Ngày nay, tủ lạnh đã giúp các bà nội trợ rất nhiều trong việc dự trữ thực phẩm, tiết kiệm được tiền bạc và khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, các bà nội trợ quá phụ thuộc vào chiếc tủ lạnh “đa năng” của gia đình. Bất cứ loại thức ăn thừa nào cũng cho vào tủ lạnh để hôm sau hâm nóng và ăn lại. Hầu hết mọi người đều nghĩ, sinh ra chiếc tủ lạnh là để chứa thức ăn, để thức ăn chín vào đó vi khuẩn sẽ không sống được vì nhiệt độ quá thấp. Nhưng ít ai ngờ rằng, để thức ăn thừa trong tủ lạnh và hâm nóng lên ăn tiếp sẽ gây nguy hại tới sức khỏe.
Tiến sĩ Lâm Văn Mân, trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm đã chỉ rõ tại sao không nên hâm nóng thức ăn để trong tủ lạnh (?) và cách bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh không gây hại cho sức khỏe.
Không nên hâm nóng thức ăn thừa trong tủ lạnh
Tiến sĩ Mân cho biết: “Việc cất thức ăn thừa vào tủ lạnh để hôm sau hâm nóng lại và ăn là không nên. Bởi trong thực phẩm thừa có nhiều vi sinh vật gây hại. Khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, những vi sinh vật đó chỉ ngừng hoạt động. Vì vậy, lấy thức ăn ra hâm nóng lại cũng không thể diệt hết các vi khuẩn này và người ăn dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao”.
Ngoài ra, tiến sĩ Mân cho biết thêm, ngay từ đầu khi thấy lượng thực phẩm chín dùng không hết, các bà nội trợ nên lấy riêng ra một lượng nhất định cho vào các hộp để nguội rồi đậy nắp kín rồi đưa vào tủ lạnh. Khi nào cần ăn thì lấy ra hâm nóng. Như vậy, sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe của con người.
Thức ăn thừa hâm nóng lên gây ung thư?
Có nhiều thông tin cho rằng, thức ăn thừa hâm nóng lại sẽ bị vi khuẩn tấn công và tạo các hợp chất Nitrit. Khi đó, nhiệt độ khiến lượng Nitrit này tăng đột biến. Đặc biệt, Nitrit có thể gây ngộ độc thức ăn, nếu tích tụ lâu ngày có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan, thận và dạ dày. Như mới đây, có thông tin cho rằng, một bà mẹ bị ung thư vì nhiều năm ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh. Tuy nhiên, tiến sĩ Lâm Văn Mân khẳng định, hiện nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh thức ăn thừa hâm nóng lại có nguy cơ gây ung thư.
“Nitrit có phải là nguyên nhân gây ung thư hay không vẫn chưa được giới khoa học thống nhất. Người ta biết rằng Nitrate có sẵn trong thực phẩm, khi ăn dưới tác dụng enzyme tiêu hoá hoặc vi sinh vật sẽ chuyển hoá thành Nitrit dạng Nitric Oxide tốt cho sức khoẻ hoặc Nitrosamines – không tốt cho sức khoẻ”, tiến sĩ giải thích rõ quá trình chuyển hóa thành Nitrit.
Tiến sĩ lý giải thêm, trong chế biến thịt, Nitrit được cho vào với mục đích giữ cho thịt có màu đỏ hồng và người ta nhận thấy người ăn nhiều thịt chế biến sẵn có nguy cơ bị ung thư cao và Nitrit bị quy là nguyên nhân. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong rau quả hàm lượng Nitrate cao hơn rất nhiều so với thịt – và rau quả đã được chứng minh tốt cho sức khoẻ.
“Nitrit độc hại khi nào? Đó là khi nitrit ở nhiệt độ cao với sự có mặt của axit amin như khi nướng thịt thì nó sẽ chuyển thành dạng nitrosamines độc hại, không tốt cho sức khoẻ”, tiến sĩ Lâm cho hay.
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách
“Để thực bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh, nhiệt độ tủ nên được cài đặt ở nhiệt độ 0 – 50 độ C. Ở nhiệt độ trên 50 độ C vi sinh vật gây hại vẫn có khả năng phát triển”, tiến sĩ Lâm nhấn mạnh.
Đồng thời, tiến sĩ khuyên các bà nội trợ bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh bằng những cách sau:
– Thực phẩm sau khi nấu chín cần đưa vào tủ lạnh cất giữ trong vòng 2 giờ, nếu để ở ngoài hơn hai giờ không nên đưa vào cất giữ trong tủ lạnh.
– Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp.
– Không được đưa thực phẩm vào bảo quản trong tủ lạnh khi còn nóng, vì nó có thể làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh và làm các thực phẩm khác tăng nhiệt.
– Các thực phẩm chín lưu giữ trong tủ lạnh cũng chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.
Theo Vân Anh (Khám Phá)