Thời kháng chiến chống Pháp, 6-7 năm (1948-1953) gia đình tôi từ thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) tản cư đến ở bản (làng) Pò Mười (trước là xã Quang Thành, nay là xã Chí Viễn) rồi Pò Tấu (xã Chí Viễn). Nhà chỉ cách thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy) 10-12 cây số. 
Ba năm ở Pò Tấu, phiên chợ nào cha mẹ tôi cũng có mặt ở chợ Bản Giốc, người cắt tóc, người bán hàng xén.
Chợ Bằng Ca (huyện Hạ Lang) đi quá Bản Giốc 10 cây số về phia Bắc, thế mà cha mẹ tôi và mấy người Kinh cùng tản cư như ông Mộc, cậu Quý cũng không bỏ phiên chợ nào. Mờ sáng đã đi, đêm khuya mới về đến nhà. Rất vất vả mà nhà ai cũng vẫn đói rách.

Đến năm tôi học lớp 5 (phổ thông 9 năm) Trường cấp II Trùng Khánh (1954) mới được nhà trường tổ chức đi tham quan thác Bản Giốc và Ngườm Ngao (tiếng Tày cổ gọi là hang hổ). Mọi người cơm đùm cơm nắm đi bộ từ Trường cấp II Bản Đà theo tỉnh lộ 206, vừa đi vừa đùa nghịch, đến chợ Pò Tấu thì đã xế trưa.
. var AdBrite_Title_Color = ‘000000’; var AdBrite_Text_Color = ‘000000’; var AdBrite_Background_Color = ‘FFFFFF’; var AdBrite_Border_Color = ‘C3D9FF’; var AdBrite_URL_Color = ‘191919’; try{var AdBrite_Iframe=window.top!=window.self?2:1;var AdBrite_Referrer=document.referrer==”?document.location:document.referrer;AdBrite_Referrer=encodeURIComponent(AdBrite_Referrer);}catch(e){var AdBrite_Iframe=”;var AdBrite_Referrer=”;} document.write(String.fromCharCode(60,83,67,82,73,80,84));document.write(‘ src=”http://ads.adbrite.com/mb/text_group.php?sid=826922&zs=3330305f323530&ifr=’+AdBrite_Iframe+’&ref=’+AdBrite_Referrer+'” type=”text/javascript”>’);document.write(String.fromCharCode(60,47,83,67,82,73,80,84,62));

Your Ad Here

< Thác Bản Giốc, Trùng Khánh phủ, Cao Bằng thời Pháp thuộc.

Chúng tôi nghỉ ngơi ăn cơm dưới những cây long não cổ thụ, ăn xong ra cuối chợ đứng ngắm cảnh đẹp của Thoong Gọot (thoong tiếng Tày là thác – thác Gọot) cách chừng non cây số, rồi lại đi tiếp.

Thoong Gọot nằm trên sông Quây Sơn, con sông bắt nguồn từ Trung Quốc qua cửa khẩu Pò Peo (xã Ngọc Khê) – nơi có cá trầm hương thơm ngon – sang xã Đình Phong, qua xã Chí Viễn – nơi có nhiều hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng – rồi đến xã Đàm Thủy – nơi có thác Bản Giốc và Ngườm Ngao đẹp kỳ diệu.

< Thác Bản Giốc – phần thác chính phía Việt Nam chỉ có con thuyền nhỏ bỏ trống, không có khách du lịch, tôi bảo hai cháu gái tôi ngồi lên chụp ảnh, năm 1997.

Dòng sông Quây Sơn có nhiều đoạn chảy men theo đường tỉnh lộ, chúng tôi vừa đi vừa ngắm những chiếc “cọn” quay kẽo kẹt đưa từng chuỗi “bẳng” chứa đầy nước từ dưới sông đổ lên mương dẫn đến những thửa ruộng ở trên cao. Những chiếc cối giã gạo phần chân có cải tiến khoét hố chứa nước, ở giữa có chốt bập bênh, dùng trọng lượng nước thay cho chân người dẫm, nhịp chày đều đều lên xuống nghe thình thịch, êm tai và đẹp mắt.

< Thác Bản Giốc – phần thác chính phía Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc khá đông, họ làm những chiếc mảng to đưa khách ra giữa sông ngám cảnh, năm 1997.

Dòng sông có khúc mở rộng đến vài trăm mét, ở giữa nổi lô nhô những gò đá, trông như hòn đảo, xa xa là những khóm tre xen trong nếp nhà sàn, khói bếp hòa vào sương núi trông cảnh sắc thơ mộng hữu tình. Dòng sông chảy qua chân núi Cô Muông, qua các cánh đồng, bãi ngô, xòe ra thành nhiều nhánh, đột ngột hạ thấp xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Phía Bắc tháp gồm ba cấp dài, nguồn nước nhiều, rất đẹp còn gọi là thác chính. Thác phụ ở phía Nam, chỉ có một cấp cao. Khi chiêm ngưỡng không có sự tách bạch nên toàn thể thác Bản Giốc có cao có thấp rất hài hòa với rong rêu, cây cối, núi non chung quanh nên cảnh sắc đẹp tuyệt vời. Nhìn tổng thể hay nhìn chi tiết từng phần thác đều rất đẹp.

< Sông Quây Sơn, Trùng Khánh phủ, Cao Bằng thời Pháp thuộc.

Chúng tôi đến Bản Giốc, ngày ấy chỉ có hơn chục nóc nhà. Không như phố Trùng Khánh hay chợ Pò Tấu người dân đều xây dựng nhà đất để ở. Nhà xếp thành dãy ôm lấy cái chợ ở giữa. Ở đây vẫn là những nếp nhà sàn, trâu bò lợn gà nhốt ở dưới, người ở trên sàn, sống quây quần như các bản chung quanh. Chợ tách riêng ra ở bãi đất trống gần đó.

Sau khi đã ổn định các lớp vào ở nhờ nhà dân, chúng tôi ra ngoài ruộng ngắm cảnh sông núi. Từ đây nhìn ra thác chỉ thấy màn hơi nước bốc cao trắng xóa ở chân núi và tiếng thác gầm reo đến rộn ràng.

Sáng hôm sau, toàn trường xuống vạt đất bằng phẳng dưới chân thác cắm trại. Các anh lớn tuổi chặt cây dựng lều căng những tấm vỏ chăn làm mái xếp theo hàng đều tăm tắp. Chúng tôi được tắm thỏa thuê. Mấy anh bơi giỏi sang cả bờ bên kia sông, ở đấy chỉ có cây cối mọc hoang và nương rẫy, rất vắng người. Thỉnh thoảng mới thấy người làm nương chống mảng quay về bản phía bên này sông. Có lẽ chúng tôi là lớp người đầu tiên cắm trại ở bên dòng thác đẹp tuyệt vời nhất nước này.

< Thác Bản Giốc, Trùng Khánh phủ, Cao Bằng thời Pháp thuộc.

Thầy Nguyễn Ngọc Văn ra đề toán đố học sinh các lớp làm sao đứng bên này mà đo được chiều rộng sông. Nguyễn Như Mai tuy bé nhất lớp, song rất thông minh, xung phong giải theo hình tam giác, được thầy đồng ý và cho cả lớp thực hành. Được các thầy khen, giải thưởng là những dò phong lan kếch sù hái từ những cây vối bên bờ sông, trông rất đẹp, cả trường vỗ tay reo hò.

Hoàng Văn Xuân, Hiệu đoàn trưởng còn tổ chức cướp cờ. Cắm một lá cờ ở trên một cành cây cao ở bên kia sông, sau một hồi còi, các lớp cử người thi nhau bơi sang sông, rồi luồn qua các bụi rậm, tảng đá để đến với gốc cây to có lá cờ đỏ, lớp nào trèo lên cây lấy được cờ thì thầy giáo thưởng. Lớp tôi tuy là lớp dưới, nhưng có nhiều anh lớn bơi lội và leo trèo rất giỏi nên đã sớm chiếm được cờ, cả trường reo hò ầm vang khúc sông.

Ngày ấy, chúng tôi không có khái niệm bên kia sông là đất của người Trung Quốc, trên thực tế cũng không thấy bóng dáng người Trung Quốc nào, chỉ thấy người Tày vun sới ngô, nên cứ reo hò đùa nghịch thỏa thích. Buổi chiều chúng tôi tổ chức khám phá một hang động cách thác Bản Giốc chừng 3-4 cây số. Các thầy Nguyễn Thường Thịnh, Nguyễn Ngọc Văn, và các anh Hoàng Văn Xuân, Ngân Bá Kỷ và hai thanh niên trong bản đi trước dẫn đường. Thầy làm các ký hiệu dẫn đường bí mật để đi đến Ngườm Lồm (hang gió).
Thầy Vũ Trọng Nhậm đưa chúng tôi đi sau, vừa đi vừa tìm kiếm những ký hiệu và phỏng đoán để tìm đường vào hang động. Chúng tôi thấy tờ giấy chỉ đường báo còn cách cửa hang 20m, thế mà mà vẫn chưa tìm ra cửa vào hang. Nơi đây cây cối um tùm, vách đá dựng đứng, lá han mọc khắp nơi, chạm vào đau buốt vô cùng. Mấy anh lớn tuổi xung phong lên trước, tìm mãi mới thấy cửa hang rất nhỏ hẹp, ấn khuất sau những bụi giây rừng. Chúng tôi phải kéo nhau lên từng người một mới chui được vào cửa hang.

< Động Ngườm Ngao, cách thác Bản Giốc chừng 4-5 km, là một trong những hang động còn nguyên sơ đẹp nhất nước ta.

Ngoài trời nóng thế mà trong hang mát lạnh. Gió rít từng hồi. Đi được độ vài mét thì thấy hiện lên trước mắt một không gian cao rộng mênh mông, cả trường đứng lọt thỏm trong một góc hang. Các nhũ đá từ dưới mọc lên, từ trên buông xuống, hình thù đa dạng, muôn hình vạn trạng, màu sắc óng ánh, nhìn vào chỗ nào cũng rất đẹp.

Mỗi chúng tôi tha hồ mà tưởng tượng hình thù các động vật, ai ai cũng suýt soa, mồm không ngớt thốt lên điệp khúc: Trời ơi, đẹp quá! Trời ơi, đẹp quá! Thầy Nhậm cho biết, đây là động đá vôi được hình thành cách ngày nay 300 triệu năm. Những nhũ đá ở trên vòm hang là do từng giọt nước kết tủa caco3 chảy qua đá vôi nhỏ xuống qua ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác mà thành. Măng đá ở trên nền hang, nước từ nhũ đá chảy xuống lâu ngày nên cao dần. Những nhũ đá gặp măng đá thành cột đá.

< Bản Pò Mười, nơi đây tôi đã sống trong những năm 1948-1951, ngày ấy mới có 6 ngôi nhà sàn và 1 nhà đất của gia đình tôi. Đêm giao thừa năm 1951 hổ đã nhảy vào chuồng bắt con lợn 50-60 kg của nhà tôi, sau đó gia đình tôi phải ra phố chợ Pò Tấu, cách xa hơn 1km, nhưng xa núi hơn.

Chúng tôi nói với nhau, thế thì lâu lắm, chắc từ ngày xửa ngày xưa những nhũ đá, cột đá đã to như thế này rồi. Ở trong hang có đoạn phải sắn quần lội bì bõm qua nước. Cả đoàn chỉ có vài ba chiếc đèn pin, còn toàn là đuốc, đi được một lúc thì đuốc thay nhau tắt do không đủ ôxy và do gió lùa từ đâu thổi tới mạnh quá, chắc chúng tôi chỉ đi được 100-200m là cùng. Khi ra chúng tôi phải điểm danh theo tổ theo lớp, phải nắm tay nhau cùng ra cửa hang, nếu để ai lạc thì rất khó tìm. Các cụ ở Bản Giốc cho biết: hang này dài rộng lắm, thông cả sang cửa Ngườm Ngao và cửa hang Bản Thuôn xa đến mấy cây số.

< Nơi đây tôi và các em đã sống trong những năm 1948-1951. Ngày ấy nhà cửa bằng gỗ, chưa được khang trang như bây giờ, năm 2007.

Có lẽ chúng tôi là những đoàn đông người khám phá hang động ở đây sớm nhất, chỉ sau người Pháp đã đến đây từ năm 1921. Sau đó chẳng mấy ai dám vào hang, vì khu vực này ngày ấy là tổ cọp. Trong thời gian chúng tôi đến tham quan thì hổ vẫn còn nhiều lắm. Buổi tối, đốt lửa trại, một chương trình văn nghệ đặc sắc của nhà trường được biểu diễn cho bà con các bản đến xem. Có lẽ đây là lần đầu tiên được xem văn nghệ nên bà con rủ nhau đến rất đông.

Mở đầu là những bài đồng ca, song ca, thầy Nhậm ngâm bài thơ “Đời đời nhơ ông” của Tố Hữu (ngày ấy ông Stalin mới qua đời nên dân ta thương cảm lắm), tiếp đến múa điệu: “Dân Liên Xô, vui hát trên đồng hoang, đây bao la, muôn sắc hoa chan hòa,…” Trương Nguyệt Minh, Lê Hồng Khê,… phải lấy vỏ chăn hoa cuốn làm váy, được cái vốn đã xinh nay thêm chút mực đỏ làm môi son má hồng trông dưới ánh lửa bập bùng càng rực rỡ.

< Trên đường đến thác Bản Giốc – Cọn nước bên dòng sông Quây Sơn, 2007.

Hoạt cảnh đoàn thanh niên dân chủ thế giới đến thăm thác Bản Giốc rất vui. Mấy anh cao to được bôi mặt mũi chân tay người trắng hếu, mũi lõ; người đen xì, người da đỏ, da nâu, da vàng… đóng giả người châu Âu, châu Phi trông rất giống. Mỗi người đứng ra nói xì xà xì xồ, xong mỗi câu tiếp đến phiên dịch bằng tiếng Tày, ca ngợi cảnh đẹp thác Bản Giốc hết lời, ai cũng phải buồn cười. Ngẫm lại, từ mấy chục năm trước, thầy trò chúng tôi đã có đầu óc làm du lịch ở đây rồi. Đến thế kỷ XXI ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đến nay mới bắt đầu khai thác du lịch thì quá chậm chạp! Giá như ngay năm 1954, ta xây dựng một khu du lịch cả hai bờ chân thác Bản Giốc thì ngày nay thác đã nằm trọn vẹn ở nước ta như thuở ấy rồi! Lớp chúng tôi được thầy Nhậm hướng dẫn diễn vở hoạt cảnh giữ vệ sinh diệt chấy, rận, rệp, muỗi.

< Dòng sông Quây Sơn, 2007.

Tôi được đóng vai con muỗi, lấy màn trắng làm đôi cánh, đầu đội chiếc vành có vòi dài như vòi voi, đôi con mắt tròn xoe đen xì. Trần Xuân Sơn khoác chiếc áo tơi đan bằng mo đóng vai con rệp,…con vật nào cũng ra oai, tỏ ra độc ác nguy hiểm. Nhưng đến khi dàn đồng ca kể tội với điệp khúc: “Này con rệp, mày bỏ mạng mày thôi, mày thôi. Kìa con muỗi, bay trốn đi đâu, trốn đi đâu mà chạy. Mày bỏ mạng mày thôi, mày thôi.” Thì bọn tôi co rúm chạy tứ tung.

Buổi văn nghệ gây được ấn tượng mạnh đối với bà con dân tộc các bản. Năm 1972, máy bay Mỹ chưa bắn phá tới Cao Bằng nên tôi đưa vợ con lên thị trấn Trùng Khánh sơ tán. Ít tháng sau tôi đưa bố, anh và em vợ lên thăm gia đình. Nhân dịp này tôi và chú Đạt (em rể) đưa bố vợ và anh em nhà vợ đi thăm thác Bản Giốc. Đi bằng xe đạp, sáng đi chiều về. Nước cạn nên buổi trưa tắm sông thỏa thích. Hôm ấy, nhìn sang phía bên kia sông còn heo hút lắm, xung quanh thác Bản Giốc vẫn không có ai ngoài gia đình chúng tôi.

< Nhìn toàn cảnh thác Bản Giốc từ tỉnh lộ 206, năm 2007.

Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm gia đình tôi sống ở bản Pò Mười, tôi đã cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường đến Pò Mười ngủ một đêm. Sáng hôm sau chụp cảnh bừa ruộng tập thể. Cháu Đoàn Cảnh Tuân đưa chúng tôi đi chụp ảnh sông Quây Sơn và thác Bản Giốc bằng xe ô tô cơ quan. Ngày ấy phía Việt Nam chỉ có lèo tèo một ngôi nhà tranh vách đất ở đầu dốc xuống thác, đó là đồn biên phòng. Bên kia sông Quây Sơn, Trung Quốc đã xây một khu du lịch, nhà cao 2-3 tầng, có chòi ngắm cảnh, làm đường ra thác tham quan và vài ba chiếc mảng chở khách ra giữa sông ngắm cảnh.

< Năm 1997, tôi đã thấy Trung Quốc xây dựng một khu nhà nghỉ ở bên kia sông, ảnh năm 2007.

Năm 2007, vợ chồng tôi, hai cô em gái, chú em út của tôi và vợ chồng anh vợ và các cháu lại lên thăm Pò Mười, nơi 60 năm trước mấy anh em chúng tôi đã lớn lên ở đây.

Sau đó thăm thác Bản Giốc và Ngườm Ngao. Phía bên kia sông nhộn nhịp với những mảng ngắm cảnh, người đông nườm nượp. Còn bên này sông vắng teo.

< Thác Bản Giốc – phần thác phụ của Việt Nam, năm 2007.

Đồn biên phòng được xây dựng lại, tuy vẫn là nhà một tầng, nhưng đã là tường xây mái ngói với chiếc sân rộng rãi, có cả chậu hoa. Cơ sở du lịch vẫn chưa có gì. Mấy chiếc cầu gỗ xiêu vẹo do dân tự làm, không được an toàn nếu nước lớn. Dưới bãi sông có mấy túp lều dựng lên không theo hàng lối, toàn bày hàng lặt vặt của địa phương Trung Quốc. Mấy chiếc mảng của ta do dân địa phương tự làm nên sơ sài và không đẹp như mảng phía bên kia, hấp dẫn và đúng chất du lịch. Những mảng này chỉ đi lại ở giữa sông, chứ không được sang bên bờ sông của nước bạn. Nghe nói hai năm gần đây vừa cắm mốc biên giới ở ngay giữa thác chính?

< Cầu vào thác còn sơ sài tạm bợ chưa an toàn, chưa đáp ứng với yêu cầu du lịch, năm 2007.

Ngườm Ngao đã khai thác dịch vụ du lịch. Trong hang đã có điện sáng. Có lẽ muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên thì nên sớm đến thăm. Tôi thấy bàn tay con người đã bắt đầu làm khô cứng nhiều nơi, nhất là những lối đi đã thấy vết đập phá, bậc xi măng xây phẳng phiu, láng phằng lì làm mất đi những sóng đá nhấp nhô rất nên thơ. Ngườm Ngao là rừng nghệ thuật, mọi tác động của con người phải từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân, đôi mắt nhìn tinh túy của nghệ sĩ.

Chiêm ngưỡng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao ở Cao Bằng
Thăm Thác Bản Giốc

Ngườm Ngao là tài sản vô giá. Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Cao Bằng một không gian thần tiên, đa dạng về hình dáng, phong phú về màu sắc, đẹp cực kỳ từng cm. Tôi rất ngại, nếu không biết giữ gìn và tôn trọng thiên nhiên thì số phận của nó không sớm thì muộn sẽ giống như các hang động ở vịnh Hạ Long, đồ dởm bằng xi măng tràn lan ở khắp nơi. Màu sắc bịa đặt. Thật giả lẫn lộn. Tự đánh mất tài sản quý giá của mình.

Bây giờ người ta đang dựa vào những hình thù tự nhiên dựng nên những câu chuyện huyền hoặc, huyền thoại, thần thánh tiên bụt hóa làm cho nhiều người mê hoặc. Đừng thêu dệt những chuyện nhảm nhí vào thiên nhiên, bản thân giá trị của nó đã quá đẹp rồi. Điều đáng ngại là quanh khu du lịch Ngườm Ngao thấy bán rất nhiều nhũ đá, măng đá. Nếu Không ngăn cấm thì chẳng bao lâu những nhũ đá Ngườm Ngao sẽ bị rời đến các dinh thự, nhà hàng khắp nơi, kể cả ở nước ngoài.

NISAVA TRAVEL! – Theo blog Kiến Trúc Việt – Đoàn Đức Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *