Một sáng tháng 3, tôi ngồi uống café với những người bạn bên Bờ Hồ (Hà Nội), anh bạn người Sài Gòn đã có nhiều năm sống ở Đà Lạt nói với tôi rằng: “Đà Lạt là một thành phố rất biết cách giữ chân người, ai đã sống, gắn bó lâu năm thì khó lòng bỏ Đà Lạt, đi miết rồi cũng về với Đà Lạt thôi”.
“Chỉ một ngày để có được hình dung trọn vẹn về xứ sở ngàn hoa có phải là điều quá tham lam không?”, tôi hỏi. “Không hề khó thực hiện đâu, đến thăm đường hầm điêu khắc Đà Lạt thu nhỏ bên hồ Tuyền Lâm đi”, anh bạn tôi gợi ý.

Lời giới thiệu đó vô hình thôi thúc tôi vượt hơn 1.600km tới Đà Lạt. Từ trung tâm thành phố theo đường Triệu Việt Vương, xuôi 8km vào hồ Tuyền Lâm, đi đến cuối con đường, đập vào mắt tôi là dải taluy cao trên 11m với những tác phẩm nghệ thuật được khắc nổi, đắp đất cầu kỳ và tinh xảo.

Giữa những khu du lịch sinh thái có kiến trúc na ná nhau mọc lên ngày càng nhiều ở Đà Lạt, Dự án Đường hầm điêu khắc là mảng màu hoàn toàn khác biệt. Với sự giúp đỡ về mặt tư liệu lịch sử của các sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý Dự án cùng hàng trăm nghệ nhân, hoạ sỹ đã từng bước làm nên một cuốn từ điển sống khái quát lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt qua 120 năm.

Toàn bộ cụm công trình được bao bọc bởi chiếc “ghế rồng Việt” dài 1,2 km uốn lượn với thế vươn lên mạnh mẽ, chắc chắn. “Mượn câu chuyện kiến trúc, chúng tôi muốn gửi gắm khát vọng về sự phát triển phồn vinh của đất nước”, anh Trịnh Bá Dũng – Chủ tịch HĐQT và anh Trần Việt Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Đà Lạt – chủ nhân công trình chia sẻ.

Đường hầm điêu khắc là sự đột phá về chất liệu. Từ đất đỏ kết hợp với một số phụ gia không nung, chủ nhân công trình đã sáng tạo ra một chất liệu xây dựng mới. Độc đáo hơn, những nguyên liệu đến từ đất mẹ cũng được tận dụng tạo thành màu sơn bền với thời gian, thân thiện với môi trường.

Một ngày để hiểu và yêu Đà Lạt

Chuyến hành trình khám phá câu chuyện về sự hình thành Đà Lạt qua hàng trăm năm được gói gọn trong vài chục phút đi bộ bắt đầu từ đuôi rồng và kết thúc ở đầu rồng. Đằng sau công trình kiến trúc là một câu chuyện dài bất tận. “Lịch sử hình thành Đà Lạt được khắc hoạ từ thưở hồng hoang, chưa có dấu chân người, chỉ có đá và nước cùng các loài muông thú trong rừng như rắn, rùa, voi, cho đến khi xuất hiện người dân tộc với những hoạt động sinh hoạt thường ngày như giã gạo, uống rượu cần, đánh cồng chiêng…

Những nếp nhà rông của đồng bào cũng được tái hiện. Hình ảnh điêu khắc rùa cha dẫn đàn con tháo chạy trong khi rùa mẹ trụ lại chiến đấu sinh tồn với loài rắn khổng lồ như một ẩn dụ về chế độ mẫu hệ trong đời sống của người Cơ Ho – dân tộc sinh sống lâu đời ở Lâm Đồng”, anh Nghĩa giới thiệu khi dẫn tôi đi thăm công trình.

Cuộc hành trình tiếp tục với những kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp như: Trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà ga Đà Lạt, Viện Pasture, hồ Xuân Hương, khu biệt thự cổ…

“Trong đoạn đường sau năm 1975, các nghệ sỹ điêu khắc những đàn cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm, những cánh đồng dâu, hoa, đồi chè Trại Mát, rẫy cà phê Cầu Đất. Điểm nhấn không thể thiếu là một chiếc máy bay Airbus 321 dài 37m bay trên nóc nhà sân bay Liên Khương với hướng cất cánh lên bầu trời”, anh Dũng nhấn mạnh.

Nhà đất kỷ lục Guinness

Hợp phần đầu tiên của công trình được thực hiện hoàn tất là ngôi nhà đất. Ngôi nhà có thế dựa lưng vào núi, hướng mặt ra hồ, trên nóc nhà nổi bật hình ảnh tấm bản đồ Tổ quốc thiêng liêng. Mặt tiền ngôi nhà được điêu khắc đầy đủ bộ chữ quốc ngữ và câu chuyện ngụ ngôn thú vị: “Cá ăn kiến, kiến ăn cá”.

Toàn bộ nội thất trong nhà đều được làm từ đất và hoàn toàn có thể sử dụng được như: bàn ghế, giường ngủ, nhà tắm, bồn rửa tay, lò sưởi,… Với kiến trúc độc đáo, ngôi nhà đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận hai kỷ lục từ tháng 9/2013. Kỷ lục thứ nhất là Ngôi nhà bằng đất đỏ không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất, kỉ lục thứ 2 là Ngôi nhà bằng đất đỏ không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất.

Câu chuyện kiến trúc – câu chuyện giáo dục

Nhìn ngắm công trình bề thế, kiên cố, khách thăm quan khó lòng hình dung ra một khu đồi không đường, không điện bên hồ Tuyền Lâm chỉ vài năm trước đây. Đà Lạt mộng mơ là cái duyên đưa đẩy những người con từ những mảnh đất khác, bỏ phố lên rừng để cộng hưởng nguồn sáng tạo.

Tất cả những tên gọi mà du khách đặt cho Đà Lạt như thành phố ngàn hoa, ngàn thông, thành phố của di sản kiến trúc đều lần lượt được tái hiện trong đường hầm điêu khắc ấy. Không chỉ có không gian mà thời gian hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt cũng đủ đầy trong suốt chiều dài hơn 1km. Thu nhỏ Đà Lạt như một cuốn từ điển để du khách khắp mọi nơi, bất kể người già hay trẻ nhỏ đều có thể hiểu Đà Lạt từ buổi sơ khai cho đến hôm nay, tái hiện những nét đẹp về kiến trúc, cảnh quan cũng như đặc trưng riêng về văn hóa của vùng đất này.

Không bằng phẳng như con phố ở đồng bằng, con đường điêu khắc uốn lượn lên xuống theo triền núi như nét đặc trưng của mảnh đất cao nguyên. Theo như giới thiệu của các họa sĩ ở đây thì đường gồm hai phần chính, mỗi phần một chủ đề riêng. Bắt đầu con đường với tên gọi “miền đất lạnh” tái hiện toàn cảnh mảnh đất này thuở còn hoang sơ.  Đứng dưới lòng đường nhìn lên các họa sĩ, nhà điêu khắc đã tạo nên một rừng thông chen chúc, những đàn voi, đàn kiến, đàn rùa nối đuôi nhau. Trên vách đá có dơi, tắc kè, những cây vã quả rơi lăn xuống suối.

Miền đất lạnh thuở còn hoang sơ ấy còn chứa đựng những câu chuyện của thiên nhiên: đàn voi nối nhau đi, voi mẹ quay đầu chờ đàn con, voi em rơi xuống suối níu vào chân voi anh; là câu chuyện chế độ mẫu hệ của người dân tộc nơi đây khi rùa bố dẫn theo đàn con tránh nguy hiểm, rùa mẹ đứng lại chống chọi với con rắn khổng lồ. Những mái nhà của người dân tộc Cơ Ho, Cil, Lạch… những hoạt động sinh hoạt sống động của bà con được tái hiện bên vách lối đi.

Băng qua cao nguyên Langbiang lộng gió, sẽ qua phần thứ hai của con đường mang tên “Đà Lạt hình thành và phát triển”. Có cấu trúc như một con phố chạy dài, hai bên đường những cỗ xe ngựa thường thấy trên phố phường Đà Lạt, và lần lượt các công trình kiến trúc đã trở thành di sản riêng của Đà Lạt xuất hiện như Trường Cao đẳng sư phạm uốn theo vách tường, nhà thờ, chùa, ga Đà Lạt, Viện sinh học Tây Nguyên, những ngôi nhà mang đậm kiến trúc Pháp, những chiếc xe hơi cổ…

Với mong muốn thu nhỏ tất cả những nét đẹp của Đà Lạt vào một thể thống nhất trong vòng 1km để khi du khách dạo bước trong con đường này sẽ thấy hết những nét đẹp của Đà Lạt. Những tác phẩm điêu khắc được làm thủ công trên đất dựa trên hình mẫu của chúng ngoài thực tế giúp du khách có cái nhìn tổng quan hơn về Đà Lạt, đó là mong muốn mà những con người làm nên con đường này chia sẻ. Hai bên đường, hoa mai anh đào – loài hoa đặc trưng của Đà Lạt mùa xuân vừa được trồng còn non lá, trên mái những tán thông reo đúng như “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.

Để tôn vinh hoa và nghề trồng hoa ở xứ sở này, một thác nước bằng hoa đã được xây dựng thiết kế cho nước phun trào ra từ nhụy của những bông hoa trong chùm hoa lan vàng trên đỉnh thác nằm ngay dốc lên xuống từ đỉnh Langbiang. Đường hầm điêu khắc nằm sâu khoảng 2m so với mặt đất nên phía trên, sau những mái nhà là vườn dâu, hoa cẩm tú cầu xanh mướt. Đặc biệt, dọc suốt con đường là chiếc ghế rồng có đủ chân rồng, vẩy rồng uốn lượn mềm mại. Đầu rồng bắt đầu từ miền đất lạnh, chạy theo dọc con đường và trở về kết thúc đuôi rồng cũng tại đây.

Để có được công trình này, những chủ nhân của nó đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức, tiền của. Với địa hình đất đồi, việc vật chuyển nguyên vật liệu phải huy động tổng lực từ sức người cho đến xe cút, xe cơ giới hạng nặng. “Không biết bao nhiêu lần chúng tôi dính phải mưa trong quá trình thi công, có lần phải huy động 2 cần cẩu để trục vớt chiếc xe đào sa lầy dưới đường hầm sâu 5m”, anh Dũng kể lại một kỷ niệm khó quên.

Sau những tháng ngày mệt mài nghiên cứu, anh Dũng đã tạo ra được hợp chất có thể đảm bảo độ bền của công trình, chống chịu được thử thách của thiên nhiên mà vẫn giữ được màu của đất đỏ nơi đây.

Không chỉ đột phá về mặt ý tưởng và chất liệu, công trình Đường hầm Đà Lạt thu nhỏ còn thể hiện nhân sinh quan sâu sắc của chủ nhân. Đằng sau câu chuyện về kiến trúc, không khó để nhận ra câu chuyện về văn hoá và giáo dục.

Chỉ một câu chuyện nhỏ trên bức tường của ngôi nhà đất nhưng có tính giáo dục rất cao. Bức tranh tường đắp nổi câu chuyện ngụ ngôn “Cá ăn kiến, kiến ăn cá” gửi gắm thông điệp:  Trong cuộc sống con người hãy yêu thương nhau thay vì tìm cách đối phó, hãm hại nhau. Bất luận trong trường hợp nào nếu cố tình đè nén người khác, khi hoàn cảnh đổi thay, tình hình có thể xảy ra theo chiều hướng bất lợi.

Câu chuyện về “Cá ăn kiến, kiến ăn cá” hay câu chuyện cảm động về cuộc đấu tranh sinh tồn của loài rùa là những ví dụ sinh động để người lớn kể cho các em nhỏ khi đến đây. Mới đây, hàng nghìn học sinh tiểu học của thành phố Đà Lạt đã được đến thăm quan công trình để các em có thêm hiểu biết và tự hào về quê hương mình, cố gắng học tập, xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp.

Tổng hợp từ Dân Trí, Lâm Đồng online, Kiến Thức
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *