Cách Hà Nội chừng 70 km, đảo cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) là một điểm du lịch sinh thái có một không hai ở miền Bắc. Đây được xem là vương quốc của những cánh cò, nơi tụ hội của chín loại cò quý hiếm với số lượng lên tới hàng nghìn con.
< Đi thuyền ra đảo cò.
Đảo cò Chi Lăng Nam có diện tích gần 3.000 m2, là nơi trú ngụ của 170 loài sinh vật sống. Một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Con tổ đỉa, rái cá, cá măng kìm, cò lửa, vạc xám… Theo người dân địa phương, trên đảo cò hiện nay đến chín loại cò gồm cò trắng, cò lửa, cò hương, cò nghênh, cò ngang, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Ne Pal…
< Hơn 9 loại cò với hàng nghìn cá thế có mặt ở đảo, trong đó nhiều nhất vẫn là loài cò trắng.
Có dịp về xã Chi Lăng Nam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh cò trắng chao nghiêng trên bầu trời hay đậu vắt vẻo trên những ngọn tre xanh mướt. Vào lúc sáng sớm hay hoàng hôn, trên chiếc thuyền bồng bềnh giữa sóng nước của hồ An Dương, du khách có thể thả mình vào không gian hữu tình của sông nước và cảnh “giao ca” thú vị giữa cò và vạc trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Đó là khi từng đàn cò trắng đi kiếm ăn vào buổi sớm, bay kín cả mặt hồ và hòn đảo thì đàn vạc nâu lại lặng lẽ kiếm ăn vào lúc chiều muộn, cất tiếng kêu thỏ thẻ, lúc trầm lúc bổng tạo nên những bản hoà tấu nhịp nhàng phát ra từ những lùm cây, bụi rậm.
< Do diện tích đảo hạn chế nên cò, vạc, và các loài chim cùng phải đậu và sinh sống trên cây.
Theo thống kê của xã Chi Lăng Nam, đảo cò hiện nay tập trung 15.000 con cò và hơn 5.000 con vạc. Đất lành chim đậu, người dân ở đây vẫn truyền nhau về truyền thuyết về đảo cò và hồ An Dương.
Truyện kể rằng vào thế kỉ 15, nơi đây còn là những đồng ruộng trũng mênh mông, nổi trên giữa cánh đồng trũng ấy là một gò cao, bên trên có dựng một ngôi đền.
< Nơi làm tổ của vạc là những bụi tre già.
Bỗng một năm, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Qua một đêm, ngôi đền trên đỉnh gò cao đó bỗng dưng biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nơi trước kia là ngôi đền hình thành một đảo nhỏ.
Người dân coi đây là vùng nước thiêng, không bao giờ tát cạn được nên đã sống dạt ra phía ngoài hồ. Theo nhịp thời gian, cò và vạc bắt đầu đến trú ngụ ở đảo mỗi ngày một nhiều. Và đảo cò Chi Lăng Nam cũng bắt đầu hình thành từ khi đó.
Đến đảo cò, du khách chỉ cần đi một ngày là có thể thăm hết đảo. Với 10.000 đồng vé đò một người cho một vòng tham quan đảo, du khách có thể lựa chọn cho mình những loại thuyền ưng ý như thuyền Thiên Nga, thuyền Vịt dành cho các đôi tình nhân, thuyền dành cho một gia đình, thuyền dành cho đoàn tham quan… Tuy vậy, theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì để quan sát cò tốt nhất thì nên chọn một chiếc thuyền cỡ nhỏ để không làm náo động không gian sống của cò. Thời điểm để xem được nhiều cò nhất là lúc hoàng hôn.
Trong nắng chiều vàng vọt, ngồi trên thuyền nhỏ bập bềnh giữa lòng hồ bao la sóng nước, hòa trong tiếng gió thổi vi vu mát lạnh, du khách sẽ được thả sức ngắm những cánh cò, cánh vạc chao lượn trên không trung, đồng thời lắng nghe những truyền thuyết kỳ bí về đảo cò qua chất giọng thỏ thẻ, tâm tình của những người chèo đò xứ Đông. Chắc hắn đó sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên!
Theo báo Đất Việt