(BKT) – Mỗi năm, vào mùa lễ hội, khi cái lạnh se se của gió xuân tràn về, làm các cánh rừng cứ xanh biếc lên, cũng là khi những ngôi làng Giẻ Triêng dìu dặt tiếng Đinh Tút, khi réo rắt, khi thủ thỉ như lời tâm tình. Phải chăng vì vậy mà Đinh Tút còn được biết đến như là âm thanh của núi rừng đón xuân về…!

1. Lần đầu tiên tôi được xem biểu diễn Đinh Tút, được thưởng thức “món lạ” Đinh Tút cũng vào cữ xuân như bây giờ, sau Tết Nguyên đán năm 2014 ít ngày, ở Đêm hội cồng chiêng Tây Nguyên – Những sắc màu văn hóa. Và, giống như sau Tết, ngất ngư bởi cá thịt, chợt được mời nếm một mụt măng tươi, Đinh Tút khiến tôi ngất ngây.

Tôi đã ngẩn ngơ xem không chán mắt kỹ thuật trình diễn “khác lạ” của những “nghệ sĩ” đến từ làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi). Này nhé, sáu người đàn ông đứng hàng dọc nối tiếp nhau, phân biệt từ ống dài nhất đến ống ngắn nhất. Người thổi ống ngắn nhất đi cuối cùng cũng là người điều khiển nhịp độ của bài nhanh hay chậm.

Điều này, mãi về sau tìm hiểu tôi mới biết, còn lúc ấy, đang mắt tròn mắt dẹt nhìn nghệ nhân vừa thổi vừa… múa. Động tác múa nhịp nhàng, người diễn tấu lắc lư toàn thân. Kìa, nhìn anh chàng đứng đầu hàng xem, điêu luyện lắm. Tay trái cầm Đinh Tút, tay phải ép sát vào ngực, tạo nên tư thế của thân hình nghiêng xuống với mặt đất. Tất cả tiến dần theo nhịp sáo, ngược chiều kim đồng hồ thành vòng cung. Múa và âm thanh, nhịp điệu kết hợp với nhau một cách hài hoà đến lạ.
NISAVA
Đặc biệt, khác với khi biểu diễn các loại nhạc cụ khác, như cồng chiêng, ting ning, klông pút…, nghệ nhân thường đóng khố, nghệ nhân thổi Đinh Tút lại choàng trên người một tấm thổ cẩm. Hãy nhìn xem, với tấm thổ cẩm choàng kín từ vai xuống gót chân, tay trái và gương mặt cúi xuống theo chiều chéo của ống nứa, những âm thanh trầm lắng cất lên đem đến cho người xem cảm giác có cái gì rất huyền bí.

Còn về âm thanh? Tiếng sáo Đinh Tút thổi lên, âm thanh của nó cứ bay bổng, lan tỏa, như đưa người nghe lang thang trên các triền núi cao, nơi định cư lâu đời của người Giẻ Triêng. Nơi ấy, mỗi năm vào mùa lễ hội, khi cái lạnh se se của gió xuân tràn về, làm xanh biếc các cánh rừng, tiếng Đinh Tút lại dìu dặt, thủ thỉ quanh làng, cầu mong một năm an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và no đủ, mọi người thương yêu và đùm bọc nhau.

Những âm thanh độc đáo, gợi mở đầy vơi, khiến người ta muốn nhún nhảy ấy lại phát ra từ những ống nứa chế tác rất đơn giản: một đầu chặt vát đi  hai bên miệng ống, tạo thành một hình tam giác cân, đầu kia vẫn bịt kín bằng mắt ống. Khi biểu diễn, nghệ nhân ghé miệng vào thổi, hơi cúi xuống…

Âm thanh cả sáu ống cùng cất lên nghe như tiếng thì thầm của tâm hồn con người. Giai điệu lúc này hoàn toàn dựa vào năng khiếu bẩm sinh của mỗi người, và có lẽ đã thấm sâu vào máu thịt, nên những nghệ nhân đang biểu diễn ấy chỉ cần cầm cây Đinh Tút, đưa lên miệng là âm thanh cất lên, mềm mại và uyển chuyển.
NISAVA

Hôm ấy, tôi phục lăn anh bạn đã ứng khẩu thành thơ khi xem diễn tấu Đinh Tút: “Âm thanh gió, âm thanh nước. Âm thanh đá. Âm thanh rừng. Đọng vào đây… Gọi mời. Đầy vơi. Nhạc theo nhịp chân. Nhún nhảy. Tưởng cùng Đăm San đi bắt nữ thần mặt trời…”.

Không thể nào sát hơn, lột tả được cái “thần” của Đinh Tút hơn thế này nữa – Tôi thành tâm khen. Anh bạn cười cười: Mượn lời của nhà thơ Hữu Chỉnh (Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk) ấy mà.

Tôi mê Đinh Tút từ đấy!

2. Chuyện cổ tích Giẻ Triêng kể rằng: nhà kia có 6 chị em, cha mẹ đi làm rẫy xa lắm, để đàn con nhỏ ở nhà trong coi lẫn nhau. Nhiều đêm nhớ hơi ấm của cha mẹ không ngủ được, mấy chị em ôm nhau nằm lắng nghe tiếng gáy của con dế dưới sàn nhà.

