Ngay từ đầu tháng 11, tin tức về việc cá mập kéo nhau về vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thậm chí vào tận những rạn san hô xung quanh Cù Lao… tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phóng viên Chuyên đề ANTG đã ra tận nơi, trực tiếp gặp gỡ những ngư dân lão luyện đã 3 thế hệ chuyên săn cá mập ở vùng biển này để tìm hiểu rõ thực hư…
1. Cù Lao Chàm là một cụm đảo, bao gồm 8 hòn đảo nằm ngoài khơi, cách bờ biển Cửa Đại, Hội An 15km. Cù Lao Chàm là một di chỉ gắn liền với sự phát triển của thương cảng Hội An, còn lưu giữ nhiều di tích gắn liền với nền văn hóa Chăm Pa, Đại Việt. Cù Lao Chàm, ngoài việc đã được công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới, còn trở nên nổi tiếng khi hàng chục ngàn cổ vật thuộc dòng gốm Chu Đậu được trục vớt tại vùng biển này.
Ngay sau khi thông tin “cá mập xuất hiện”, đã có nhiều cú điện thoại của những “tín đồ” bộ môn snorkeling (bơi ống thở ngắm san hô) và scuba diving (lặn biển với bình khí nén) dồn dập gọi đến tôi hỏi về tính xác thực. Có thể đối với những khách du lịch tắm biển đơn thuần, thông tin trên không quá quan trọng vì mùa du lịch trọng điểm ở Cù Lao Chàm đã qua.
Có thể đối với cả những công ty lặn biển, thông tin trên cũng không quá quan trọng vì mùa lũ lụt đã tới, lượng nước khổng lồ đỏ phù sa đổ ra biển đã khiến nước xung quanh vùng san hô đục đến mức khó có thể quan sát dưới đáy biển, nên các dịch vụ liên quan đến hoạt động lặn biển tại Hội An đa phần đã ngừng. Nhưng đối với những người yêu thích môn lặn biển trót đam mê những rặng san hô tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới này, thông tin đó liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ.
Đa phần những thắc mắc ấy xoay xung quanh chuyện cá mập về quanh vùng biển Cù Lao Chàm là hiện tượng bình thường hay bất thường, thông tin đưa cá mập vào tận những rạn san hô thì là rạn san hô nào, có phải là những nơi đang diễn ra hoạt động lặn biển hay không? Hơn thế nữa, tại sao cá mập lại xuất hiện vào thời điểm này, liệu chúng có xuất hiện vào thời điểm khác nào trong năm nữa hay không? Tại sao những thông tin chi tiết hơn nữa không được đưa ra để mọi người đỡ nghi ngại? Liệu tình trạng có đến mức như những gì đã xảy ra ở Quy Nhơn khi cá mập tấn công người tắm biển ngay giữa ban ngày hay không?
2. Phải đến ngày thứ hai và hơn chục cú điện thoại thuyết phục, ông Lê Lanh mới đồng ý cho tôi gặp và hỏi chuyện. “Anh thông cảm, nghề này phải “cữ” (kiêng kỵ) nhiều thứ, nên rất ngại phải bị chụp ảnh hay nói chuyện nghề”, lão ngư dân đã 60 tuổi với 40 năm tuổi nghề câu cá mập trên vùng biển xung quanh khu vực Cù Lao Chàm thẳng thắn nói. Ba thế hệ nhà ông Lanh, từ người cha đã mất là cụ Lê Rựa, đến đời ông, rồi tiếp nối là trưởng nam Lê Lẹ nay cũng đã hòm hòm trên 20 năm tuổi nghề câu cá mập, là một trong những dòng tộc gắn bó với cái nghề săn cá dữ lâu đời nhất trên hòn đảo cách bờ biển Hội An 15km này.
Anh Lê Lẹ ra bãi Làng đón tôi rồi dẫn dẫn đường vào sâu xóm dân cư trung tâm xã đảo Tân Hiệp. Rẽ vào một ngách nhỏ phía cuối xóm, vào đến nhà ông Lanh cũng là lúc cha con ông đang chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi câu cá mập vào sáng sớm hôm sau. Hai cha con ông Lanh, những người giàu kinh nghiệm nhất, đang làm “thẻo” (dây câu cá mập, bao gồm 3 sợi cước 140 bện xoắn lại thành 1), cậu con rể thì đang làm phao cờ.
