Đến thăm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bạn không chỉ hoà mình vào biển cả bao la, đất trời rộng mở mà còn được thưởng thức những hương vị ngọt ngào từ biển, từ đảo như tôm cá, tỏi hành…

Đặc biệt bạn còn được khám phá thêm nhiều thông tin hay, mới lạ từ câu chuyện sống động về Đội Hoàng Sa Bắc Hải và những tư liệu về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải.

Nằm ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cụm tượng đài và nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải đứng sừng sững trước biển sẽ là một địa chỉ không thể bỏ qua khi đặt chân đến Lý Sơn.

Đầu tiên, bạn sẽ gặp cụm tượng đài trước nhà trưng bày. Cụm tượng đài gồm 3 tượng đều cao 4,5 m, đứng giữa là cai đội mặc trang phục triều đình, tay chỉ về phía Hoàng Sa, tay kia đặt lên cột mốc khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai tượng còn lại, một cởi trần vác lưới, một mặc áo chùng. Sau lưng tượng khắc “Bản quốc hải cương Hoàng Sa thứ tối thị hiểm yếu” (Hoàng Sa là vị trí cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia). Xung quanh chân tượng đài được trồng hoa ngũ sắc mà theo quan niệm của người dân đảo Lý Sơn, đó là cả lòng thành kính lớn lao.

Lịch sử ghi lại rằng: Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nhà Vua ra lệnh cho bộ Công lo việc phái binh phu đi quần đảo Hoàng Sa để tuần phòng, đo đạt thuỷ triều, dựng bia cắm mốc chủ quyền, vẽ bản đồ.

Những năm sau cũng vậy, mỗi đợt đi từ tháng Hai đến tháng Tám trở về, Hải đội mang theo đầy đủ lương thực, nước uống dùng trong 6 tháng. Bên cạnh đó các binh phu còn mang theo dụng cụ săn bắt. Lấy hóa vật của tàu như gươm, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân.

Đến kỳ về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân (Huế) để nộp cho triều đình, cân và hạng định xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về. Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cho đến những năm 50 của thế kỷ 19 và đến nay vẫn còn lưu danh thơm trong sử sách và đọng lại trong trí nhớ dân gian. Vua Nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho những Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và cho những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những “Hùng binh Hoàng Sa”.

Cụm tượng đài cùng với nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được khởi công xây dựng giữa tháng 9.2010. Nhà trưng bày rộng gần 400m², mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng. Nhà gồm 3 phòng, ở hai bên đầu hồi được sử dụng làm kho bảo quản tài liệu, hiện vật, phòng lễ tân và tủ sách để phục vụ bạn đọc.

Phòng giữa chính là không gian dành để trưng bày những hiện vật cũng như những sử liệu nói về hoạt động của đội Hoàng Sa. Phòng trưng bày được chia làm 3 phần: Lý Sơn – Tịnh Kỳ, quê hương của đội Hoàng Sa – Trường Sa. Hoạt động của đội Hoàng Sa – Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân Lý Sơn, Quảng Ngãi đối với những người lính Hoàng Sa – Trường Sa.

Gian phòng chính dùng để trưng bày các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa được đặt trang trọng trong tủ kính hay gắn trên tường như: chiếu cói, dây mây, nẹp tre, thẻ tre dùng để đồng đội bó xác những người lính đi Hoàng Sa gặp chuyện chẳng lành.

Ấn tượng nhất là chiếc thuyền nan phục chế của nghệ nhân Võ Hiển Đạt (ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) mà ngày xưa các chiến binh kiên trung đã từng vượt sóng. Trên tường và trong các tủ kính còn có sự hiện diện của các bản đồ thể hiện chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên.

Bên cạnh cảnh đặc trưng về hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, phần trưng bày này còn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trưng bày ảnh tư liệu về một số hòn đảo mang tên những Cai đội Hoàng Sa nổi tiếng như đảo Phạm Quang Ảnh, đảo Phạm Hữu Nhật và những tư liệu cổ sử, tư liện Hán Nôm, các tài liệu nghiên cứu khoa học, bản trích, sa bàn…

Trong những dịp lễ, Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải trên đảo Lý Sơn đã đón nhiều ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử đội dân binh Hoàng Sa, về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên biển Đông.

NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *