(BTA) – Văn hóa truyền thống miền biển Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng luôn gắn liền với các di tích đình làng, dinh vạn. Nếu dinh vạn là nơi thờ Thần Nam Hải phò trợ nghề biển thì đình làng là nơi thờ tự những Tiền Hiền có công dựng làng lập ấp. Và Đình làng Đức Thắng là một di tích như thế.
Theo sử sách, năm 1692, Chúa Nguyễn đặt tên vùng đất mới khai phá ở cực Nam Trung bộ là Thuận Phủ; đến năm 1697 (Đinh Sửu) Phủ Bình Thuận hình thành với địa giới từ phía Nam sông Phan Rang trở vào giáp vùng đất Biên Hòa ngày nay; năm 1809, Bình Thuận phủ được đổi thành Bình Thuận trấn gồm 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận. Đức Thắng xưa là một làng thuộc huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận và là một làng trung tâm Phan Thiết.
Người có công khai phá dựng làng lập ấp và dâng sớ về triều đình xin xây cầu, lập chợ là ông Trần Chất. Ông mất năm 1816, đến năm 1823 (Quý Ngọ) được Vua phong là Tiền Hiền làng Đức Thắng. Một phần văn bia mộ Tiền Hiền làng Đức Thắng ghi: “Từng nghe: Người xưa có 3 điều bất tử. Trước hết lập đức, thứ nhì lập ngôn, rồi đến lập công; tất phải phụng thờ. Đó là điều giống nhau của lòng người. Xã ta đây bậc Tiền Hiền có hai ông họ Trần, một ông họ Lê và một ông họ Nguyễn. Người có công khai cơ lập ấp, lấy Đức Thắng đặt tên cho làng; Người chiếm chợ xây cầu; dân ta nhờ được ân huệ đó; non sông cảnh sắc sinh sôi; quê nhà cùng tỏa nắng nơi nơi…”.
< Đình làng Đức Thắng.
Đình làng Đức Thắng được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 bằng vách đất, mái tranh để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Năm 1841 nhân dân góp công góp của xây dựng kiên cố, bền vững và đến năm 1847 hoàn chỉnh. Trên nóc Đình làng vẫn còn dòng chữ Hán khắc ghi niên đại xây dựng “Tân Sửu chí Đinh Mùi”, tức từ năm 1841-1847.
So với các đình làng khác ở Bình Thuận, ngôi chính điện Đình làng Đức Thắng là một công trìng kiến trúc nghệ thuật dân gian to lớn và hoàn mỹ nhất cả về kiến trúc lẫn nghệ thuật điêu khắc và tạo hình, nhất là trên nóc mái và bên trong nội thất. Nhìn từ phía trước tòa chính điện được kiến tạo thành 2 tầng mái.
Tầng dưới thấp tỏa rộng, tầng trên thu nhỏ và vút cao trông như một ngọn tháp nguy nga, cổ kính. Trên nóc mái chính điện trang trí nhiều hình tượng và họa tiết như: lưỡng long tranh châu, kỳ lân, dơi, giao long, cá hóa long, muông thú, thần tiên, sông núi, hoa lá…bố trí hài hòa và sinh động. Bộ khung chính điện nơi thờ Thần Hoàng có 36 cột gỗ tròn bố trí thành 6 hàng dọc chia nội thất thành 3 gian 2 chái.
Đình làng Đức Thắng là di tích kiến trúc nghệ thuật dân gian tiêu biểu và đặc sắc thể hiện dấu ấn lịch sử, văn hóa xưa. Kết cấu kiến trúc được mô phỏng theo lối kiến trúc dân gian thế kỷ 17-19. Cùng với các giá trị về kiến trúc, Đình làng Đức Thắng còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa qua những tư liệu Hán – Nôm cổ phản ánh đầy đủ hoàn cảnh lịch sử buổi ban đầu trong quá trình khai khẩn tạo lập làng xã.
Ngoài ra, đình làng còn bảo lưu nhiều di vật cổ xưa có giá trị sử dụng trong việc thờ phụng và cúng tế. Trong đó có 13 sắc phong của các đời vua Triều Nguyễn ban tặng cho Thành Hoàng Bổn Cảnh cũng như các vị Tiền Hiền của làng.
Bên cạnh Đình làng Đức Thắng còn có Chùa Bà Đức Sanh thờ Tam vị Thánh mẫu phò trợ việc an thai cho phụ nữ được tạo lập dưới thời vua Thiệu Trị (1844) và trùng tu vào các năm 1902 và 1911. Xa hơn một chút là Vạn Thủy Tú do cư dân Đức Thắng xây dựng vào năm 1762 (Nhâm Ngọ) để thờ Thần Nam Hải phò trợ nghề biển.
< Chùa Bà Đức Sanh.
Cả 3 di tích cùng tạo nên quần thể độc đáo ghi dấu tổ tiên vùng đất Phan Thiết – Bình Thuận những ngày đầu khai cơ lập ấp, mang những giá trị văn hóa truyền thống vun đắp tấm lòng yêu quê hương đất nước cho nhân dân.
Hiện nay, Đình làng Đức Thắng cũng như Chùa Bà Đức Sanh và Vạn Thủy Tú là những điểm tham quan nằm trong Đề án “City tour” tham quan thành phố du lịch Phan Thiết. Nhân dân và du khách trong, ngoài nước muốn khám phá và tìm hiểu về những nét độc đáo của văn hóa miền biển Bình Thuận hãy đến với thắng tích Đình làng Đức Thắng, đường Triệu Quang Phục, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Theo Nguyên Vũ (Hiệp hội Du lịch Bình Thuận)
NISAVA TRAVEL!