Đã vượt qua được những ngại ngần về tâm lý, ông Lanh trải lòng giải thích cho tôi về kinh nghiệm làm bộ đồ câu cá mập. Mỗi một bộ “thẻo” hoàn chỉnh bao gồm 1 lưỡi câu inox to đến 4,5 ly; lưỡi câu ấy được móc vào “mí” (một sợi dây inox chắc chắn dài khoảng 30 phân); rồi “mí” mới được nối vào sợi dây cước đã bện. Mỗi một bộ “thẻo” tiêu chuẩn phải có độ dài 3 sải (khoảng 5m). 17 bộ “thẻo” như vậy, tương ứng với 17 lưỡi câu, sẽ được buộc vào một phao xốp có cắm cờ đánh dấu ký hiệu riêng của từng tàu, rồi thả xuống biển, được neo cố định trên mặt biển bằng những hòn đá to buộc phía dưới phao. “Trung bình, mỗi chuyến đi câu biển thì thuyền tui thả 5 phao, khoảng 90 lưỡi, mỗi phao cách nhau khoảng 500 sải (750m)”, anh Lê Lẹ cho biết.
“Không hề có chuyện cá mập cá nhám vào tận những bãi san hô quanh đảo đâu. Cả đời tui ở đây cũng chưa hề thấy chuyện đó”, vừa nhanh tay quấn “thẻo”, ông Lê Lanh vừa chắc chắn khẳng định. “Tui đi câu mập, ngoài chuyện phải đi đúng mùa cá mập về Cù Lao Chàm chỉ kéo dài 2 tháng từ tháng 9 Âm lịch đến tháng 11 Âm lịch, còn phải ra tận ngoài khơi mấy hải lý, buông gần trăm lưỡi câu… mà có hôm được hôm không. Cá mà vô tận đây thì tụi tui nhàn quá”, ông cười.
Bổ sung thêm, anh Lê Lẹ cho biết, anh chỉ tận mắt chứng kiến được cá Ông (cá voi) và cá heo bơi vào gần Cù Lao Chàm khi đứng nhìn từ trên mũi Đá xuống, chứ cá mập và cá nhám thì chưa hề thấy bao giờ. “Tuyệt đối không có chuyện cá mập vô sát bờ đâu”, anh Lẹ khẳng định.
3. Chiếc thuyền nhỏ do đích thân anh Lê Lẹ cầm lái đưa tôi chạy thẳng từ cầu tàu Cù Lao Chàm ra ngoài biển để anh chỉ đích danh địa điểm đánh bắt cá mập quen thuộc của ngư dân bao lâu nay. Vượt qua vùng nước yên ả bên trong Cù Lao Chàm, vừa ra khỏi vùng biển chỗ mũi Đá, những cơn sóng đại dương bắt đầu vần chiếc thuyền nhỏ lắc lư trồi lên tụt xuống. Trỏ tay ra phía Tây Bắc, anh Lẹ lớn tiếng để át tiếng gió: “Tính từ mũi Đá, là điểm cực bắc của đảo Cù Lao Chàm, thuyền chạy ra ngoài kia tới 2,5 đến 3 hải lý (mỗi hải lý tương đương 1,85 km) thì mới đến điểm thả câu”.
Cũng theo lời anh Lẹ, mùa đánh bắt cá mập chỉ kéo dài độ 2 tháng, và không phải hôm nào cứ muốn đi câu mập là cũng được. Cá mập và cá nhám chỉ ăn mồi vào những hôm trời mù mịt, thời tiết xấu, biển động, gió lên tới cấp 5 cấp 6. Một thuyền đi câu mập từ 4 đến 5 người phải xuất phát từ 5 giờ sáng, đến 5 giờ chiều thì trở về. Tất cả các hoạt động câu cá mồi, móc mồi, thả câu, chờ cá ăn và kéo câu đều diễn ra trong khoảng 12 tiếng đồng hồ đó. “Ngày trước thì mập nhiều lắm, giờ thì ít đi nhiều rồi, nhưng giá cũng cao hơn ngày trước nhiều”.
Anh Lẹ cho biết, giá trung bình cho một con cá mập cái là 5 triệu đồng, cá đực là 2,5 triệu (cá mập cái vi dài, thịt to nên nặng ký, trung bình từ 50kg đến 60 kg/con, cá đực nhỏ thịt, chỉ từ 25kg đến 35kg/con). Cá biệt, có những con mập nặng tới hơn 2 tạ, bán được từ 15 triệu đến 17 triệu đồng. Nhưng câu cá mập vất vả ở chỗ phải đi vào hôm thời tiết xấu, riêng chuyện thả thuyền để ngồi câu cá lọt, cá lỵ hay cá cam làm mồi câu mập trong lúc gió to sóng lớn cũng là một cực hình cho người mới vào nghề. Đến khi cá dính câu kéo lên cũng phải là một nghệ thuật. 10 chiếc thuyền câu mập của ngư dân Cù Lao Chàm đều là thuyền nhỏ, nếu cá dính câu thì phải kéo gần tới ghe, đánh vào đầu cho chết mới kéo lên cho an toàn.
“Có nhiều khi kéo không khéo, cá giằng được nó táp một cái là cả miếng mồi nặng 1 ký, cả sợi “mí” bằng dây inox bền như vậy đứt ngọt như cắt”, anh Lẹ kể. Bản thân anh Lẹ 2 tháng nay đã phải nghỉ nghề đi chích thuốc vì khi kéo câu một con mập lớn, cú giật của nó, dù lưỡi câu đã móc sâu vào miệng, khiến anh va cả một bên sườn vào thành tàu, sắp lành rồi mà vẫn còn âm ỉ đau.
Chiếc thuyền nhỏ quay mũi trở về sau khi tôi đã xác định được tọa độ câu cá mập bao lâu nay là quá xa để có thể nhìn thấy được lưng cá mập từ Cù Lao Chàm, cũng như quá xa để có thể dùng từ “xung quanh” Cù Lao Chàm. Khi đi vào vùng nước lặng, châm một điếu thuốc, anh Lẹ bắt đầu kể cho tôi về những cái “cữ” (kiêng kỵ) mà chỉ nghề câu mập mới có.
Người ngư dân Cù Lao Chàm khi bắt cá mập, và ngay cả khi đưa cá mập đã chết lên thuyền, đều thể hiện một thái độ tôn trọng sinh vật đã đem lại cho mình nguồn sống. Người trên thuyền không được lấy chân đạp vào cá, chỉ được lôi chứ không được ôm con mập vứt qua vứt lại, không được lấy tay đánh ngang vào miệng cá. Đặc biệt, một điều kiêng cữ chắc mới chỉ ra đời trong thời đại công nghệ hiện nay khi máy điện thoại nào cũng có chức năng chụp ảnh: kiêng chụp ảnh khi cá đang còn ở trên thuyền câu. Chỉ đến khi nào cá được chuyển sang thuyền thu mua hay ra ngoài chợ thì mới được chụp ảnh.
4. Để khẳng định thêm về độ an toàn đối với khách du lịch, anh Lẹ đánh lái thuyền đưa tôi đi thị sát toàn bộ những rạn san hô cho phép kinh doanh dịch vụ snorkeling và scuba diving xung quanh Cù Lao Chàm. Chúng đều nằm sát dưới chân núi, phía bên trong khu vịnh Cù Lao Chàm, cách xa rất nhiều khu vực đánh bắt cá mập của ngư dân nơi đây. “Mong anh thông tin chính xác những gì mắt thấy tai nghe tới cho mọi người biết sự thực là như thế nào, tránh chuyện hiểu nhầm mà khách du lịch sợ đến với Cù Lao Chàm, ảnh hưởng đến miếng cơm của bà con”, anh Lẹ cười vui vẻ.
Sau chuyến đi tới Cù Lao Chàm, chúng tôi mới liên hệ với ông Nguyễn Đức Minh, Thư ký thường trực Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An. Ông Minh khẳng định chuyện cá mập vào tận những rạn san hô gần Cù Lao Chàm là không hề có. Ông Minh cũng đánh giá những thông tin này có thể ảnh hưởng tới tâm lý của khách du lịch khi sử dụng những dịch vụ dưới nước khi đến với Khu dự trữ sinh quyển. Ông Minh cho biết Ban Quản lý cũng sớm có động thái phản ánh tới các cơ quan truyền thông để cung cấp thêm những thông tin chính xác, tránh ảnh hưởng xấu không đáng có đến tiềm năng du lịch của Khu dự trữ sinh quyển.
NISAVA TRAVEL! – Theo CAND, internet
Từ đầu tháng 11, ngư dân ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) liên tục đánh bắt được cá mập trên vùng biển Cù Lao Chàm, cách bờ khoảng 3-4 hải lý.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, cho biết khoảng 10 con cá mập, mỗi con nặng từ 30 đến 80 kg đã liên tiếp sa lưới ngư dân trong vài ngày qua. Các thương lái đi tàu ra đảo mua cá mập với giá từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng một con tùy trọng lượng.
Theo ngư dân địa phương, những năm gần đây vào mùa gió chướng biển động (từ tháng 9 đến 11 âm lịch hàng năm), cá mập thường kéo đàn về quanh đảo Cù Lao Chàm trú ngụ trong những rạn san hô để kiếm ăn. Do đó các ngư dân thêm một nghề nữa là câu cá mập.
Hiện tại, ở xã đảo Tân Hiệp có hơn 40 người chuyên nghề câu cá mập. Những ngày qua “trúng cá mập”, họ bán cho tư thương mang về TP Hội An và Đà Nẵng bán lại cho các nhà hàng.
Theo VnExpress