Huế là một thành phố ở miền Trung Việt Nam và là tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn, Huế nổi tiếng với những đền chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc gắn liền với cảnh quan thiên nhiên.
Tổng quan
Tọa độ: 16°28′N 107°36′E / 16.467, 107.6
Tỉnh: Thừa Thiên-Huế
Thành lập thành phố: 21/12/1945
Đô thị loại 1: 24/8/2005
Diện tích tổng cộng: 83,3 km²
Mã điện thoại: 54
Biển số xe: 75
Phân chia hành chính: 24 phường, 3 xã
Lịch sử và tên gọi
– Thuận Hóa
Năm 1306, Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, đổi lấy hai châu Ô và Rí làm sính lễ!
Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp thu vùng đất mới và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Việc gom hai châu này làm một dưới cái tên phủ Thuận Hóa được thực hiện dưới thời nội thuộc Nhà Minh. Đến đời Nhà Hậu Lê, Thuận Hóa là một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, (thế kỷ 17- 18) là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.
– Phú Xuân
Năm 1626, để chuẩn bị cho việc chống lại họ Trịnh, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi Dinh làm Phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt Phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn, dời Phủ chúa về làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà và năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên làm nơi đặt Phủ mới. Đến khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh. Năm 1802, sau khi thống nhất Việt Nam, vua Gia Long đã đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh sư.
– Địa danh Huế
Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh Huế chính thức xuất hiện lúc nào. Một số kiến giải về địa danh Huế đã căn cứ trên những dữ kiện về ngôn ngữ và từ điển thì có thể chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa.
Khí hậu
Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng nực oi bức, nhiệt độ có khi lên tới 35-40 độ C. Tháng 8 đến tháng 1 là mùa mưa, trong đó từ tháng 10 trở đi là mùa bão lụt, nhiệt độ trung bình 20 độ C, có khi xuống thấp đến 9 độ C. Mùa xuân kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 2.
Văn hoá Huế
Thuận Hóa – Phú Xuân -Huế có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển khoảng gần 7 thế kỷ (tính từ năm 1306). Trong khoảng thời gian khá dài ấy Huế đã tích hợp được những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa Huế. Truyền thống ấy vừa mang tính đặc thù – bản địa của một vùng đất, không tách rời những đặc điểm chung của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam; trong tiến trình hình thành văn hóa Huế có sự tác động của văn hóa Đông Sơn do các lớp cư dân từ phía Bắc mang vào trước thế kỷ 2 và sau thế kỷ 13 hổn dung với thành phần văn hóa Sa Huỳnh tạo nên nền văn hóa Việt – Chăm. Trong quá trình phát triển, chuyển biến có ảnh hưởng của các luồng văn hóa khác các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây…
Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung, được thể hiện rất phong phú trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, lề lối ứng xử, ăn – mặc – ở, phong cách giao tiếp, phong cách sống…
Đến
Bằng máy bay
Sân bay Phú Bài có những chuyến bay hàng ngày đến và từ TpHCM và Hà Nội, nhưng các chuyến bay này thường bị trì hoãn do thời tiết xấu vào mùa mưa (giữa tháng 10 – giữa tháng 12). Khoảng 25 phút bằng taxi để đến trung tâm.
Sân bay Đà Nẵng, tốn khoảng hai giờ đi xe hơi từ đường hầm Hải Vân.
Giá tham khảo
+ Jetstar: từ HCM – Huế: Jet Saver 450.000 – Jet Flex 850.000
Bằng xe lửa/tàu hỏa
Có vài chuyến tàu mỗi ngày đến Hà Nội, TpHCM, Đà Nẵng (4 giờ). Các chuyến xuôi miền nam qua đèo Hải Vân thì quang cảnh rất ngoạn mục, và từ Đà Nẵng bạn có thể đi taxi hoặc xe gắn máy đến Hội An.
Một vé tàu nằm hạng hai từ TpHCM đến Huế tốn 455.000đ và bạn có thể ngắm cảnh dọc đường suốt chuyến đi.
Bằng xe buýt
Hầu hết các xe và open tour đều đi qua Huế. Từ Huế có thể đi Hội An, Đà Nẵng hoặc ra Hà Nội.
Ngoài ra còn có xe buýt thường xuyên đi Savanakhet và Vientiane ở Lào. Xe đi lúc 6 giờ sáng và 18hPM. Chuyến đi Savanakhet mất 12 tiếng và giá 12USD, đi Vientiane mất 20 tiếng và vé từ 15-20USD. Phương tiện có thể là minibus, xe máy lạnh hoặc một xe 30 tuổi đời. Đôi khi phải đổi xe 3,4 lần. Vé có thể mua ở bất cứ đại lý vé nào ở trung tâm Huế.
Dạo quanh
– Bằng taxi
Một chuyến xe đi 2 lăng mộ, tính cả thời gian chờ sẽ tốn khoảng 200.000đ.
– Bằng xe gắn máy
Thuê một xe gắn máy và gia nhập vào dòng người địa phương dọc đường. Mỗi ngày thuê giá 5USD, thuê từ các khách sạn và cửa hàng.
Xe đạp cũng là một sự lựa chọn khoảng 20-30.000đ ngày.
– Bằng xích lô
– Đi bộ
Huế tương đối nhỏ, vì thế bạn có thế đi bộ đến các khách sạn nhà hàng và kinh thành. Nhưng cần phải đi xe đến các lăng mộ.
Ở
Nhà trọ Hoàng Hương
Giá phòng từ 60 – 200 ngàn.
46/2D Lê Lợi. ĐT: 054.828509
Nhà trọ Mimosa
Giá phòng từ 12-15US$
46/6D Lê Lợi. ĐT: 054.828068
Khách sạn Phượng Hoàng
Giá phòng từ 10-25 US$.
48/3Đ Lê Lợi. ĐT: 054.826736
Khách sạn Hoa Sen
Giá phòng từ 15-25US$
33Đ Đinh Công Tráng. ĐT: 054.525997
Century Riverside Hotel
Giá phòng từ 70-200 US$
49Đ Lê Lợi. ĐT: 054.823390
Ẩm Thực
Cơm hến
Cơm hến là món ăn dân dã, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị. Cơm cồn hến người ta còn cho nó cái tên sang trọng: “Cao lâu cồn” để tôn vinh cái giản dị, mộc mạc, thanh đạm mang đầy chất Huế.
Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương…
Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi, kêu cái “bụp!” rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon cơm hến. Thế nên, có người còn gọi là “món ngon trời hành”.
Các thôn nữ đội nón lá mỗi sáng gánh cơm hến đi khắp các ngả đường cất tiếng rao lanh lảnh ngọt ngào “hến khô… ông” là hình ảnh và âm điệu không thể nào quên của những người xa Huế.
Vả Huế
Là món ăn dân dã của Huế và vả cũng trở thành món ăn thượng lưu của du khách khi đến Huế. Vả đã để lại trong lòng người xa quê nỗi nhớ quê nhà.
Thiên nhiên dành cho Huế một loài cây thuộc họ sung nhưng trái lớn, đó là cây vả. Vả cho trái ăn vừa ngọt vừa bùi. Vả tạo thêm hương vị đậm đà ngon miệng cho các món ăn từ xào, nấu, kho cho đến ăn sống. Món rau sống kèm với những món ăn như bún thịt nướng, bún thịt kẹp tôm chua, bánh khoái, thịt bò nhúng dấm… thì vùng miền nào cũng như nhau, nhưng ở đây kẹp với miếng vả trắng hồng chấm với mắm nêm trộn với ớt xanh vừa giòn vừa cay đến độ hít hà thì không gì ngon bằng.
Đặc biệt là món vả trộn. Để có món vả trộn xúc ăn với bánh tráng, luộc vả trong nước sôi cho đến lúc nào có thể dùng tay chà bóc lớp vỏ xanh, xong cho vào nồi luộc tiếp cho thật nhừ, bóp tơi quả vả cho thật nhuyển. Mè đem rang vàng chà vỏ, thịt nạc và da heo luộc chín xắt hạt lựu, ướp gia vị nước mắm, hành tiêu, bột ngọt, muối, ớt bột… Các thứ trên trộn đều thành hỗn hợp, thái nhỏ rau thơm, hành, ngò rải trên mặt. Vả trộn ăn với bánh tráng (bánh đa) nướng.
Chưa dừng ở món vả trộn, vả còn cho vào kho chung với thịt heo, thịt bò nhưng hấp dẫn hơn cả là vả kho với cá rô, cá nục, cá ngừ…
Bún bò giò heo
Tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Bún thì không đâu không có, nhưng hình thức của con bún thì mỗi miền mỗi khác. Ở Hà Nội, xưa và nay cũng la liệt bún “bún riêu, bún chả, bún ốc, bún thang…” mà có lẽ đặc biệt nhất là bún chả, sợi bún rất mảnh lại cuộn từng lá mỏng, còn chả thì là thịt ba chỉ cặp vào thanh tre rồi đem nướng trên than hoa, chẳng khác gì bún thịt nướng ở Huế nhưng ngon hơn nhờ nước chấm và rau húng. Ở Huế cũng thế, có bún giò heo.
Dọc hai bên đường bạn sẽ gặp ngay ở đây những gánh bún rất bình dân nhưng cũng rất ngon, rất đông khách… Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Đặc biệt là nồi bún, một nồi bằng nhôm dẻo rất mỏng và được người thợ gò xứ Huế gò rất khéo, trông giống một chiếc nồi đồng ngày xưa nhưng sâu và miệng rộng hơn. Cái nồi được chùi rửa kỳ cọ rất kỹ nên bao giờ cũng sáng trắng, trông rất thích mắt.
Ăn một tô bún đang bốc khói, những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng móng giò được ninh mềm nhừ, với một chút màu trắng của những cọng rá và màu xanh của rau sống, húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh bạn sẽ thấy vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản, chắc chắn bạn sẽ không quên được cái hương vị này. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Bánh bèo xứ Huế
Không biết có từ bao giờ, nhưng bánh bèo đã là một đặc sản, một món ăn không thể thiếu của người dân xứ Huế. Bánh bèo có mặt từ mâm cơm dân dã ở mỗi gia đình cho đến các bữa tiệc, ngày lễ, ngày Tết và các dịp đãi khách trọng thể.
Có dịp đến Huế, mới thấy bánh bèo gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân cố đô như thế nào. Khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều, đâu đó trên các ngõ phố những phụ nữ gọn gàng trong bộ áo dài thong thả bách bộ với quanh gánh nhẹ trên vai hoặc chiếc thúng nhỏ cắp ngang hông, đi bán bánh bèo, bánh lọc đến từng nhà. Người Huế rất thích và đã thành thói quen dùng loại bánh đầy hương vị quê nhà này vào các bữa ăn phụ, chỉ cần 1.000 đồng là đã có một đĩa bánh bèo lót dạ thơm ngon. Bánh bèo cũng không thiếu trong các bữa “cơm vua” phục vụ khách du lịch và trong các bữa tiệc “cơm cung đình” chiêu đãi các khách quý.
Ở Huế bây giờ còn mọc lên nhiều “phố bánh bèo” quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm… Những “phố bánh bèo” này, thực khách không chỉ là dân Huế mà phần đông là khách từ phương xa đến. Quả thật, ai có dịp đến Huế cũng đều muốn thưởng thức món bánh bèo – một món đặc sản của đất cố đô. Huế còn có nhiều quán bánh bèo, nậm lọc nhưng không ai là không biết đến quán bánh lọc bà Đỏ. Dân Huế thường gọi quán bánh bèo, nậm, lọc Bà Đỏ là quán bánh lọc Mụ Đỏ. Ngoài các loại bánh như bánh lọc, bánh bèo, bánh nậm, ở đây còn có món bánh lá chả tôm rất ngon.
Bánh khoái
Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo bốc lên quyến rũ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa.
Quán Lạc Thiện, số 6 Đinh Tiên Hoàng, TP Huế, trước cửa Thượng Tứ, phía Đông Nam kinh thành Huế.
Ngoài quán Lạc Thiện, còn có thể thưởng thức món bánh này ở quán Lạc Thạnh, quán Hồng Mai… trong nội thành Huế.
Tổng hợp từ khaihoanbar, internet