(PNO) – Phố núi thanh bình Pleiku hấp dẫn tất cả các thành viên đoàn chúng tôi bằng vẻ duyên dáng đặc biệt, với những con đường rợp mát bóng cây xanh, với Biển Hồ T’nưng, viên ngọc xanh của Tây Nguyên, được mệnh danh là “Đôi mắt Pleiku”…
Trong hành trình đến Pleiku, ngày thứ hai chúng tôi khởi hành tham quan công trình thủy điện Yaly, cách thành phố Pleiku khoảng 40km về hướng tây bắc. Xe chúng tôi theo quốc lộ 14, giữa các dãy đồi chập chùng và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, đến km 15 bên tay trái có bảng chỉ dẫn “Thủy điện Yaly, 22 km”.
< Đường vào thủy điện Yaly cũng là con đập vững chãi.
Nhà máy thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San, thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai. Đây là công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam, với sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ KWh / năm.
Con đường từ quốc lộ 14 vào nhà máy được trải nhựa đen nhánh, phẳng lỳ, nằm giữa những khu dân cư đông đúc, những cánh rừng cao su xanh ngắt, những dãy biệt thự cổ kính… đẹp như tranh vẽ.
Từ ngoài cổng công trình đến cổng nhà máy lại là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp khác. Đang mùa hoa anh đào nên dọc theo con đường quanh co đèo dốc, giữa những ngọn núi chập chùng và những dòng thác trắng xóa là bạt ngàn hoa anh đào hồng thắm.
Lác đác giữa rừng anh đào là những cây hoa mai vàng rực và những thảm hoa lau trắng xóa phất phơ, chen giữa những hàng cây dại, cây cổ thụ xanh ngắt. Nếu không có các hệ thống biến áp, van áp lực, ống thóat nước…đặt hai bên đường, trên các vách đá…chúng tôi sẽ tưởng mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Nằm giữa núi đồi Tây Nguyên hùng vĩ, tại bậc thang thứ ba và là bậc thang lớn nhất trong hệ thống 9 bậc thang thủy điện trên sông Sê San, nhà máy thủy điện Yaly là một hệ thống công trình hiện đại và đồ sộ, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng núi.
Nếu trước đây Yaly đã từng là một thác nước đẹp nổi tiếng được nhiều người biết đến, thì ngày nay công trình nhà máy thủy điện Yaly giữa núi rừng Tây Nguyên cũng là một thắng cảnh mới, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hoang dã và những thành quả đồ sộ từ bàn tay và khối óc con người như đập dâng, đập tràn xã lũ, cổng giữ nước, hồ chứa nước…
Sau khi băng qua 12 km đường, xe chúng tôi dừng lại trước cổng nhà máy, nằm bên dòng sông Sesan xanh biếc, đẹp như một dải lụa, uốn lượn qua các khe núi hẹp, nhấp nhô giữa các mỏm đá, cuồn cuộn sóng giữa đôi bờ rậm rạp cây xanh…
Con đường hầm dài khoảng 500m từ cổng nhà máy đến địa điểm đặt máy phát điện cũng là một kỳ quan du lịch. Những chùm đèn rực rỡ như sao sa hai bên hông và trên mái vòm tỏa sáng, lung linh và huyền ảo.
Bên trái là khu di tích của công trình – đường hầm thô rộng chừng 10 m, cao vài chục mét, với những lớp đá cứng hơn thép, đủ màu, đủ lọai: đá vân xám, đá thạch anh trắng như tuyết, đá ong xanh, đá bazan đỏ, đá sợi vàng…
Những giọt nước tí tách, những dòng suối nhỏ róc rách ngày đêm như một bản nhạc kỳ ảo.
Tổ hợp kỹ thuật điều hành công trình thủy điện đồ sộ như một cung điện trong lòng đất với nhiều thiết bị máy móc, turbin vận hành máy hiện đại, lại chỉ được điều khiền và vận hành bằng tổ kỹ sư và chuyên viên 4 người…
Đứng trong gian trung tâm gồm bốn tổ máy có tuôcbin đặt ngầm trong lòng núi (dài gần 120 m, rộng 21m, nơi cao nhất là 56m), chúng tôi hết sức ngạc nhiên và thán phục.
Chợt nghĩ, ngày xưa, thác Yaly có huyền thọai về mối tình chung thủy và tuyệt đẹp giữa chàng trai Gia Rai tên Rốc và nàng Yaly xinh đẹp thì ngày nay, huyền thọai Yaly chính là sức mạnh kỳ diệu, những nỗ lực phi thường của con người trong việc chinh phục thiên nhiên để phục vụ con người.
Theo Thảo Duy (Báo Phụ Nữ)
NISAVA TRAVEL!