Tháng ba qua đi, cuốn theo những ngày mưa giăng kín trời, mây đã tan, bầu trời trở lên trong trẻo. Từng vạt nắng chiếu qua rặng nhãn trên sườn đồi, mang theo hơi ấm của mùa hè trong tiết trời tháng tư. Hoa nhãn bắt đầu trổ bông, những chùm hoa tự hình sim vươn lên phía trước, vàng rực một khoảng trời. Và đây cũng là mùa bọ xít sinh sôi nảy nở, chích hút những gì tinh túy nhất của cây, làm cây dần héo úa.

Tháng tư cũng là khoảng thời gian mà những người Mường miền trung du, đất tổ quê tôi tất bật với việc chăm sóc cây nhãn. Liệu nói là chăm sóc có đúng không, có người từng hỏi tôi: “Thế mà gọi là chăm sóc ư? Phải nói là vừa chăm sóc vừa thu hoạch mới đúng chứ?”. Thật vậy, nơi đây họ chăm sóc cây nhãn bằng một phương pháp thuần túy nhất… Bởi ý nghĩ đã đi sâu vào tiềm thức của họ rằng nhãn là cây của núi rừng, chỉ cần bắt sâu bọ là cây sẽ khỏe mạnh, tươi tốt. Mà loài sinh vật gây hại cho cây thì chủ yếu vẫn là bọ xít.

< Trên những cây nhãn, những con bọ xít đậu tập trung ở khắp các ngọn cây, cành hoa…

Nếu như ở các vùng miền khác, người ta thường dùng thuốc hóa học để diệt bọ xít. Thì ở đây, người Mường tự chế tạo ra một dụng cụ đó là chiếc sào được làm bằng thân cây sặt, một đầu được gắn túi lưới tạo thành chiếc vợt giống như vợt mà ngư dân thường dùng để đi câu cá, bắt cá. Nhưng vợt này chỉ chuyên dùng cho bắt bọ xít mà thôi. NISAVA

< Sau khi bắt được những con bọ xít được đổ vào xô nước để tránh bay đi.

Những con bọ xít màu nâu vàng óng bám chi chít trên những chùm hoa, chồi non đua nhau chích nhựa, chỉ cần đưa vợt vào rung nhẹ là bọ xít đã rơi xuống lưới, đặc biệt hơn, loài côn trùng này có thói quen giả chết, nên gần như rất ít khi thấy chúng bay ra khi bị rúng động. Chỉ đơn giản vậy là đã bắt được bọ xít rồi.

Khác với người anh em cà cuống đã tạo nên hương vị bất hủ cho ẩm thực Việt nhờ tuyến mùi thì với bọ xít cần phải loại bỏ tuyến mùi đó đi. Thật đó, bọ xít hôi lắm, mùi lắm, nhưng dưới bàn tay khéo léo của người Mường thì nó lại trở thành một món ăn giàu dưỡng chất và cực kỳ hấp dẫn.

Để sơ chế bọ xít làm món ăn có nhiều cách, người miền xuôi thường hòa nước vôi ấm khoảng 40-50 độ C thì người Mường lại hòa muối hạt với nước ấm rồi đổ bọ xít sống vào, nước muối này sẽ làm cho chúng tiết ra hết tuyến hôi trong cơ thể, tuyến hôi này chính là vũ khí tự vệ của chúng.

< Những con bọ xít sau khi được vặt hết cánh, được cho vào nồi đun sôi rồi vớt ra để ráo nước rồi cho lên bếp đổ dầu ăn rang chín giòn.

Rồi bọ xít được vặt chân, vặt cánh bỏ đi, rửa sạch hết phần phấn trắng bám ở bụng, để cho ráo nước. Sau khi làm sạch bọ xít, mùi hôi của chúng vẫn còn vương vất lại, nhưng mùi khó chịu này sẽ tan biến ngay khi được chế biến, bởi bản chất mùi hôi của chúng vốn là các hợp chất hữu cơ, các hợp chất này sẽ bị phân hủy và bay hơi khi được đun nấu ở nhiệt độ cao.

< Gia vị duy nhất ăn với bọ xít là lá chanh thái chỉ và một chút nước cốt chanh.

Để bắt đầu chế biến món bọ xít này cần một chảo mỡ đun nóng già, sau đó trút bọ xít vào chiên, đảo đều tay cho đến khi vàng rộm, tỏa mùi hương đặc trưng thì nêm thêm chút mắm, muối cho đậm đà rồi rắc một chút lá chanh thái chỉ lên trên là đã có một đĩa bọ xít chiên giòn thơm phức. NISAVA

Món ăn đặc biệt này, có thể coi là kỳ dị đối với những ai chưa từng biết đến. Nhưng nếu ai đã một lần được thưởng thức thì khó lòng mà quên được vị bùi bùi, béo ngậy, giòn tan của món ăn. Bình dị mà đậm chất núi rừng nơi này.

Phạm Thị Hương Liên (Dân Việt)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *