em thèm đặt chân đến Cực Bắc!”, tôi gật đầu tham gia cùng.

< Sông Nho Quế, nhìn từ đỉnh đồi Cực Bắc và cũng là điểm trượt xuống.

Nghe tôi xin phép ra Cực Bắc, Thượng tá Thủy – Chính trị viên Đồn nói với giọng ái ngại: “Nếu biết đường rồi thì cũng nên ra đấy thăm tý. Nhớ trưa về ăn cơm!”. 30 phút chạy từ Đồn Lũng Cú, theo con đường đất mới mở xuyên qua thôn địa đầu Xéo Lủng, cả 5 anh em đã đến bãi đất rộng cuối đường, thường làm chỗ đậu ôtô của khách du lịch khi ra thăm cực Bắc. Dựng xe máy, tiếp tục hì hục leo qua 3 ngọn đồi, cũng nửa tiếng sau đã tới quả đồi cao nơi địa đầu Tổ quốc. Nhìn xuống phía dưới là sông Nho Quế xanh ngắt, thấp thoáng sau rừng lau sậy. Ngước lên trên, dãy núi cao của Trung Quốc, trên đỉnh là trạm quan sát điện tử, ống kính camera. NISAVA

Hải An (được nhiều “dân phượt” biết đến qua nickname “Quỷ Cốc Tử” trên các Diễn đàn Du lịch) sau hồi hí hoáy bấm điện thoại check tọa độ Cực Bắc, quay sang tôi: “Phải là mỏm đất nhô ra dưới bờ sông với tảng đá to rất dễ nhận ra!” và thiết tha: “Em đã hỏi mấy bạn từng xuống dưới đó. Có con đường mòn dẫn xuống ở ngay bên phải. Đã tới đây mà không được đặt chân đến cực Bắc thì quá tiếc!”. Lùng sục tìm đường trên triền dốc toàn cỏ tranh, thân lau khô khốc vì nắng nóng, cả tốp dần bị trượt xuống phía bờ sông. Gần tiếng đồng hồ vẫn không thấy đường, chúng tôi trèo lên cây to mọc tìm địa hình: Phía trước vẫn cỏ tranh ngút ngát, rải rác những thân cây to bằng bắp chân người lớn lúp xúp chạy xuống bờ sông; 2 bên là vách núi đất ngăn cách bằng hẻm sâu; phía dưới, sông Nho Quế vẫn xanh biếc nép mình mời gọi…

< Bờ sông Nho Quế, nơi cả nhóm tụt xuống.

Quyết định: “Trượt xuống, dọc bờ sông thế nào cũng tìm thấy lối mòn!”. Cả tốp đạp chân vào các gốc cỏ làm điểm tựa, mông lưng trượt trên nền đất dốc 30-40 độ, tay quờ các thân cây dại, nối nhau nhằm hướng bờ sông. 2 chiếc bộ đàm của Hải An và Phúc, ban đầu còn khọt khẹt liên lạc chỉ hướng, động viên nhau. Nhưng đến giữa đường thì bộ đàm của Phúc ở phía sau im bặt, dừng lại đợi hỏi, mặt Phúc tím ngắt thở không ra hơi: “Bị rớt phía trên, em nghe thấy tiếng gọi nhưng không thể bò lên lấy nổi!”. Thôi bỏ. Đi tiếp!… NISAVA

Lại trượt, ngã và rạp đầu tránh những miếng đã lăn lèo vèo do người sau vô tình đạp phải, bỗng phía dưới ùn ùn khói khét lẹt, thân lau khô nổ lốp bốp. “Cháy rừng rồi!” – Cả nhóm lập tức di chuyển sang phải, ngược hướng gió để tránh đám cháy đang ngược lên. Khói mù mịt, đất tơi khô khốc trong tay, cỏ tranh đứt rễ bùng bục và miệng đắng ngắt vì tàn tro bay vào.

< Hạnh phúc khi chạm tay vào mặt nước.

Dừng lại kiểm tra quân số, giật thót vì không thấy Trinh – Cô gái công tác tại Đồng Nai, lần đầu tiên khám phá miền núi phía Bắc. Hú gọi mãi không thấy trả lời, tôi đạp cỏ ngược lại kiếm tìm trong sự lo lắng của cả nhóm. 10 phút, 15 phút, 20 phút hú gọi, chợt nghe tiếng khóc nức nở ngay gốc cây bên trái. Lao vội sang, thấy Trinh mặt xám ngoét, nằm ngửa, 2 tay nắm 2 bụi cỏ, nước mắt giàn giụa. “Cố lên nào!” – Nắm tay người đồng hành kéo dậy, lau khô nước mắt, giành đeo thêm chiếc ba lô nhỏ và hướng dẫn tỉ mỉ cách đặt chân, vịn cây. Cô bé bình tĩnh trở lại: “Em sẽ cố gắng đi!”.

12 giờ: Tròn 3 tiếng trượt từ trên đỉnh dốc. Đường trượt bị dừng đột ngột do vách đá dựng phía trước. Không thể vòng nổi vì độ dốc quá lớn. Tôi quyết định cho cả nhóm dừng lại đợi, còn mình đu xuống vách đá tìm đường. Loay hoay, chật vật và nhất là phải nép sau hốc, tránh những hòn đá từ phía trên vun vút lao xuống, rút cục cũng tìm thấy triền đồi đỡ dốc, không có cỏ tranh che khuất tầm nhìn do… đám cháy mới cắt ngang qua. Hú gọi, dìu nhau qua vách đá, tay cô bé Trinh bị mảnh cứa, máu chảy đầm đìa nhưng vẫn phải cố, trượt qua triền đồi cháy, tro đất nóng rực dưới lưng. Phía dưới, sông Nho Quế đã rất gần, nghe rõ tiếng thác nước chảy ầm ầm…

< … và uống ngụm nước ngọt lành của dòng sông địa đầu.

20 phút để vượt qua rừng dây leo lùng bùng, chắn ngang ngực, ngáng qua chân, rút cục những tảng đá trắng tinh, tròn bầu các kiểu cũng đón bước chân thập thõm muốn khuỵu xuống: Sông Nho Quế chợt òa ra trước mắt, nước xanh ngăn ngắt, hơi nước tỏa ra từ thác mát rượi. Vứt đồ xuống bờ đá, bò xuống bãi sỏi và úp mặt vào mặt nước, tu hơi dài ngọt lịm, thơm phức: Đây mới thực là địa đầu Tổ quốc, nơi phân chia biên giới Việt – Trung…

Hoang sơ Nho Quế

Từ trên cao nhìn xuống cứ tưởng sông Nho Quế mùa này cạn nước, nhưng kỳ thực là sông rộng và rất sâu. Thượng úy Nguyễn Vũ Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Công tác Biên phòng Lũng Cú cho biết: “Dịp này, nhà máy Thủy điện của Trung Quốc ở phía thượng lưu xả nước đều đặn vào lúc 9 giờ 30 hàng ngày, khiến lượng nước dưới sông dâng rất nhanh!” và khẳng định: “Thường chỉ có người dân Lũng Cú xuống đó câu cá và bộ đội Biên phòng đi tuần tra!”.

Có lẽ vì xa xôi, hiểm trở như vậy mà bờ sông Nho Quế vẫn giữ được nguyên cảnh sắc hoang sơ với những cành cây la đà mặt nước, cây cối um tùm, bãi đá sỏi trắng tinh bóng nhẫy và lối mòn ven sông, lờ mờ hiện qua cành cây gãy, vết dao đi rừng của dân bản chém vào thân cây to đánh dấu.

Sự hiện diện của con người có chăng chỉ qua đống củi nhỏ xếp gọn gàng, những mẩu than đen sì vương vãi trên tảng đá bằng và dải vải đỏ buộc vào thân cây ngay đầu đường mòn ngược lên, ở chân thác nước. Đến lúc này, chúng tôi mới nhận ra là mình đã nhầm hướng từ trái sang phải và con đường mòn ngược lên, sẽ hứa hẹn quãng đường về đỡ vất vả, gian nan hơn. NISAVA

< Điểm Cực Bắc thiêng liêng trên dòng sông Nho Quế.

Từ điểm chúng tôi tụt xuống, phải đi men qua thác nước chừng 500m mới tới điểm cực Bắc. Động viên nhau nhảy qua các tảng đá ven bờ sông, luồn qua rừng cây leo rậm rạp, thận trọng trườn qua vách đá cao vút, trượt chân là rơi tõm xuống bãi đá nhọn dưới mặt sông…

Cực Bắc hiện ra với mỏm đất bình yên nhô ra ven bờ sông, cạnh tảng đá to như chiếc bàn nước. Phía bên kia là bãi đá nhỏ cũng nhô ra khiến lòng sông đoạn này hẹp lại, chảy cong cong hình vòng thúng. Hải An bấm GPS: Đúng tọa độ  23*23’33,5”N, 105*19’22,3E và thì thầm: “Trước nhóm chúng ta, chỉ có 2 tốp du khách mạo hiểm xuống đến đây với số lượng 8-9 người!”.

< Hỗ trợ nhau trườn qua những đoạn đường trơn trượt.

3 giờ chiều, mặt trời đã nghiêng xuống phía Tây. Do ở rừng, buổi tối sập xuống rất nhanh nên chúng tôi quay lại thác nước, tìm đường mòn ngược lên. Con đường là cứu tinh với những vết cỏ trượt dài, dấu bã mía rải rác (cho thấy có người đi lại mới đây) và gấp khúc hướng lên đỉnh.

Cả bọn lê từng bước nhỏ với gậy chống trong tay, không cho phép nghỉ lâu bởi sẽ cứng cơ. Ngược dần, ngược dần để chứng kiến hoàng hôn biên giới lung linh huyền ảo, mặt trời đỏ chót từ từ tụt xuống khe núi cao hùng vĩ giữa 2 nước; những bông lau trắng uốn lượn theo gió làm cả triền núi bập bềnh tựa sóng biển và hoa dại tím ngắt, xòe cánh tinh khôi tràn cả lối đi, dẫn lên trên…

10 phút đi 1 phút nghỉ, chiếc mũ bông tôi thấm nước dưới sông được truyền tay nhau cho từng người trong nhóm… mút lấy sức đi tiếp. Cô bé Trinh và Thảo nhẩn nha từng bước vượt lên phía trước, tôi và Hải An động viên hỗ trợ bạn Phúc, chống gậy lần từng bước trên đường mòn.

Ý định gọi người từ thôn Xéo Lủng xuống cáng dìu Phúc – Trinh như ban đầu, bị gạt sang 1 bên bởi ý chí nghị lực phi thường của 2 người trẻ lần đầu đi đường mòn biên giới và tôi chỉ gọi nhờ Sùng Mí Mỉ (Bí thư Chi bộ thôn Xéo Lủng, Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), mang nước ngọt xuống tiếp tế.

Cái gọi là “hạnh phúc”, thực sự vỡ òa khi lên đến đỉnh dốc, Mỉ đợi sẵn với mấy chai nước ngọt lạnh toát, đưa cho từng người và cũng lúc mặt trời chìm nghỉm sau rặng núi xa. Sùng Mí Mỉ bảo: “Các anh chị đã đi được quãng đường, xuống được nơi mà nhiều người không thể!” và chắc chắn: “Ở Lũng Cú, còn nhiều chỗ rất thiêng liêng, chứ không chỉ có Cột cờ!”. Với tôi, quãng đường trượt xuống Cực Bắc sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên và cảm xúc thiêng liêng khi chạm tay vào bờ sông Nho Quế trở thành niềm động viên vô bờ: “Mọi khó khăn đều sẽ vượt được qua”, trong suốt hành trình đi dọc biên cương…

Theo Mai Thanh Hải (iHay.Thanhnien)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *