Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) là một địa danh thuộc xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Cù lao có tổng diện tích là 277 hecta, được bao bọc bởi dòng chảy chính của sông Đồng Nai và dòng chảy phụ tẻ nhánh bao trọn cù lao nhập vào dòng chính và chảy xuôi về Sài Gòn.
Trên cù lao là một ngọn đồi nổi cao 15m so với mặt bằng khu vực, có cấu trúc như hình mu rùa với tọa độ địa lý 10058’47” vĩ bắc và 106047’17’’ kinh đông. Nơi đây, đã phát hiện một di tích khảo cổ, có niên đại 3.500 – 3.000 năm. Nơi có đặc điểm về sinh thái, cộng đồng dân cư người Việt đã tồn tại hơn 300 năm vùng đất mới trong tiến trình mở cõi của dân tộc.
< Một số cổ vật khai quật từ cù lao Rùa.
Từ khi những di tích khảo cổ ở Đông Nam Bộ được phát hiện vào cuối thế kỷ XIX như: Mỹ Lộc, Bến Đò… thì Cù Lao Rùa là di tích được biết đến đầu tiên và được các nhà nghiên cứu người Pháp sưu tập, khai quật, công bố từ lâu trong giới khảo cổ học nước ngoài biết đến nhiều nhất và họ xếp di tích này vào thời đá mới hậu kỳ.Và qua nhiều lần điều tra, thám sát của các nhà khảo cổ thuộc Việc Khoa học Xã hội vùng Nam bộ vào năm 1976, 1998, 1999, 2000, 2001.
< Cầu Thạnh Hội.
Đó là vào năm 2003, di tích này được tổ chức khai quật có qui mô gần 400m2, với 5 hố đào đã phát hiện nhiều di vật có giá trị cao.Kết quả thu được bộ răng voi, 1.254 hiện vật nguyên vẹn bằng đá và đất nung (rìu các loại, bàn mài các loại, khuôn đúc, đục các loại, vòng tay, bi gốm, dọi se sợi, gốm tròn, cuốc, dao, và đồ tùy táng); phục chế hình dạng của hiện vật bằng cách kết gắn từ những gớm rời nhau lại được 48 hiện vật gốm (Bát bồng, nồi, chậu, đĩa chân cao, tô lớn, âu, hủ,..); thống kê phân loại 85.901 mảnh gốm, gốm mộ táng có 6.791 mảnh, trong đó phân loại, loại hình, chất liệu, màu sắc, gốm tô màu, xương gốm, hoa văn trang trí,… NISAVA
< Xa xa là ngọn đồi, nơi tọa lạc của chùa Khánh Sơn Cổ Tự.
Cuộc khai quật lần này, kết hợp với những đợt thám sát di tích cho thấy Cù Lao Rùa là khu di tích cư trú- mộ táng. Di tích cư trú với nhiều công cụ bằng đá và hàng ngàn mảnh gốm vỡ các loại; di tích mộ táng với việc phát hiện 12 mộ. Sau hơn 100 năm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện mộ táng một di tích có niên đại sớm như di tích Cù Lao Rùa. Với phát hiện này di tích Cù Lao Rùa đã mở ra một hướng tiếp cận mới về táng thức, cơ tầng kinh tế – xã hội của cộng đồng cư dân tiền sử Đông Nam Bộ.
Về cộng đồng cư dân lập nghiệp hơn 300 năm trên đất cù lao: Vào năm 1766, cư dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng do chiến tranh khốc liệt đói khổ, chạy trốn truy đuổi của chính quyền phong kiến và trốn lính đã vượt biển, ngược dòng sông Lòng tàu đến Cù Lao rùa lập nghiệp. Sau đó có ít người Hoa (họ Ôn, Đường, Dương), đã sang Đại Việt, cùng với lưu dân người Việt khai phá đất Cù Lao trồng cây, cấy lúa dọc mé sông, với các giống lúa Baxe, Chùm cụt … Đến năm 1851, trên toàn Cù Lao đã có 360 khẩu. Hiện nay tại đây có khoảng hơn 2500 người.
Nếu du khách đứng trên núi Bửu Long (Biên Hòa) hay núi Châu thới (Dĩ An) phóng tầm mắt, với óc tưởng tượng nhìn Cù Lao Rùa giống hình con rùa thần nổi bồng bềnh giữa dòng sông Đồng Nai. Đồi đá cao (Tân Hội) là đầu rùa. Cồn đá là lưỡi rùa. Giữa hai đồi có rừng cây (gần bến đò Tân Hội) dài 300 mét, rộng 100 mét là cổ rùa. Làng Nhựt Thạnh và đồng ruộng Tân Hội là thân rùa. Cồn Khai long nhọn lấn ra ngã ba sông Cái là đuôi rùa.
Xưa kia, trong các hang đá tại đây còn có loài rùa đen và vàng sinh trưởng. Đêm về tháng 5, tháng 6, rùa thường bò ra khỏi hang ăn cỏ non. Người đi làm ruộng sớm thường bắt được rùa con. Có con lớn nặng đến 5 ký.
Trên các đồi đá lớn và nhỏ có nhiều loại gỗ quý như: Dầu, Sao, Bời Lời, Lòng Mức, Giáng Hương… nhiều cây ăn trái như: Mít, Xoài, Sấu và nhiều loại dây leo (mây, trường) dùng làm võng, nài cày. Ngoài ra, vùng này còn có Cọp, Heo rừng, nhiều Chồn, Chim ó, Hoàng anh, Tu hú, Vành khuyên, Két, Rù rì, Chèo bẻo…
Vào năm 1848, khi cuộc sống ổn định, nhân dân đã góp tiền lập đình thần ở 02 làng Tân Hội và Nhựt Thanh, miếu thờ, nhà vuông và xây chùa thờ Phật. Năm 1851, vua Tự Đức có sắc phong đình thần Thạnh Hội, thờ thần hoàng bổn cảnh, nhớ ơn người có công khai phá, bảo vệ vùng đất Cù Lao. Tại đình thần có ghi dấu ấn kiến trúc của người Việt, với khát vọng chinh phục thiên nhiên. Những bức phù điêu sơn thủy, với hình tượng “Cá Hóa Rồng” gợi nhớ về phong cảnh quê hương cũ và mong ước cuộc sống thánh thiện nơi đất mới. Cổng tam quan của đình đắp nổi hình hổ chầu, voi phục với hoài bão bắt thú dữ phải thần phục con người và tăng thêm uy lực của thần linh. Tại đình có nhà túc làm nơi nghỉ ngơi của vua quan khi du hành, dán các bố cáo, công văn của chính quyền, quan viên địa phương hội họp bàn bạc việc làng, lễ hội.
< Quy Dự viên ở Cù lao Rùa, bên trong có tấm bia khắc bài thơ Quy Dự vãn hà (Quy = rùa, dự = cù lao).
Cứ vào ngày sóc (mồng một) và vọng (rằm), dân chúng tụ tập tại nhà túc để nghe tuyên đọc các mệnh lệnh của chính quyền, quy ước của làng. Ở các ấp còn có nhà vuông (nền, mái vuông) thờ Ngũ Hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) nơi cúng thanh minh (sinh linh không có người chăm sóc mồ mả giỗ cúng) và là nơi hội họp bàn bạc công việc của xóm ấp. Người quá cố được thân nhân đem lễ vật và cặp vịt đến Nhà vuông tạ ơn thần hoàng, thổ địa. Các tộc họ lớn như họ Mai, họ Dương có nhà từ đường, thờ Thủy tổ (hiện nay còn 02 nhà cổ trăm năm của tộc họ Mai, kiến trúc theo kiểu nhà rường của người Việt cổ, với 03 gian hai chái, 06 hàng cột).
< Cánh đồng Thạnh Hội (cù lao Rùa), dãy cây xanh nhô cao phía xa là gò Rùa.
Trên đất Cù Lao xưa còn có thờ Bà Đại càn quốc gia Nam hải. Lớp các cụ lục, bát tuần đã nằm lòng về sự tích này. Bà là chánh hậu Vua Hùng sinh được 01 con trai. Nhưng do chế độ phong kiến hình thành, mâu thuẫn quyền lực nảy sinh, bọn gian thần đã lấy cắp bộ sinh dục của con trai và đày mẹ con Bà ra đảo xa. Khi đến cửa Càn thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị một trận cuồng phong đắm thuyền. Hai mẹ con Bà chết. Dân chài đã vớt xác hai mẹ con Bà chôn cất và lập miếu thờ. Nhiều người tin, Bà hiển linh, phù hộ cho dân chài ăn nên làm ra, đánh bắt nhiều cá. Lưu dân người Việt đi lập nghiệp ở Cù Lao Rùa mang theo tâm linh này thờ và biết ơn Bà đã phù trợ cho dân vượt biển an toàn. Hàng năm vào ngày 16/12 (âm lịch), dân làng, kể cả những người làm ăn xa đều có mặt tại đình thần và các nhà vuông dự lễ. Lễ hội miếu Bà, thường có múa bóng, tái hiện cảnh vượt biển xưa.
< Một cánh đồng bạc hà ở cù lao Rùa.
Tháng 12/2009, cầu Thạnh Hội nối từ huyện Tân Uyên vào cù lao Rùa xây xong. Đáng lẽ cù lao phải có 2 chiếc cầu, một vào và một ra, nhưng ở đây chỉ một. Ở phía Bửu Long, Biên Hòa muốn qua cù lao Rùa vẫn phải đi đò, còn nếu muốn đi đường bộ phải đi một vòng qua quốc lộ 1K, tỉnh lộ 743, đường dài thêm… 12 km. Long và Quy vẫn cách nhau 1 dòng sông. Có chiếc cầu, cù lao Rùa thông thương được với bên ngoài tốt hơn. Đã có những con đường rải đá. Đã có ngôi trường tiểu học được xây lên. NISAVA
Ngôi chùa cổ Khánh Sơn nằm trên gò Rùa (chính là ngọn đồi cao, chiếc mu rùa trên thân rùa), ngôi chùa 200 năm tuổi. Nơi đây có những tảng đá ong to lớn nằm lặng yên như ấp ủ quá khứ mấy ngàn năm. Chính từ những tảng đá ong này lịch sử mấy ngàn năm đã được khơi dậy.
< Bình yên bên dòng sông Đồng Nai.
Sau khi tìm hiểu một số nét văn hóa lịch sử ở cù lao này, khách lại theo những con đường, đi một vòng quanh “đảo”. Ở đây, người dân vẫn chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và trồng nhiều cây bạc hà và hành. Thôi thì về với đồng quê, hãy xắn quần lội xuống ruộng hành để hiểu và yêu hơn những giọt mồ hôi của người nông dân bao đời vất vả và đó cũng là một trải nghiệm thú vị cho một chuyến đi…
Cù lao Rùa, ai chưa đến cứ ngỡ là xa nhưng quả thật xưa chỉ cách một chuyến đò ngang nếu tính từ Tân Ba, Thạnh Phước. Bằng không thì cây cầu Thạnh Hội nối liền đôi nhịp, như muốn mời gọi bạn phương xa…
Trích từ SVHTTDL Bình Dương, Vncgarden
NISAVA TRAVEL!