Sẵn có những ống trỉa lúa cũ, bị thủng dựng bên góc nhà, chị cả cầm lên thổi theo tiếng dế để dỗ cho các em đừng khóc nhè. Âm thanh u u lạ tai phát ra từ chiếc ống nứa, lôi kéo được sự chú ý của những đứa trẻ thèm hơi mẹ, khiến nỗi buồn quên đi đôi chút.

Nhiều lần như thế, 6 chị em mới bàn nhau tìm 6 ống nứa bắt chước tiếng kêu thủ thỉ của dế, thay lời kể lể nỗi mong ngóng với cha mẹ và để làm trò vui. Vậy là bộ sáo 6 ống nứa ra đời, nay chính là sáo Đinh Tút.
NISAVA
Tôi được nghe câu chuyện cảm động về nguồn gốc cây Đinh Tút vào một buổi chiều se se gió xuân ở nhà già Brol Vẻ (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi).

Cũng theo ông, còn có cách lý giải khác về sự ra đời của Đinh Tút. Vì người Giẻ Triêng làm nương rẫy ở vùng quanh năm lộng gió nên mùa trỉa hạt, trong lúc lom khom trỉa hạt giống thì từ ống lồ ô đựng hạt giống phát ra những âm thanh trầm bổng rất vui, làm con người bớt mệt nhọc. Sau này, có người mày mò làm theo, vậy là Đinh Tút được tạo ra.

Theo tiếng Giẻ Triêng, “Đinh” có nghĩa là ống, “Tút” có nghĩa là âm thanh hoặc giai điệu. Đinh Tút là ống phát ra âm thanh, giai điệu. Có lẽ vì “xuất xứ” như vậy mà khi thổi, nghệ nhân phải nhún nhảy mô phỏng những động tác của người đang trỉa lúa hoặc nhổ cỏ, giặm lúa…
NISAVA
Một bộ Đinh Tút thường có 6 ống, tương ứng với 6 người thổi, mỗi ống có đường kính chừng 3cm, nhưng dài ngắn khác nhau. Ống dài nhất cho âm thanh trầm, ống ngắn nhất cho âm thanh cao. Mỗi ống một cao độ khác nhau, cũng còn tuỳ thuộc vào luồng hơi nhẹ hay mạnh hoặc vừa phải của người diễn tấu nữa. Điều này phụ thuộc vào sự nhuần nhuyễn và tai nghe của nghệ nhân, làm sao để cùng hoà vào nhau thành một giai điệu hoàn chỉnh – già Vẻ giải thích.

Các ống Đinh Tút có cấu tạo khá đơn giản, một đầu rỗng để thổi và một đầu có mắt kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một bên miệng ống. Muốn thổi Đinh Tút hay, đòi hỏi phải có sức khỏe, có kỹ thuật, đồng thời, phải kỹ càng trong khâu chế tác.

Tùy thuộc vào từng bài Đinh Tút mà người thổi hòa âm với nhau theo ba hoặc bốn cặp một. Trong quá trình thổi Đinh Tút thì cặp ngắn và nhỏ nhất sẽ thổi trước, kế đến là cặp trung, rồi đến cặp dài nhất, khi tất cả cùng hòa âm với nhau, phối hợp những điệu múa sẽ tạo nên một dòng chảy âm thanh và động tác không dứt.
NISAVA
Nhưng vì sao khi diễn tấu Đinh Tút, sáu người đàn ông lại khoác tấm vải chứ không phải đóng khố như các loại nhạc cụ khác, già ơi? – Tôi hỏi. Già Brol Vẻ cho hay, đây là “quy định” được truyền lại từ xa xưa. Khi thổi Đinh Tút, những người đàn ông (dù già hay trẻ) đều không được đóng khố mà phải khoác tấm vải che kín từ vai xuống chân, tay phải giấu vào bên trong, chỉ thò tay trái ra cầm ống Đinh Tút để thổi.

Người già kể lại rằng – già Brol Vẻ chậm rãi – xưa kia, Đinh Tút thường dùng khi làm lễ cúng gọi hồn lúa từ nương rẫy về làng. Mà hồn lúa, theo quan niệm của người Giẻ Triêng, là một cô gái xinh đẹp nhưng rất yếu đuối, lại nhút nhát nữa, nếu thấy bóng dáng đàn ông, hồn lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy, sang năm sẽ mất mùa, đói kém. Vì vậy, khi thổi Đinh Tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của phụ nữ. Lâu dần, đã hình thành lối diễn tấu nhạc cụ rất độc đáo này.

Cũng như các nhạc cụ khác có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ lao động sản xuất, Đinh Tút có vị trí đặc biệt trong đời sống của người Giẻ Triêng, và nó gắn với các lễ hội mùa xuân, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của người Giẻ Triêng mình – già Brol Vẻ tự hào…

Già Brol Vẻ lại khẽ khàng nâng cây Đinh Tút, rồi khẽ khàng lau. Lại một mùa lễ hội đang về, cái lạnh se se của gió xuân đã len lỏi khắp nơi, làm bật lên những chồi non xanh biêng biếc ở các cánh rừng, cũng là chuẩn bị đến mùa “ăn tháng uống năm”. Ít ngày nữa thôi, những ngôi làng Giẻ Triêng lại dìu dặt tiếng Đinh Tút báo hiệu mùa xuân.

Có lẽ vì vậy mà Đinh Tút còn được biết đến như là âm thanh của núi rừng đón xuân về…!

Theo Hồng Lam (Báo KonTum)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *