Năm 1965, sau khi Nguyễn Du được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, Bộ Văn Hóa quyết định thành lập khu di tích và tập hợp trưng bày những di vật của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền trong khuôn viên rộng khoảng 3 ha.
< Cổng vào khu di tích.
Từ phía Nam cầu Bến Thủy, ranh giới giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, du khách dễ dàng thấy tấm biển chỉ đường vào khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, cách Bến Thủy khoảng 6km về phía Đông thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
< Nhà thờ Nguyễn Du.
Nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825 trên mảnh vườn thuộc làng Tiên Điền, có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, thượng điện, hạ điện không liền nhau. Năm 1940 vị tiến sĩ cuối cùng của dòng họ Nguyễn trước 1954 là Nguyễn Mai (1904 – 1954) cùng với hội Khai trí Tiến Đức dời ngôi đền vào vị trí đặt trong khu lưu niệm. Qua chiến tranh và thời gian, nhà thờ bị phá hỏng nhiều chỗ, và năm 1956 được tu sửa lại như hiện nay. Người hướng dẫn viên cho biết: “Đồ thờ tự cổ trong nhà thờ hiện nay chỉ còn lại tấm bài vị và bát hương làm bằng đá”.
Trong cuộc đời làm quan vắt qua hai triều đại, Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc hai lần vào năm 1813 và năm 1815. Năm 1820 việc đi sứ lần thứ ba chưa kịp thực hiện thì Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng thương tiếc tặng hai câu đối:
< Bàn thờ Nguyễn Du.
“Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh “
(Một đời tài hoa lúc đi sứ lúc làm quan sống không hổ thẹn
Trăm năm sự nghiệp việc nhà việc nước chết rồi mà vẫn còn vinh)
Hai câu đối này được khắc ở tiền sảnh, cùng với hai câu đối của tiến sĩ Nguyễn Mai:
“Lễ nhạc bách niên văn hiến điện
Giang sơn tứ vọng thái bình thiên”
(Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm Trời thái bình non sông bốn mặt)
Phía ngoài cùng nhà thờ có bốn chữ “Địa linh nhân kiệt”.
Kế tiếp nhà thờ Nguyễn Du là Nhà bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh (ông nội của Nguyễn Du). Năm 1762, thân phụ của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm giữ chức tể tướng, 4 tháng sau, ông cùng em trai là Nguyễn Trọng ra Tiên Điền lập bia để tưởng nhớ công ơn sinh thành và giáo dưỡng của cha mẹ. Góc trái của bia có ghi: Nhâm ngọ thu lập (tức năm 1762), sau tấm bia khắc chữ Phúc (phúc lộc, phúc đức của ông bà tổ tiên để lại cho con cháu ), 2 bên thành tấm bia để lại 2 câu đối:
< Nhà bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh.
“Cảm thời truy nhật nguyệt
Truyền ngữ thử giang sơn”
(Khi tưởng nhớ đến cứ dõi trông vầng nhật nguyệt. Những lời truyền dạy sống mãi với núi sông này), cũng có người dịch: “Ngưỡng mộ cha mẹ theo ngày tháng và còn giang sơn thì con thờ phụng”.
Đàn tế, nhà bia này được làm mới năm 1999, đàn tế còn nguyên vẹn, phía trước đàn tế có hai cây cổ thụ là cây muỗm và cây bồ lỗ có tuổi thọ gần 300 năm, người ta nói rằng xưa là nơi buộc ngựa của gia đình.
Hai nhà tư văn 1 và 2 của dòng họ Nguyễn ở góc phải khu vườn, trong đó lưu giữ những hiện vật nơi mà ngày xưa đến ngày lễ tết hay ngày hội các cụ thường tới đây bình văn, xướng họa thơ. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hoá của những người trong họ và bạn bè thân thích. Hai nhà này là nhà văn thánh của huyện Nghi Xuân do Nguyễn Nghiễm đưa về. Năm 1790 nhà tư văn bị cháy, người trong họ Nguyễn và quan viên trong huyện dựng lại.
< Lối đi về đình chợ Trổ.
Từ nhà tư văn, theo con đường lát gạch du khách sẽ đi về đình chợ Trổ. Trước kia, đây là nơi trưng bày những hiện vật liên quan đến Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn. Sau khi nhà bảo tàng xây dựng xong, tất cả những hiện vật ở đây được chuyển về nhà trưng bày, ngôi đình chợ Trổ giờ là nơi để khách tham quan ghi cảm tưởng của mình hay mua những ấn phẩm truyện Kiều lưu niệm. Theo lời hướng dẫn viên, nguyên xưa kia ngôi đình này ở chợ Trổ (Đức Nhân, Đức Thọ), năm 1963, được bộ Văn Hóa cho chuyển về khu lưu niệm. Ngôi đình làm bằng gỗ mít, có kiến trúc thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn. Ngôi đình được chuyển về theo đường sông gần như không bị hư hỏng gì. Hiện để giữ gìn bảo quản và kéo dài tuổi thọ cho ngôi đình, người ta phải xử lý mối mọt hàng năm.
Tham quan hết khuôn viên khu di tích, khách sẽ trở ra nhà bảo tàng, phía sau tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là mặt tiền chính của khu lưu niệm, quần thể tòa nhà này đưa vào hoạt động năm 2003. Trong nhà bảo tàng ngoài một số tài liệu, tranh ảnh minh họa một số tác phẩm của Nguyễn Du, còn có một số hiện vật quý như: nghiên mực, đĩa mai hạc ông được tặng trong lần đi sứ, nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, địa bàn dùng đi săn, bức phù điêu bằng gỗ ghi lại hình ảnh rước Tiến sĩ, hoàn sắc của Nguyễn Nghiễm; trên lầu có trưng bày cuốn truyện Kiều do nhà thư pháp Nguyệt Đình (Huế) thực hiện….
< Một góc khuôn viên khu di tích.
Đặc biệt, có hai bức đại tự cổ : “Hồng sơn thế phổ” và “Thiên môn tái đăng” có từ năm 1795, được mang về từ Trung Quốc do hai người trong họ Nguyễn đi sứ được tặng.
Mộ Nguyễn Du nằm cách khu lưu niệm khoảng 1 km về hướng đông. Ông mất tại Huế năm 1820, thi hài được an táng tại xã Ninh An, huyện Quảng Điền. 4 năm sau người con trai của ông là Nguyễn Ngũ cải táng mang về an táng ở xứ Đồng Mát, sau lại dời về xứ Đồng Thánh gắn với khu vườn. Khoảng gần 100 năm sau, con cháu họ Nguyễn lại dời mộ ông về cánh Đồng Cùng, xung quanh là nghĩa trang của làng. Mộ Nguyễn Du hiện nay đã được tôn tạo và xây mới, có ba phần: bàn thờ, phần mộ và vườn cây cảnh bao quanh.
NISAVA TRAVEL! – Theo Kim Duy (báo Phụ Nữ)