(BCT) – Bỏ qua những lo toan, thư giãn vào cuối tuần ở Chùa Di Đà là lựa chọn đáng để đến một lần…

Xe của chúng tôi bắt đầu lăn bánh tại TP Cần Thơ vào lúc 17 giờ 30 phút thứ sáu. Trước khi đi, chị trưởng đoàn căn dặn rất cụ thể: “Ban ngày Bảo Lâm nắng chói chang, nhưng đêm thì chưa đến 15oC, nhớ mang theo đồ ấm”. Xe có máy điều hòa không khí, nhạc du dương, nên chẳng ai cảm nhận được cái lạnh thật sự, chỉ đến khi bước chân xuống đất Bảo Lâm vào lúc 2 giờ sáng. Lạnh, lạnh và lạnh là cảm nhận của những người đang đắm mình trong cái nắng đồng bằng bỗng chạm đến buốt giá của Tây Nguyên.

Cái lạnh bỗng dịu đi khi xa xa, tiếng chim mơ hồ ríu rít. Ai đó trong đoàn chợt thốt lên “Tiếng chim trong rừng sâu, giống như trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu đây mà”.
NISAVA
Cái lạnh như chợt dễ chấp nhận khi tiếng cười nói trong đoàn xuýt xoa trước không khí trong veo của núi rừng. Cả đoàn mang hành lý, tìm chỗ ngủ trong phòng lưu khách của Chùa Di Đà, ở Thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Giấc ngủ chìm sâu bởi không gian thoáng đãng, im ắng lạ kỳ.

Cả đoàn thức giấc vì tiếng chuông ngân vang vào lúc 5 giờ sáng. Không cần phải đi đâu xa để ngắm bình minh trên cao nguyên, bởi khuôn viên Chùa Di Đà quá đẹp. Những luống trà thoai thoải theo triền đồi, những cây cà phê ra bông thơm nức mũi, những chiếc chuông gió đu đưa…

Mặt trời lên, những hạt sương long lanh trên đọt trà dần tan ra, một người nhanh tay hái những đọt trà tươi và hãm vào bình. Một bàn trà được đặt giữa hồ thủy tạ, cà phê nguyên chất được hái từ vườn chùa, rang xay tại chỗ thơm phưng phức, pha nóng hổi, làm những người khó tính vừa than thở rằng “Chẳng nơi đâu lạnh thế này”, giờ mắt long lanh vì hạnh phúc.
NISAVA

Mặt trời lên cao, sương tan, lạnh tan dần, cái đói làm mọi người trở về thực tại. Bữa sáng tại chùa, chỉ bao gồm: mì chay, rau xanh trong vườn chùa và tàu hủ của những người làm công quả, mà ngon đến lạ, bởi sự tự do, thư thái khi thưởng thức mì, không áp lực cuộc sống, không mạng xã hội…

Sau bữa sáng, đoàn bắt đầu hành trình chinh phục Thác Tam Hợp. Thác này ở phía sau chùa, buổi tối, vẫn nghe tiếng thác vang. Ấy vậy mà phải mất hơn 30 phút mới xuống tới thác đầu tiên, sau khi vượt qua những vườn cà phê, vườn trà thơm ngát. Xen kẽ là những cây sầu riêng, vú sữa và những cây cổ thụ bị lan rừng đeo kín thân.

Vào mùa sầu riêng chín, những trái sầu riêng rụng sẽ là điểm lý tưởng để du khách dừng chân và thưởng thức sầu riêng được trồng ở vùng đất đỏ bazan.

Thác Tam Hợp được hình thành bởi 3 dòng nước lớn đổ xuống từ độ cao 70 mét. Thác đầu tiên thấp, không có sự hùng vĩ như mong đợi, nhưng vào mùa mưa, nước vẫn tung trắng xóa. Tiếp tục đi xuống, vượt qua những tầng đất, cỏ, rong rêu thêm 30 phút nữa, mới đến thác thứ hai, cao và rất đẹp. Vào một ngày đẹp trời, những tay máy lãng du có thể bắt gặp cầu vồng ánh dưới chân thác.

Điều thú vị là du khách không thể bắt gặp cầu vồng bên trên, chỉ thấy ẩn dưới chân thác qua các bức ảnh. Dưới chân thác, cơ man là hoa dại, không tên, đủ màu sắc, níu chân người. Trở về chùa, khi mặt trời xuống núi, du khách có thể ngồi xem sư trụ trì và thanh niên trong làng đá bóng trên sân cỏ tuyệt đẹp. Xa xa, những đàn chim nối đuôi nhau bay về núi.
NISAVA
Tối đến, những người thích tĩnh lặng, nên tìm đến phòng khách của Chùa Di Đà, nơi ấy có sẵn bình trà, phin pha cà phê, ấm siêu tốc…

Bên ngoài phòng khách là một hòn non bộ được xây công phu, dưới nước có đàn cá đang tìm chỗ ngủ.

Buổi tối ở đây rất lạnh, vì vậy, thay vì thưởng thức trà, cà phê ở hồ thủy tạ như ban sáng, người ta thường chọn phòng khách. Phòng này được thiết kế theo phong cách nhà sàn của người Châu Mạ, làm bằng gỗ và có kính trong suốt bao quanh, nên du khách vẫn có thể ngắm trăng xuyên qua hàng cây, tỏa bóng xuống mặt nước, nghe tiếng đêm…

Rõ ràng là có duyên, hôm chúng tôi đến chùa, Phật tử Huệ Hoa cũng từ TP Hồ Chí Minh ra. Chị mang thật nhiều giấy đã cắt sẵn, chúng tôi đã cùng gấp thành những hoa đăng, chuẩn bị cho ngày khánh thành Chùa Di Đà vào tháng 4-2018 sắp tới.
NISAVA
Những hoa đăng đủ màu sắc dần thành hình, bên ngoài trăng lên cao soi sáng cả căn phòng, trông hư hư, thực thực… Uống trà, ngắm trăng, xếp hoa đăng rồi cùng trao đổi về những câu chuyện cuộc đời. Chỉ vậy thôi, đã thấy lòng nhẹ nhàng khó quên.

Ẩm thực bên ngoài chùa

Vì Chùa Di Đà không cho mang thực phẩm mặn vào, nên những du khách nào không thể ăn chay cả ngày, có thể liên hệ với Trưởng thôn K’Kim ở Thôn 6, xã Lộc Tân để đặt suất ăn ở làng Đăng Đừng, cách chùa hơn 1km.

Những món ăn dân dã nơi này, gồm có: canh lá sắn, lá bép xào, cà đắng nướng và đặc biệt là món thịt luộc quấn lá trà… được chị Ka Mết- vợ anh Kim làm rất ngon. Món thịt gà núi được luộc vàng ươm, vừa tươi ngọt, vừa thơm mùi trà tươi…

Nếu đi đoàn nhiều người, du khách nên chọn món heo rừng nướng mọi. Heo rừng ở đây được nuôi bán hoang dã, thả rong, tìm thức ăn dưới những đồi trà, nên ít mỡ, thịt dai.
NISAVA
Ăn tại nhà của người dân tộc Châu Mạ, nên du khách đừng câu nệ đũa, nĩa. Bởi ăn gà luộc, heo rừng nướng ở đây, phải dùng tay. Thức ăn kèm chỉ có xôi hấp và một chén muối tiêu chanh, không rau củ… Nước uống là rượu cần. Rượu cần của người Châu Mạ có ngâm với mật ong, nên có màu hổ phách, thơm, ngọt, rất dễ uống và cũng dễ say. Khi đã chếch choáng hơi men, du khách sẽ cùng nhảy múa với người Châu Mạ bên ánh lửa bập bùng. Người Châu Mạ rất hiếu khách, nên bữa tiệc đêm thường rất vui và rất dài…

Theo H.Thanh (Báo Cần Thơ)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *