(DVO) – Tết trâu bắt đầu từ sáng mùng 4 bằng nhang đèn và mâm trái cây, thúng gạo, giấy tiền vàng bạc rượu, trà (có chỗ cúng bằng bánh tét với đường) để cúng “ông Chuồng – bà Chuồng”.

Ngày xưa, con trâu giúp cho người dân quê biết bao công sức, nhất là những khi phải mướn ruộng để canh tác hàng năm. Nhiều nhà nghèo không có trâu phải đi mướn, cơ cực trăm phần. Nhà khá giả một chút coi con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì vậy, người nghèo hay người giàu cũng nhờ nó, nhớ công của nó. Tết đến, người người nhà nhà vui chơi, thì ai cũng nhớ tục Tết trâu.

Tết trâu bắt đầu từ sáng mùng 4 bằng nhang đèn và mâm trái cây, thúng gạo, giấy tiền vàng bạc rượu, trà (có chỗ cúng bằng bánh tét với đường) để cúng “ông Chuồng – bà Chuồng”. Sau đó, chủ nhà lại chuồng trâu đổ rượu vào miệng mũi trâu đực, đổ nước trà vào miệng mũi trâu cái, rồi lấy hai lá vàng bạc giấy dán hai sừng. Có người cúng xong còn đem bánh tét đúc cho trâu ăn. Chuồng trâu cũng được dán giấy cho … ăn tết.

Chủ trâu cũng không quên những bao lì xì hoặc cho những thúng gạo, đòn bánh cho những đứa trẻ chăn trâu mướn cho họ, coi như quà thưởng, đền công khó nhọc cả một năm trời cho những đối tượng giúp họ có lúa đầy bồ, gạo đầy cối. Xong nghi thức, trâu được thả ra đám cỏ non người ta đã dành sẵn cho nó.

Trong cuộc sống hiện nay, máy móc đã thay trâu cày, và cũng từ đó phong tục tốt đẹp ngày xưa của ông bà để lại đã gần như vắng bóng.

Tuy nhiên, hình thức nghi lễ nào cũng hàm chứa sự biết ơn của người dân đối với những đối tượng đã phù trợ cho họ vượt qua khó khăn, sự rủi trong đời sống. Yếu tố tâm linh ấy đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn. Tết nhứt cũng là dịp để trả ơn và ghi ơn. Tiền nhân đã gửi gắm nhiều giá trị nhân văn sâu sắc qua những tập tục hình thành nên tự ngày xa xưa ấy!

Theo Minh Khuyên (Dân Việt)
NISAVA TRAVEL!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *