(DLQT) – Qua thực tế công tác và quá trình khảo sát để lựa chọn những khu vực, bãi biển phục vụ cho việc kêu gọi các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển tại Quảng Trị cho thấy có thể hình thành 09 khu vực, bãi tắm du lịch biển. Trong đó có 05 khu vực, bãi tắm thuận lợi, 04 khu vực, bãi tắm mức độ thuận lợi trung bình và 1 khu vực, bãi tắm không thuận lợi cho du lịch tắm biển – nghỉ dưỡng.

Năm khu vực, bãi tắm thuận lợi cho việc phát triển du lịch tắm biển – nghỉ dưỡng, gồm: Cửa Tùng, Bắc Cửa Việt đến Nam Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Thái Lai và bãi biển cách mũi Chặt 300m về phía nam. Trong các khu vực, bãi biển này thì các bãi biển Cửa Tùng, Bắc Cửa Việt Nam Cửa Tùng và Mỹ Thủy đã được đưa vào khai thác trong thời gian qua, các bãi tắm còn lại đều có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thì hầu như chưa có gì.

Các khu vực, bãi tắm có mức độ thuận lợi trung bình chủ yếu có đặc điểm vật liệu cấu tạo bãi tắm không phù hợp, gồm: bãi giữa mũi Lay và mũi Bang, bãi phía nam Cửa Việt, bãi giữa mũi Si và mũi Hàu và các bãi tắm thuộc xã Triệu Lăng. Các bãi này cấu tạo bởi vật liệu hạt thô có lẫn sạn, vỏ sò ốc do sóng đưa vào và xác thực vật do chính thực vật trên bãi rụng xuống. Tuy không thuận lợi cho hoạt động khai thác du lịch tắm biển nhưng các bãi này có thể làm bến đậu tàu thuyền đánh cá của ngư dân, đặc biệt là các bãi nằm trong cung bờ lõm của giữa các mũi nhô.
NISAVA

Hiện nay, bãi giữa mũi Lay và mũi Bang đã được sử dụng với mục đích này. Trên thềm biển cổ ở chân vách bazan còn có thể làm nhà ở. Các bãi còn lại tùy điều kiện cụ thể có thể phát triển nuôi trồng thủy hải sản nhưng phải đảm bảo vấn đề môi trường. Nếu có thể phát triển thì không những đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn có thể là nguồn cung cấp thực phẩm tốt cho các khu du lịch biển, gián tiếp thúc đẩy du lịch phát triển. Đặc biệt trong số các bãi biển trên có bãi giữa mũi Si và mũi Hàu mặc dù đặc điểm cát khá thuận lợi (cát trắng xám hạt trung xen cát xám vàng hạt thô), bãi khá rộng, không có đá ngầm, thậm chí đã có khách đến tắm nhưng hiện tại là bãi khai thác cát khá lớn nên không thể khai thác để tắm biển.

Bờ và bãi biển không thuận lợi cho tắm biển là mũi Si. Đây là mũi có cấu tạo bởi đá bazan nhô ra biển với đặc điểm đặc trưng là vách dốc đứng ở phía sau. Dọc theo bờ biển Quảng Trị, đoạn bờ biển cấu tạo bằng đá bazan có thể bắt gặp nhiều mũi tương tự. Tuy nhiên tại các mũi khác nằm ngay sát mép nước, dưới chân vách là đá tảng sắp xếp hỗn độn, còn tại mũi Si, chân vách là một bề mặt tương đối rộng được phủ bởi cát trắng xám tương đối mịn, phần sát mép nước mới lộ đá gốc.

Mặc dù không có khẳ năng khai thác phục vụ du lịch tắm biển nhưng các mũi bazan này góp phần làm giảm sự đơn điệu của cảnh quan, tăng sức hút với khách du lịch. Bên cạnh đó, các dạng địa hình mài mòn này có thể được khai thác loại hình tham quan nghiên cứu khoa học.

Du khách có thể tìm hiểu về các dạng địa hình mài mòn đặc trưng như vách mài mòn, nền mài mòn; hay quan sát khối bazan phong hóa đồng tâm hoặc có thể tìm hiểu lịch sử phát triển của địa hình…
NISAVA
+ Bãi tắm Cửa Tùng:

Bãi tắm Cửa Tùng nằm trong một cung lõm giữa hai mũi bazan nhô ra biển, có một vị trí khá đẹp. Địa hình phía sau là bãi khối bazan với vách dốc đứng cao 15m. Bề mặt dưới chân vách khá rộng và bằng phẳng đã được sử dụng để xây dựng hệ thống nhà nghỉ và nhà hàng phục vụ ăn uống. Hệ thống đường giao thông khá thuận lợi với đường chạy sát biển và đường chạy trên bề mặt khối bazan đều được trải nhựa với bề rộng 5m. Tuy nhiên, quy mô của bãi biển Cửa Tùng không lớn, với chiều dài khoảng vài trăm mét. Hơn nữa, bãi tắm Cửa Tùng lại nằm ngay sát cửa sông Bến Hải đổ ra biển. Tại khu vực này, vào mùa lũ nước biển bị đục bởi lượng phù sa do sông mang ra. Do vậy việc tắm biển trong thời gian này bị ảnh hưởng lớn.

Trong vài năm qua, người dân địa phương đã tự phát đổ thêm cát lấn ra bề mặt bãi biển để xây dựng lán phục vụ khách du lịch. Các lán này được xây dựng khá kiên cố đã làm thu hẹp diện tích bề mặt của bãi. Khi thủy triều lên hầu như toàn bộ bề mặt của bãi đều bị ngập nước, mép sóng vỗ đi sát vào chân các lán nghỉ. Việc đổ cát san phẳng bề mặt bãi lấy diện tích xây dựng đã làm biến đổi địa hình, làm tăng độ dốc bãi dẫn đến việc gia tăng nguy cơ xói lở. Cùng với việc làm biến đổi địa hình thì cảnh quan tự nhiên của bãi cũng bị phá hủy. Bên cạnh đó, chỉ cách bãi tắm vài chục mét là bến đậu thuyền đánh các của ngư dân địa phương. Điều này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi lượng rác thải và mùi tanh của hải sản.
NISAVA
Tại bãi biển Cửa Tùng, do quy mô bãi không lớn nên việc phát triển các loại hình du lịch khác trên bãi biển sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với danh tiếng của mình cũng như điều kiện giao thông khá thuận lợi, Cửa Tùng vẫn có khả năng thu hút khách du lịch. Tại đây cũng có điều kiện để xây dựng, phát triển các hình thức vui chơi giải trí khác như: các câu lạc bộ thể thao, khu gải trí… Cùng với đó, Cửa Tùng còn có khả năng kết hợp tốt với các điểm du lịch lân cận như: rừng nguyên sinh Rú Lịnh, cụm di tích đôi bờ sông Bến Hải…

+ Các bãi tắm Bắc Cửa Việt đến Nam Cửa Tùng:

Các bãi biển ở đây thuộc kiểu bãi biển xói lở – tích tụ cấu tạo bởi cát hạt mịn với chiều rộng bãi lớn (> 50m). Bề mặt bãi phẳng, cát trắng xám kéo dài dọc theo đường bờ, nước biển rất trong và xanh. Phía sau bề mặt bãi chuyển trực tiếp lên hệ thống cồn cát ven biển. Các bãi tắm này do nằm gần của sông Thạch Hãn, Sông Hiền lương đổ ra biển nên trong mùa nước lũ, nước biển khu vực này bị đục bởi lượng phù sa do sông mang ra. Bề rộng của dải nước đục này có thể lên đến vài km gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động tắm biển trong thời gian này.
NISAVA
Về mặt cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các bãi tắm trên đều đã được đầu tư về cơ bản với hệ thống đường giao thông được mở rộng và nâng cấp. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và nhà hàng phục vụ ăn uống được phát triển, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ và chưa được quy hoạch cụ thể nên có quy mô nhỏ, số lượng đạt tiêu chuẩn còn rất thấp. Tại Cửa Việt, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn còn khá sơ sài, thiếu cả số lượng lẫn chất lượng, chỉ dựng lại ở mức phục vụ tại chỗ nhu cầu tắm biển và ăn uống, khả năng phục vụ lưu trú còn thấp. Tại phía bắc bãi biển này, tương tự như bãi Cửa Tùng, thuyền đánh cá được đậu ngay trung tâm bãi. Việc đậu thuyền như vậy không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động du lịch mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho các hoạt động khai thác du lịch.

+ Bãi biển Thái Lai:

Bãi biển Thái Lai thuộc thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Bãi biển rất rộng, đẹp có chiều dài trên 1km và trong thời gian qua nó đã trở thành một địa chỉ ưa thích của du khách. Nhìn dọc bãi biển có thể thấy bãi cát trắng trải dài cùng hàng phi lao trên hệ thống cồn cát phía trong. Tuy nhiên, cảnh quan bãi biển còn đơn điệu, thiếu những đường nét đặc sắc và những điểm đặc biệt để thu hút du khách hơn. Hiện tại đường đi ra biển chỉ là những đường đất nhỏ, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn chưa có gì chưa thể phục vụ cho du lịch. Dọc theo bờ biển xảy ra tình trạng xói lở với cường độ mạnh khi có sóng to, gió bão hay triều cường. Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình khai thác khoáng sản Titan trong thời gian qua và góp phần làm thay đổi cảnh quan khu vực. Tuy nhiên, với ưu thế của bãi cát trằng, đẹp Vĩnh Thái có cơ hội để khai thác phát triển du lịch tắm biển nếu biết khai thác lợi thế từ biển.

+ Bãi biển Nam mũi Chặt:

Nằm cách mũi Chặt 300m về phía nam cũng là một bãi nằm trong cung bờ lõm giữa các mũi nhô như bãi Cửa Tùng. Bãi khá rộng với cát trắng xám mịn, nước trong xanh. Phía bắc của bãi là mũi Chặt với dốc đứng và đá tảng sắp xếp lộn xộn bên dưới, tạo nên cảnh quan không đơn điệu như bãi biển trên. Đây chính là điểm đặc biệt của bãi, du khách có thể cắm trại, tổ chức liên hoan ở khu vực này trên bề mặt bench khá rộng với rừng phi lao nằm liền kề tạo không gian xanh trên bãi biển.
NISAVA
Phía trong, sau bãi là bề mặt bazan rộng và bằng phẳng là nơi rất thuận lợi để xây dựng hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống. Hiện tại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa có gì nhưng trong khu vực này có nhà dân sinh sống, có đường giao thông chạy qua có thể sử dụng tốt, đường xuống biển dễ dàng. Khu vực này nằm cách Cửa Tùng khoảng 4 – 5km nên trong tương lai có thể liên kết phát triển du lịch tốt đồng thời có khả năng kết hợp với tour du lịch đi địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, rừng nguyên sinh Rú Lịnh…

+ Các bãi biển từ mũi Bang đến mũi Hàu:

Đây là các bãi do đặc điểm vật liệu cấu tạo bãi không phù hợp và đang được khai thác cát nên có mức độ thuận lợi trung bình cho tắm biển. Các bãi này cấu tạo bởi vật liệu hạt cát thô có lẫn sạn, vỏ sò, ốc do sóng biển đưa vào và xác thực vật do chính thực vật trên bãi rụng xuống. Trong tương lai, nếu được quy hoạch lại, đây sẽ là bãi có mức độ thuận lợi cao.

Các bãi biển nằm trong đoạn bờ này phần lớn đều nhỏ, song khá đa dạng về cảnh quan. Cùng với việc khai thác các bãi biển cho hoạt động du lịch tắm biển còn có thể kết hợp với hoạt động tham quan ngắm cảnh và nghiên cứu khoa học (hoạt động này có thể phát triển rất thuận lợi ở khu vực Vĩnh Linh do có khối bazan đặc trưng) cũng như kết hợp tài nguyên thiên nhiên với các tài nguyên nhân văn nhằm tạo các tuyến, điểm du lịch mới hấp dẫn du khách.

Theo quy hoạch tổ chức không gian tuyến, điểm du lịch các bãi biển đều được kết hợp trong các tour tham quan di tich lịch sử. Tuy nhiên do điều kiện lưu trú tại các bãi chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách nên các bãi biển mới chỉ dừng lại ở mức độ là một điểm dừng chân với thời gian ngắn. Việc bố trí và xây dựng hợp lý các địa điểm lưu trú sẽ góp phần đưa các bãi biển trở thành điểm dừng chân quan trong, lâu dài và không thể thiếu trong các tour du lịch. Cùng với nó, trong việc phát triển tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, các bãi biển này sẽ là điểm dừng không thể thiếu.

Đối với các bãi biển nằm trong cung bờ lõm giữa các mũi bazan, do tính chất nhỏ hẹp của bãi biển nên khó có thể phát triển bãi với quy mô lớn, tuy nhiên lại có khả năng kết hợp tốt với tài nguyên nhân văn, cụ thể ở đây là địa đạo Vịnh Mốc hình thành một điểm dừng chân lý tưởng trong tuyến du lịch. Như ta đã biết, trong số các cửa ra của địa đạo Vịnh Mốc có 7 cửa thông ra biển, trong đó có một cửa ra nằm gần mũi Bang. Từ cửa ra này hiện đã có đường dẫn thẳng xuống biển được xây dựng trên tường chắn sóng ở đoạn bờ này. Bãi biển tại đây có bề rộng không lớn, cấu tạo bởi cát hạt trung màu xám vàng đến vàng. Các đặc điểm về mặt hình thái bãi biển gần tương tự so với bãi biển Cửa Tùng, tuy nhiên bãi này có độ dài lớn hơn. Bên cạnh đó, do vị trí nằm xa cửa sông nên bãi này hầu như không chịu ảnh hưởng bởi lượng phù sa từ sông mang ra biển trong mùa lũ. Do vậy hoạt động tắm biển có thể vẫn diễn ra bình thường trong thời gian này.
NISAVA

Ngay phía trên bãi bề mặt có một thềm biển ở độ cao 3 – 4m tương đối bằng phẳng có thể bố trí hàng quán dịch vụ phục vụ ăn uống, hàng lưu niệm… Trong hành trình của tuyến du lịch thăm địa đạo, du khách có thể đi ra bằng của này, xuống biển nghỉ ngơi và tắm biển tại đây. Sau khi kết thúc tuyến thăm quan địa đạo, vừa bước ra khỏi không gian trong lòng đất du khách có thể ngay lập tức cảm nhận được không gian bao la, rực rỡ của nắng và gió biển. Sự thay đổi này dễ dàng đem đến những cảm nhận thú vị cho du khách, thậm chí tăng lòng cảm phục đối với người dân Vĩnh Linh đã từng sống, chiến đấu và hồi sinh từ trong lòng đất. Điều này rõ ràng làm tăng hiệu quả của chuyến du lịch, đem lại những cảm nhận sâu sắc khó quên.

+ Bãi biển Mỹ Thủy:

Nằm trong phạm vi đoạn bờ biển có dạng thẳng kéo dài theo hướng tây bắc – đông nam, với độ dốc bãi trung bình, sau bãi là dạng địa hình gò đụn cát thoải, đoạn bờ biển tại khu vực Mỹ Thủy khá thuận lợi cho việc xây dựng các trung tâm nghỉ mát.
NISAVA

Bãi biển mỹ Thủy và khu vực xung quanh có cảnh quan thiên nhiên đẹp với các làng chài ven biển điển hình của miền Trung. Bờ biển ở đây có đặc điểm tương tự như khu vực bắc Vịnh Mốc. Điểm khác biệt là tính phân bậc của bãi triều ở đây rõ hơn, bãi biển dốc hơn, vật liệu cấu tạo nên mặt bãi có kích thước lớn hơn và nước biển cũng trong hơn. Phía trong chuyển tiếp dần sang dải đồng bằng cấu tạo bởi cát rất rộng (trên 5km). Đoạn bờ biển này còn thể hiện dấu vết biểu hiện rõ loại bờ biển đầm phá và đụn cát đã hoàn thành (phân biệt với Thừa Thiên Huế là chưa hoàn thành).

Nói chung, 75km bờ biển với cát trắng, nước trong xanh, hải sản phong phú tươi ngon, địa hình đa dạng và nguyên sơ, đa phần đất đai là bãi, đụn cát, rừng phòng hộ ven biển đã được quy hoạch và căm mốc bảo vệ sẽ rất thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch biển Quảng Trị trong tương lai.

Theo Nguyễn Văn Dương (Dulich.Quangtri)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *