Đêm Hà Nội lung linh với những ánh điện đủ sắc màu. Tấp nập nơi trung tâm phố cổ.
Lặng lẽ những khoảng trống ven đô. Nơi xô bồ, chè chén. Chỗ lãng đãng, thanh tao. Mỹ Đình là một nơi như thế. Nơi đây thường có nhiều người tụ tập tới thả diều. Một thú vui nhỏ, khi người ta được thả hồn vào bầu trời…
Nơi ước mơ cất cánh
Khoảng trống trước sân vận động Mỹ Đình là một địa điểm “lý tưởng” hiếm có để người thủ đô có thể thỏa thú vui thả diều. Từ khi bóng chiều đang còn vàng vọt dần buông thì đâu đó đã phơ phất vài cánh diều. Đến đêm, cả bầu trời ở quảng trường tràn ngập những cánh diều đến nỗi, nếu ai chậm chân thì khó có lấy một đường cất cánh. Trên bầu trời, nổi bật với những con diều với đủ dáng hình: Từ rồng, phượng, đầu voi, cá heo, bạch tuộc đến hình nàng tiên cá, siêu nhân. Bỗng thấy nổi bật một con diều phát sáng.
Diều bay cao, bay thấp, có lúc lại loạng choạng lúc lên, lúc xuống. Khi con diều no gió, sợi dây neo căng đến nỗi chỉ cần chạm nhẹ đầu ngón tay rồi cảm nhận sợi dây đập li ti. Đưa gần vào tai thì nghe tiếng thì thào của gió, như tiếng vi vu từ đại ngàn, tiếng ầm ào từ biển khơi, cũng dường như tiếng gọi của tuổi thơ vọng lại…
Những hôm gió lộng, cả quảng trường tràn ngập người hóng gió. Gió ở đây vẫn còn chút hơi hướng mộc mạc, dân dã từ đồng ruộng ngoại thành thổi vào. Còn gì bằng việc ra đây hít thở không khí trong lành, rồi tưởng tượng mình bay bổng cùng con diều bay vút lên chao lượn, nhẩn nha trên không trung. Một người cha đang hướng dẫn đứa con cách thả diều. Đến lúc diều lên, cứ thế, cứ thế cuốn vào nhịp điệu của gió mà quên đi cậu con nhỏ đang bám dưới chân mình. Có đôi nam nữ bên nhau, người nới, người thả dây diều.
Lúc gió thổi, đẩy mái tóc chàng trai, cô gái, cả chiếc váy xinh xắn cuốn theo chiều gió.
Thả diều được xem như một thú vui của người Hà thành. Nếu như đặc trưng của diều xứ Huế là phong cách cung đình, diều Nam Bộ dân dã thì Bắc Bộ lại ghi dấu ấn với hình ảnh những con diều sáo. Cuộc sống hiện đại đang dần gặm nhấm những không gian thả diều, nhưng chính cuộc sống hiện đại lại làm cho nghệ thuật thả diều trở nên đa dạng sắc màu.
Thả diều là một thú vui, vừa là môn nghệ thuật, vừa là môn thể thao… không phân biệt lứa tuổi. Ở quảng trường Mỹ Đình, không hiếm gặp hình ảnh một vợ, một chồng và một con trẻ đêm nào cũng mải mê thả con diều của riêng họ.
Người bán “những ước mơ”
Nhờ những cánh diều, quảng trường Mỹ Đình hào hoa hơn, thanh thoát hơn. Nhưng rồi hiện thực vẫn là hiện thực, chỉ có thể ngước nhìn bầu trời, nhưng mặt đất mới là điểm dừng chân. Không phải đâu đâu cũng là cuộc sống tự tại, tuyệt nhiên không vẩn chút bụi đời lầm than, cơ cực. Một kẻ thích phiêu lãng theo những cánh diều như tôi rồi cũng có lúc phải bâng quơ khi nhìn sang bên.
Tôi đang nói đến những người bán diều. Họ bất chợt sáng trong đôi mắt tôi khi cơn gió mạnh vụt qua. “Hàng quán” của họ là chiếc xe đạp cọc cạch, một chiếc cọc bọc rơm dựng đứng, bó chắc vào một bên yên xe. Trên đó cắm đủ các loại diều để khách hàng chọn. Gió thổi vào những sợi tua rua từ các cánh diều phấp phới bay.
Ánh sáng thì cố len lỏi qua những khe hở bất chợt đó rồi hằn in xuống mặt đường – nơi một người phụ nữ làm nghề bán diều đang ngồi. Chị nói rành rọt về cuộc đời mình như đã lâu rồi không có người chia sẻ. Chồng đã mất, con ở quê, mình chị lang thang chốn thành thị đã trên 10 năm trời.
Ban ngày, bán vài cân chè khô. Tối đến, lại cố kiếm thêm bằng việc bán những con diều. Hơn 10 năm như thế, có lẽ chị Mến cũng mong một điều thay đổi lắm – cho dù có nhỏ nhoi. Chị tâm sự với tôi rằng: “Mỗi con diều tớ chỉ lãi được 5.000 – 6.000 đồng, cả tối bán được chục con. Gặp những hôm tắt gió có khi chả bán được con nào”.
Chiếc đồng hồ lớn mới dựng ở quảng trường đã điểm gần 11h đêm. Gió vẫn mạnh, nên vẫn còn vài người hứng thú với cánh diều no gió của mình.
Chị Mến vẫn lặng im ngồi đó, không biết nghĩ gì. Có lẽ chị cũng mong ước được thả cánh diều, tung bay trên bầu trời rộng lớn kia…
NISAVA TRAVEL! – Theo Laodong, ảnh internet