Hà Nội có một “Thăng Long tứ trấn” với bốn ngôi đền thiêng để ta sùng kính. Và, Hà Nội còn có “Thăng Long tứ quán” nổi danh để ta cảm nhận một thời “Tam giáo đồng nguyên”. Bốn đạo quán của Thăng Long xưa, dù nay được gọi bằng các tên mới, nhưng mỗi “quán” vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống rất sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt tâm linh của nhân dân.
Trên địa bàn Hà Nội rộng lớn ngày nay có nhiều loại hình di tích lịch sử – văn hóa là chùa, đình, đền, miếu, quán, phủ, nhà thờ… Quán là một dạng đền với Đạo giáo (tức đạo Lão); là nơi tu hành của những người theo Đạo giáo. Hà Nội có các quán ở khắp nội thành và ngoại thành.
Thăng Long tứ quán là bốn quán lớn của đất Thăng Long xưa, gồm: Trấn Vũ quán – nay gọi là đền Quán Thánh, ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình; Huyền Thiên quán – nay là chùa Huyền Thiên, ở phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm; Đồng Thiên quán – nay là chùa Kim Cổ, ở phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm; Đế Thích quán – nay là chùa Vua, ở phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng.
Đạo giáo được du nhập từ phương Bắc vào nước ta từ đầu Công nguyên cho đến thời Mạc. Từ thời Lê Trung hưng, Đạo giáo bắt đầu lụi tàn, suy thoái. Những đạo quán được chuyển thành chùa, bên cạnh các tượng Thánh của Đạo giáo còn có thêm tượng Phật; duy chỉ còn Trấn Vũ quán có tượng Trấn Vũ quá lớn, nên vẫn giữ được bản chất đạo quán.
– Trấn Vũ Quán
Quán Trấn Vũ còn gọi là đền Quán Thánh, có lẽ là cái tên được nhiều người biết đến nhất; quán tọa lạc ở số 13 đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Hình ảnh và âm thanh tiếng chuông Trấn Vũ khá quen thuộc với mỗi người khi con thơ bé: “Gió đưa cành trúc la đà/ tiếng chuông Trần Vũ, canh gà Thọ Xương”. Hơn nữa, quán Trấn Vũ cũng nổi danh là đền thiêng trấn phía Bắc trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ.
Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma quỷ trong khi xây dựng thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc (thánh coi giữ phương Bắc). Tương truyền, quán được xây dựng từ đời Vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028).
NISAVA
Ban đầu tọa lạc bên trong Kinh thành Thăng Long, đến năm 1474 khi mở rộng Hoàng thành, Vua Lê Thánh Tông đã cho di chuyển quán ra địa điểm bên cạnh Hồ Tây. Quán Trấn Vũ (đền Quán Thánh) đã được tu sửa nhiều lần, nhưng diện mạo hiện nay có từ lần sửa chữa năm 1893. Trong đền có pho tượng Trấn Vũ bằng đồng đen đúc năm Vĩnh Trị thứ hai (1677) đời Vua Lê Hy Tông (1676 – 1705). Tượng cao 3,96m, nặng 4 tấn, có hình dáng một người ngồi, y phục gọn gàng nhưng tóc lại bỏ xõa, chân không giày dép, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm; thân gươm có vắn quần và chống lên lưng rùa. Đó là hình dáng một đạo sĩ.
Lễ hội đền Quán Thánh được tổ chức vào các ngày 01-01 và 01-03 Âm lịch hằng năm. Đền Quán Thánh đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962.
– Huyền Thiên quán
Quán Huyền Thiên có tên chữ Hán là “Huyền Thiên Cổ quán”, thường gọi là chùa Huyền Thiên hoặc đền Huyền Thiên. Quán Huyền Thiên tọa lạc ở số 54 phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, quận Ba Đình. Quán Huyền Thiên là nơi thờ Huyền Thiên Thượng đế, một trong những vị thánh tiêu biểu của thần điện Lão giáo. Theo quan niệm của Đạo giáo, thần Huyền Thiên là vị thần có nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc.
Huyền Thiên cổ quán có bố cục kiểu “Nội công ngoại quốc”, các dấu tích kiến trúc, mỹ thuật hiện còn, đều mang dấu tích của những lần tu sửa nằm 1930, 1948. Sau Nghi môn – gác chuông là sân quán với hai nhà bìa lớn và hai giếng (tương truyền là hai giếng cổ thiên tạo). Tiếp theo là phần “Nội công” vẫn còn nguyên vẹn với Bái đường 7 gian, có kiến trúc theo kiểu vọng lâu hai tầng, tám mái, đây cũng là nơi đặt pho tượng Huyền Thiên.
Hằng năm, quán Huyền Thiên có hai ngày lễ lớn là 03-03 và 09-09 Âm lịch.
NISAVA
Với tính chất là một ngôi quán thờ Thánh (theo quan niệm Lão giáo), lại là ngôi chùa thờ Phật (theo quan niệm Phật giáo) và ngôi đền thờ Mẫu (theo tín ngưỡng dân gian Tam phủ – Tứ phủ), sự kết hợp hài hòa trong kiến trúc và tôn giáo đã làm Huyền Thiên cổ quán trở thành một điểm văn hóa, cảnh quan độc đáo trong khu phố cổ và Thủ đô Hà Nội. Quán Huyền Thiên đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007.
– Đồng Thiên Quán (chùa Kim Cổ)
Đồng Thiên Quán còn gọi là chùa Kim Cổ hoặc đền Kim Cổ, tọa lạc ở số 73 phố Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Đây nguyên thuộc địa phận thôn Kim Bát, sau đổi là thôn Kim Cổ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, Kinh thành Thăng Long; sau đó tổng Tiền Túc đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương.
Đồng Thiên Quán (chùa Kim Cổ) gắn bó với lịch sử tôn thờ Nguyễn Phi Ỷ Lan (?- 1117).
Thế kỷ XI, Vua Lý Thánh Tông đã xây dựng Cung điện tại Kim Cổ dành cho Nguyên phi Ỷ Lan. Thời gian Nguyên phi ở đây, Bà đã cho dựng quán Đồng Thiên trong khu vực Cung điện. Đầu thời Tây Sơn, quán được dời sang thôn An Thái, trên khu nền cũ, dân làng Kim Cổ đã dựng ngôi đền thờ Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Đời Tự Đức triều Nguyễn, cùng với việc mở rộng quy mô của đền thờ Ỷ Lan, Phật giáo cũng được đưa vào thờ tại đền, từ đó di tích có thêm tên gọi là chùa.
Nội dung Di tích chùa Kim Cổ hiện bao gồm việc thờ Phật và nơi tưởng niệm nhân vật lịch sử Nguyên phi Ỷ Lan.
Hiện nay, chùa Kim Cổ còn bảo lưu được bộ di vật gồm: 8 pho tượng Phật thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX, 01 tượng Nguyên phi Ỷ Lan ngồi trong khám, một số pho tượng Mẫu, tượng Chầu…
Chùa Kim Cổ được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1996.
– Đế Thích quán (chùa Vua)
Đế Thích quán (tức chùa Vua) là tên gọi chung quen thuộc của Cụm Di tích chùa Hưng Khánh và điện Thiên Đế, trước đây thuộc làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương; nay là số 17 phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.
NISAVA
Theo truyền thuyết, chùa Vua được xây dựng từ thời Lý. Đến thời Lê sơ (1428 – 1527), nơi đây là cung Thừa Lương, có chùa Hưng Khánh với hồ bán nguyệt, cây cối xanh tươi thường dành cho các bà chúa đến tắm gội. Một ông hoàng Triều Lê vốn tôn kính các bậc cờ cao đã lập đền thờ Đế Thích bên cạnh chùa. Hằng năm, Vua Lê cùng các hoàng tử và các đại thần, trước khi đến đàn Nam Giao làm lễ tế trời đất, thường đến đây cầu quốc thái dân an nên dân ta quen gọi là chùa Vua, và có câu “Muốn sống lâu, cầu Đế Thích” (sách nhà Phật và thần thoại Ấn Độ coi Thiên Đế trợ thủ Đức Phật Thích ca sơ sinh…, cũng là bậc Vua Cờ.
Thần thoại nước ta cũng xem Đế Thích là bậc cao cờ nhất trong thiên hạ). Thế là nơi đây trở thành trung tâm đấu cờ tướng của Kinh đô Thăng Long xưa. Sau này, dân làng Thịnh Yên có tục mở hội để kỷ niệm và thi đấu cờ tướng vào dịp đầu xuân.
Trong khuôn viên di tích có hai kiến trúc nằm sát nhau: Khu chùa Hưng Khánh có chùa chính làm theo hình chữ “Đinh”, điện Mẫu, hành lang và Tam quan; khu điện Thiên Đế có Nghi môn, Tiên tế, Hậu cung, nhà bia và bàn cờ. Pho tượng Vua Đế Thích bằng gỗ cao khoảng 1,6m được đặt trong Hậu cung của điện.
Lễ hội chùa Vua được tổ chức hằng năm từ ngày 6 đến 9 tháng Giêng Âm lịch, với hoạt động chính là “mở hội cờ” thi đấu cờ tướng, để mừng ngày Đế Thích đản sinh.
Chùa Vua được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992.
Theo TS Lưu Minh Trị (Thế Giới Di Sản)
NISAVA TRAVEL!