Nhìn trên bản đồ, Hồ Tây (Hà Nội) có hình giống như chiếc càng cua. Nơi bán đảo nhô ra mặt nước, mỏm xa nhất, đẹp nhất, quanh năm dập dềnh sóng nước, êm ả mây trời, lảng bảng sương lam… là phủ Tây Hồ.

< Cổng vào Phủ Tây Hồ.

Từ trung tâm thủ đô, chúng tôi lên đê Yên Phụ, qua làng Nghi Tàm, men theo con đường rợp bóng những hàng phi lao rì rào cuối khu biệt thự Tây Hồ. Sau khi quanh co giữa những vườn hoa và quất cảnh, giữa bát ngát hương sen và lồng lộng gió trời, chúng tôi đến hòn đảo nhỏ mà người xưa ví là “bãi đất cá vàng” nhô ra giữa mặt nước lung linh, nơi có Phủ Tây Hồ huyền thoại.

< Phủ chính.

Phủ Tây Hồ (còn gọi là phủ Mẫu Tây Hồ) thờ bà chúa Liễu Hạnh. Đó là một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Truyền thuyết kể rằng, bà là công chúa Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, nhan sắc tuyệt trần, lại giỏi thơ ca. Do vô ý làm vỡ chén ngọc quý, bị vua cha đày xuống trần gian.

Đến hạ giới, công chúa chu du, khám phá khắp mọi miền. Khi qua đảo Tây Hồ, nàng phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương.

< Cây si cổ thụ.

Một ngày nọ, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào, trò chuyện rất tâm đầu ý hợp với chủ quán, cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán”, nay vẫn còn lưu truyền. Song, ít lâu sau, khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm công chúa thì người xưa đã không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Người xưa gọi là phủ Tây Hồ.

Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn nhất. Mặt trước có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích”, được trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ. Qua tam quan là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế xây sát sau phương đình.

< Lầu Sơn trang.

Giữa khung cảnh mây nước hữu tình tuyệt đẹp, Phủ Tây Hồ luôn thu hút đông đảo du khách. Cổng Phủ Tây Hồ sừng sững bên cây đa cổ. Hai bên trụ cổng có khắc các câu đối nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh. Chúng tôi đi theo con đường uốn lượn bên hồ lơ thơ liễu rủ. Không khí tươi mát, cảnh sắc yên bình dưới bóng mát của các cây cổ thụ. Đặc biệt nhất là cây vối già mấy trăm năm tuổi, nằm nghiêng như con kỳ lân mình cong hình sóng gợn, đang vươn đầu ngóng ra cổng. Bên cạnh là cây si cổ thụ với hàng chục rễ đại lòa xòa, quyện vào nhau chằng chịt, như một bức rèm cây kỳ lạ. Phía đối diện, những chùm rễ cây  vươn thẳng ra mặt hồ, co cụm, quấn quýt thành nơi chốn cho chim chóc đua nhau về làm tổ, ríu rít đêm ngày.

< Miếu cậu.

Sát Phủ chính là lầu Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian. Nơi đây quanh năm nghi ngút khói nhang của khách thập phương. Trên các bệ thờ, những bức tượng Mẫu, tượng Phật, tượng Cô, tượng Cậu, các quan… rực rỡ vàng son. Bên dưới không lúc nào thiếu các mâm quả, xôi oản, heo quay, gà luộc, tiền vàng, đô la âm phủ. Đám đông người đi lễ thành kính qùy lạy, khấn vài, cầu phúc giải hạn, cầu xin may mắn, mong duyên may phận đẹp, xin tai qua nạn khỏi…

Phía ngoài Phủ chính xây 2 am thờ nhỏ thờ Cô và Cậu. Phía trước lầu có tháp nhỏ, dưới gốc si là tấm bia Từ chỉ của xã Vĩnh Thuận dựng năm Thiệu Trị 5 (1845). Các di vật trong Phủ còn khá phong phú với nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ. Cửa cuốn, cửa võng được chạm khắc đẹp, mang nét nghệ thuật thế kỷ XIX .

NISAVA TRAVEL! – Theo Giao Thúy (Phụ Nữ Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *